Nghề 'đồng nát' và câu chuyện tái chế rác thải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghề đồng nát, một nghề phi chính thức nhưng hiện đóng vai trò quan trọng trong bài toán giải quyết phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tăng khả năng tái chế rác thải nhựa, giảm phát thải ra môi trường...
Những người làm công việc thu gom đồng nát vẫn thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn: Thanhnien.vn)
Những người làm công việc thu gom đồng nát vẫn thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn: Thanhnien.vn)

Mắt xích quan trọng

Tại Việt Nam, một trong những vấn đề nan giải đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn hiện nay chính là việc phân loại rác thải nhựa tái sinh giá trị thấp và rác hữu cơ chưa hiệu quả. Tại Hà Nội, bãi tập kết xử lý rác mỗi ngày xử lý khoảng hơn 5.000 tấn rác bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, trong hàng nghìn tấn rác thải lại lẫn với tài nguyên quý giá có thể tái chế, tái sử dụng. Việc phân loại rác thải không hiệu quả đồng nghĩa với việc nguồn tài nguyên đang bị lãng phí.

Mặc dù đã có nhiều mô hình, chiến dịch được phát động và thực hiện nhưng hiệu quả phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chưa cao. Trong khi đó, nhóm ngành nghề phi chính thức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là nghề đồng nát, ve chai lại đang thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên. Trên thực tế, có tới ít nhất 2/3 lượng rác thải nhựa được phân loại và thu gom tại các đô thị đến từ lực lượng lao động này.

Không khó để bắt gặp tiếng rao quen thuộc “đồng nát, sắt vụn đi” trên mọi ngóc ngách từ thôn quê đến thành thị. Cùng với sự hình thành và phát triển của đô thị, nghề đồng nát, ve chai đã hình thành tại Việt Nam từ 30 - 40 năm với hàng nghìn làng tái chế khắp đất nước. Ước tính hiện Việt Nam có khoảng gần 3 triệu người làm công việc thu gom, phân loại và tái chế rác.

Chia sẻ với truyền thông, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hội nhựa tái sinh Việt Nam ghi nhận sự đóng góp rất lớn của lực lượng ve chai trong khâu phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Theo ông Vượng, nếu không có họ thì phải tưởng tượng là lượng rác không được thu gom sẽ tràn ngập thành phố.

Đặc điểm nghề mưu sinh vất vả, thu nhập thấp và bấp bênh, nhưng những người thu mua đồng nát, ve chai lại chính là những nhân tố tiên phong trong thực hiện kinh tế tuần hoàn và đóng góp lớn vào chu trình tái chế rác thải tại Việt Nam.

Kết nối lực lượng chính thức và phi chính thức

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tái chế, góp phần không nhỏ để giải quyết bài toán bảo vệ môi trường tại Việt Nam nhưng những người làm nghề ve chai, đồng nát vẫn là lực lượng phi chính thức, thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Những phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Họ còn thường xuyên phải đối mặt với định kiến thân phận hoặc bị kỳ thị khi làm việc với rác thải.

Trước thực tế trên, ngày 7/3, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ công việc thu gom chất thải tái chế giữa lực lượng chính thức và phi chính thức, trên địa bàn TP Hà Nội. Tại chương trình, các đại biểu đã nêu những vấn đề còn tồn tại trong công tác thu gom, duy trì vệ sinh môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, công việc của công nhân khá vất vả do lượng chất thải phát sinh ngày một lớn; Sự thiếu phối hợp giữa lực lượng chính thức (công nhân môi trường) và lực lượng phi chính thức (người nhặt rác, đồng nát…) khiến công tác thu gom, phân loại chất thải gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu cho rằng, những cơ quan có chức năng cần hài hoà lợi ích giữa 2 lực lượng này để nâng cao hiệu quả thu gom, duy trì vệ sinh môi trường. Cụ thể, cần tận dụng, phát huy “sức mạnh” của đội ngũ thu gom chất thải phi chính thức; Đồng thời có những cơ chế hỗ trợ đội ngũ thu gom chất thải phi chính thức, cho họ được hưởng những quyền lợi trong việc thu gom, xử lý chất thải.

Chương trình còn nêu ra thực trạng dòng chất thải đến từ việc thu gom tự do chảy về làng nghề hiện đang bị đánh đồng với lực lượng gây ô nhiễm. Mặc dù đóng vai trò tích cực và đáng ghi nhận nhưng những người thu gom tự do đang khiến dòng chất thải chảy về làng nghề không được tái chế đúng cách, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, họ cũng cần nâng cao nhận thức và góp phần bảo vệ môi trường bằng cách đưa chất thải tái chế về nơi thu mua, xử lý đúng cách.