Theo hồ sơ, ngày 24/6/2010, Ban điều hành kiên cố hóa trường lớp học huyện (nay là Ban Quản lý dự án huyện - QLDA) và Cty TNHH Trường Thành (trụ sở TP Vinh) ký Hợp đồng 27/2010/HĐKT/BĐH thi công nhà học 2 tầng 8 phòng Trường THCS Lượng Minh. Nhà thầu đã đưa máy móc, thiết bị, nhân lực vào thi công sau khi hợp đồng có hiệu lực. DN đã đào, vận chuyển trên 40.000m³ đất, đá, nhưng phần mái ta luy do địa chất yếu, bị sạt lở nên không thể tiếp tục thi công; đến 27/10/2010 buộc phải tạm dừng thi công.
Ngày 20/12/2010, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công lập biên bản kiểm tra và xử lý hiện trường, ghi nhận khối lượng nhà thầu đã thực hiện trên 40.000m³ đất đá. Ngày 5/7/2013, UBND huyện có Văn bản 408/UBND-CT chấm dứt thi công công trình và đồng ý với đề nghị nhà thầu thanh quyết toán khối lượng thực tế đã thực hiện được tại hiện trường và các chi phí tập kết máy móc, chi phí khác (nếu có).
Sau nhiều buổi làm việc, hai bên chỉ thống nhất được khối lượng đào, vận chuyển đất, đá là 40.000m³, không thống nhất được các chi phí tập kết máy móc thiết bị và chi phí khác. Huyện chỉ đồng ý thanh toán khối lượng thực tế cho DN là 484 triệu đồng.
Sau nhiều lần làm việc, hai bên không thống nhất được nên phía DN khởi kiện, yêu cầu UBND huyện bồi thường 987 triệu đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà, bị đơn vẫn giữ ý kiến cho rằng công trình bắt đầu từ 2010 và phải dừng thi công do sạt lở không thể triển khai tiếp. Về mặt khối lượng đã được đánh giá thực tế, các bên đã thống nhất. Nguyên đơn cung cấp các hạng mục yêu cầu đền bù như giá trị san nền, tiền lương công nhân, khấu hao máy móc, tiền đặt cọc mua vật tư khi hủy hợp đồng. Nhưng nguyên đơn không đưa ra tài liệu chứng minh. Hiện nay, hiện trạng công trình biến dạng không có cơ sở chứng minh việc đền bù. Bị đơn yêu cầu nguyên đơn đưa tài liệu chứng cứ chứng minh số tiền yêu cầu bồi thường là đúng theo quy định pháp luật và quy định trong hợp đồng.
TAND đã xác minh, thu thập chứng cứ về tất cả các tài liệu do hai bên cung cấp. Theo Điều 8 Hợp đồng kinh tế 27/2010/HĐKT/BĐH, thì UBND huyện Tương Dương - chủ đầu tư không mua bảo hiểm công trình, Cty Trường Thành không mua bảo hiểm vật tư, thiết bị và bảo hiểm với người lao động, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba. Như vậy, cả hai bên đều đã vi phạm hợp đồng đã ký.
Tuy hai bên đã thống nhất được số tiền khối lượng nhà thầu đã thực hiện là 40.000m3 (484 triệu đồng), nhưng theo Công văn 408/UBND-CT có ghi UBND huyện đồng ý để Cty Trường Thành thanh quyết toán khối lượng đào nền đã thực hiện được tại hiện trường và các chi phí khác; nên UBND huyện vẫn phải có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí nói trên cho DN.
HĐXX xét thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bị đơn bồi thường số tiền giá trị san nền, tiền lương công nhân, khấu hao máy móc, tiền đặt cọc mua vật tư khi hủy hợp đồng là có căn cứ để chấp nhận một phần. Tòa chấp nhận phần yêu cầu thời gian chờ xử lý hiện trường bố trí công nhân 4 tháng chờ đợi quyết định của UBND huyện số tiền 297 triệu đồng; khấu hao máy móc 273 triệu đồng... Tổng số tiền UBND huyện phải bồi thường là 787 triệu đồng.