Ngày Xuân thăm giếng làng 500 năm chưa bao giờ cạn nước

(PLO) - Tìm khắp Việt Nam, hiếm thấy giếng nước nào rộng lớn như giếng làng Thanh Phước (thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tuy gọi là giếng, nhưng diện tích lớn như hồ nước. Tương truyền giếng nước này không bao giờ khô cạn, nguồn nước được cho có tác dụng trị bệnh. Kèm theo đó, hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt do người dân đặt ra để gìn giữ “long mạch” là vị trí “giếng nước khổng lồ”  
“Giếng khổng lồ” tại làng Thanh Phước
“Giếng khổng lồ” tại làng Thanh Phước
Một giếng nước, bốn làng dùng thỏa thích
Giếng nước có tên Cao Biền nằm ngay đầu làng Thanh Phước, cách sông Sình 20 mét. Giếng nước hình chữ nhật với chiều dài tới 40 mét, rộng 30 mét và sâu hơn 4 mét. Giếng không có nơi thoát nước, ở giữa nổi lên gò đất um tùm cây xanh. 
Các bậc bô lão làng Thanh Phước dẫn lời cha ông tương tuyền lại rằng vào thời nhà Đường ở Trung Hoa có vị quan tên Cao Biền (821- 887) nổi tiếng tài giỏi về địa lý, phép thuật. Vua Đường cử vị này đến Đại Việt, bỏ công khảo sát khắp nơi để “trấn yểm” các vị trí là “long mạch”, bởi ở chỗ nào xuất hiện “long mạch”, ở đó xuất hiện người tài, rất khó cai trị. 
Khi đến vùng đất làng Thanh Phước, viên quan nhà Đường nhận thấy nơi đây phong thủy tốt, đặc biệt có “long mạch”. Viên quan đã cho người đào lên rồi lấy đất, đá bịt kín “long mạch” nhưng làm cách nào, nước ở khu vực này vẫn phun trào ào ạt. Viên quan đành bất lực. Bởi vậy giếng nước này mới có tên giếng Cao Biền.
Nhiều người cho rằng với hình dạng, diện tích như trên, phải gọi giếng Cao Biền là hồ nước mới đúng. Tuy nhiên bậc bô lão trong làng bảo vệ quan điểm giữ nguyên tên gọi giếng Cao Biền.
Giếng Cao Biền giữ vị trí quan trọng bởi đây là nơi cung cấp nước uống cho bốn làng gồm: Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà), An Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) và Tiên Thành, Thanh Phước (cùng thuộc xã Hương Phong). Cho đến hiện nay, người dân vẫn sử dụng nước ở giếng để sinh hoạt.
Lạ lùng giếng nước không bao giờ cạn
Dù mùa mưa hay mùa khô, dù trời hạn hán đến dường nào, 500 năm giếng Cao Biền chưa một lần cạn nước nhờ những mạch ngầm trong vắt. Lạ hơn, xung quanh giếng cổ này là khu vực nhiễm mặn, sông Sình cách giếng 20 mét thường xuyên bị nước biển xâm nhập, nhưng nước giếng không hề bị ảnh hưởng.
Trong ý thức người dân địa phương, giếng Cao Biền trở thành chốn linh thiêng và hết mực được tôn trọng. Dẫn chứng như cá sống dưới giếng, chim làm tổ trên cây hai bên bờ, không ai dám đánh bắt. Mọi người đi ngang qua giếng lấy nước đều cúi đầu, xếp hàng thứ tự. 
Ông Phan Hữu Tiến, trưởng làng Thanh Phước khẳng định thêm chuyện lạ về giếng cổ quê mình: “Hồi còn nhỏ, tôi có theo cha đi dọn giếng vào mùa khô hạn thì thấy nhiều xác cây chổi, cây tràm từ mạch chảy ra. Đây là khu vực vùng ven biển không thể có mấy giống cây đó. Mọi người càng tin đây chính là “long mạch” xuyên suốt từ trên núi về tới biển như lời đồn đại”. 
Luật ngầm khắt khe nữa, phụ nữ “đến ngày” tuyệt đối không được xuống giếng lấy nước mà chỉ được đứng trên bờ nhờ người khác lấy giúp. Bậc bô lão giải thích, căn nguyên luật ngầm trên xuất phát từ tích truyện truyền lại rằng nếu phụ nữ đến ngày “đèn đỏ” bước xuống giếng, nước giếng lập tức chuyển từ màu xanh sang màu đỏ. 
Bà Phan Thị Đăng Châu (65 tuổi), sống cạnh giếng cổ khẳng định từng tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ trên. Người dân địa phương tương truyền thêm, nước giếng còn có tác dụng chữa bệnh. Bà Châu cho rằng rửa mặt bằng nước giếng sẽ giúp mắt sáng hơn. Nếu bị chó dại cắn, chỉ cần dùng nước giếng xối lên vết thương giúp giảm nguy cơ bị nhiễm vi rút dại nữa. Từ những tin đồn, người khắp nơi từng kéo đến giếng lấy nước chữa bệnh xếp hàng dài. 
Vào đầu năm 2011, đông đảo tiểu thương tại chợ Thanh Phước đã quyên góp tiền bạc lập nên ngôi miếu nhỏ gọi là nơi thờ thần giếng. Một pho tượng Phật Quan Thế Âm cũng được rước về để dân làng đến khấn nguyện, làm điểm dựa tâm linh. Chỉ trong vòng chưa đầy tuần lễ, người dân quyên góp hơn mười triệu đồng xây miếu. Ở vùng quê nghèo, tập hợp được số tiền trên không phải chuyện dễ. 
Tượng Phật Quan Thế Âm và miếu thần giếng được người dân đứng ra quyên góp lập nên
 Tượng Phật Quan Thế Âm và miếu thần giếng được người dân đứng ra quyên góp lập nên
Trước đây, ban điều hành làng phải chi tới hai sào ruộng cho vị thủ trông nom miếu thần giếng. Tuy nhiên hơn 10 năm nay, một phụ nữ tình nguyện đứng ra làm công quả công việc trên. Dân xóm cho biết, phụ nữ này nhiều đêm nằm mộng thấy người chồng quá cố gọi mình ở đáy giếng đã phát nguyện đứng ra dọn dẹp vệ sinh, chăm lo nhang khói không công tại giếng làng. Một người dân khác lại tình nguyện mắc điện thắp sáng am thần giếng từ năm 1991 đến nay.
Lệ làng khắt khe quyết bảo vệ giếng
Ông Phan Hữu Thương, trưởng thôn Thanh Phước cho biết thêm từ khi miếu thần giếng dựng lên, mỗi khi tế làng, người dân cử hành lễ tế ở giếng trước rồi mới về đình làng. Hay nói cách khác, trong đời sống tâm linh, giếng làng chiếm giữ vị trí rất quan trọng. Không rõ thực hư thế nào nhưng dân làng Thanh Phước quả quyết, từ ngày lập miếu, dựng tượng phật, làng quê ăn nên làm ra hơn. Ai nấy quan niệm, có lẽ bức tượng Phật đã “trấn yểm” những linh hồn ở xung quanh giếng chưa được siêu thoát thường hiển linh quậy phá trước đó. 
Được biết thêm, có vị tu sĩ từng về làng Thanh Phước xin phép chính quyền được dựng bức tượng phật lớn hơn ở gò đất nổi giữa giếng Cao Biền nhưng do đường đi ra “cù lao” khó khăn, nguy hiểm nên chưa được chấp nhận.
Chừng 5 năm nay, người dân thôn Thanh Phước đã có nước máy nên việc dùng nước giếng Cao Biền để sinh hoạt còn rất ít. Tuy nhiên, toàn bộ dân làng xem giếng không phải chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là “long mạch” giúp xóm làng phồn thịnh, yên bình. 
Bởi vậy, để “long mạch” được trong suốt, từ xưa đến nay năm nào ban điều hành làng đều tổ chức dọn dẹp vệ sinh, quang cảnh xung quanh giếng Cao Biền. Đồng thời không quên dặn dò cho con cháu ghé thăm “long mạch” nhận lấy phúc phước.
“Người ta quan niệm, nếu mạch nước bị ngăn không phun trào nữa, xóm làng sẽ tiều tuỵ dần. Những năm gần đây, Chi đoàn thanh niên được giao trách nhiệm gìn giữ vệ sinh giếng nước định kì một năm hai lần. Ngoài ra nếu ai đó có hành vi xả rác hoặc thải chất bẩn ra giếng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo lệ làng”, Trưởng làng cho biết.

Đọc thêm