Nghệ sĩ Hoàng Yến mất chiều 4/7 ở Hà Nội. Chị Thùy Hương - con gái bà - kể trước đó hai ngày, bà nằm nhiều vì mệt nhưng buổi chiều hôm đó bỗng tỉnh táo. Bà xuống nhà ăn cơm cùng gia đình, giúp con cháu dọn dẹp đồ đạc rồi lên phòng riêng ngủ trưa. Khoảng 17h, con cháu phát hiện bà mất trong lúc ngủ. "Mẹ ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như chính con người bà", chị Thùy Hương nói.
Những năm cuối đời, bà sống cùng gia đình con trai út trong căn nhà ở Quang Trung (Hà Nội). Hai con gái thường xuyên đến thăm nom bà. Hôm 13/6, các con tổ chức sinh nhật mừng bà tròn 88 tuổi. Đúng mùa sen hồ Tây nở rộ, các con mua một bó sen hồng to để cắm tặng bà.
Từ khi về hưu, bà giữ sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn. Hàng ngày, bà đi bộ ở hồ Thiền Quang hoặc rảo bước loanh quanh trong nhà để vận động. Nghệ sĩ chỉ khổ sở vì mất ngủ. Nhà ở trên con phố ồn ào, nhiều đêm bà nằm đến khuya mới vào giấc nhưng đến tờ mờ sáng lại tỉnh. Bà cố gắng không uống thuốc an thần vì sợ tác dụng phụ. Ngoài 80 tuổi, mắt kém đi, bà buồn vì không còn đọc được sách. Những lúc con cháu vắng nhà, nghệ sĩ xem tivi để giải khuây. Nghỉ diễn nhiều năm, bà nói mình là khán giả, theo dõi hết phim này đến phim khác, trầm trồ vì lớp diễn viên trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận người xem.
Trong ký ức của con gái bà - chị Thùy Hương, mẹ là người dịu dàng, thanh lịch, toát lên vẻ nền nã của con gái Hà thành. Những dịp trọng đại, bà luôn mặc áo dài. Bà chưa từng cãi cọ với ai, cũng không bao giờ lớn tiếng quát mắng con cái. Sau mỗi chuyến công tác xa, bà mua cho con nhiều quà bánh, ân cần hỏi han chuyện học tập. Bà không bao giờ cấm đoán hay áp đặt họ điều gì. Trong ba người con của bà, cô cả theo nghiệp nghiên cứu, cậu út làm đạo diễn ở đài truyền hình. Chị Thùy Hương là con gái thứ hai, nối nghiệp bà.
Chị cho biết: "Tôi vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của bố mẹ. Hơn 30 năm chung sống, ông bà luôn hòa thuận, nhẫn nhịn, hy sinh vì nhau. Bố tôi mất hơn 20 năm trước. Tôi biết mẹ buồn, hay nhớ bố nhưng luôn nhẫn nhịn, không bao giờ để lộ cảm xúc trước con cháu. Bà hay cười, ánh mắt hiền từ. Trước khi mất, bà không để lại di nguyện gì. Bà là người lạc quan, không bao giờ nghĩ đến cái chết".
Đóng đinh với các vai phụ, nghệ sĩ Hoàng Yến chiếm được tình cảm của khán giả nhờ loạt vai hiền lành, giống với tính cách của bà. Hóa thân người mẹ ốm phải nằm liệt giường nhưng không được các con tận tụy chăm sóc trong phim Của để dành, bà khiến khán giả đồng cảm bởi ánh mắt hiền từ, khuôn mặt phúc hậu. Sinh thời, nghệ sĩ cho biết sau khi phim phát sóng, nhiều khán giả khi gặp vẫn gọi "bà Vy". Có người xin ôm bà một cái vì "bà diễn như thật làm con thương quá". Bà nói: "Đó là vai diễn tôi không bao giờ quên trong cuộc đời. Những phân cảnh tôi ngã, tôi khóc đều đến từ cảm xúc chân thật nhất".
Diễn viên Thu Hường (vai Thư phim Của để dành) nhớ lại: "Mỗi lần quay xong cảnh cô Thư đanh đá, tôi lại nhìn sang bà. Bà cười thật hiền rồi trêu: 'Giời ơi, đanh đá, ngoa ngoắt lắm con ạ!'. Tôi, cố nghệ sĩ Anh Tú (vai Thanh), Hồng Tuấn (vai Tiến) đều coi bà như mẹ ruột".
Những năm 2000, Thu Hường cùng tham gia với nghệ sĩ Hoàng Yến thêm phim Người ở bến sông. Lúc đó, bà tâm sự với chị vì trí nhớ không tốt nên thường hay quên thoại, phải cố tập trung để không ảnh hưởng công việc chung. Hơn nữa, bà khó kiểm soát cảm xúc, khi khóc khó dừng lại được. Vì thế, những năm cuối đời, bà không dám nhận lời mời đóng phim. Trong sự nghiệp của mình, ngoài Của đề dành, bà còn ghi dấu ấn với vai bà Hiến trong phim điện ảnh Bao giờ cho đến tháng mười, người mẹ trong phim Bông sen, bà Ngải trong Quà năm mới...
Thuộc lứa đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam cùng với Phi Nga, Lâm Tới, Tuệ Minh, nghệ sĩ Hoàng Yến được nhiều đàn em kính trọng về tài năng, nhân cách. Nghệ sĩ Trà Giang nói: "Chị Hoàng Yến không bao giờ từ chối vai nào, dám đảm đương những vai người mẹ nông dân, khác hoàn toàn với cuộc sống ở Hà Nội của chị. Tôi nghĩ chị phải yêu nghề lắm mới có thể dày công nghiên cứu, nhập tâm và hóa thân vào những nhân vật như vậy".
Nghệ sĩ Minh Châu nhớ năm 1977, chị chân ướt chân ráo tham gia Đoàn Kịch - Điện ảnh nổi tiếng một thời. Khi ấy, chị được phân công làm chân điếu đóm cho vở kịch Cách mạng mà nghệ sĩ Hoàng Yến đóng vai phụ. "Chị Yến hóa thân người mẹ của một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Vai diễn xúc động, nhiều tầng ý nghĩa. Khi nhìn chị tập luyện, tôi lúc ấy vô cùng khâm phục tình yêu nghề, tinh thần làm việc hăng say của chị. Một lần, tôi còn bị chị Hoàng Yến mắng vì mua thiếu đạo cụ. Đó là một trong những bài học đầu đời của tôi về sự nghiêm túc trong công việc", Minh Châu nhớ lại.
Nghệ sĩ Trà Giang nhớ ngày họp mặt lớp diễn viên khóa 1 của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), nghệ sĩ Hoàng Yến cũng góp mặt. Khi Trà Giang vào trường, nghệ sĩ Hoàng Yến đã là diễn viên chuyên nghiệp nhưng vẫn giao lưu với đàn em. Sau này, họ cùng hoạt trong Đoàn Kịch - Điển ảnh.
"Chị cười nói vui vẻ, hồ hởi ôn lại kỷ niệm cũ. Tôi nghĩ ai gặp chị cũng thấy thân thuộc bởi chị quá đỗi hiền lành, nhân hậu, giống như những vai diễn của chị. Nghe tin chị qua đời, tôi đau đớn như thể mất đi người thân trong gia đình. Tôi nghĩ đó là cảm giác xót xa chung của nhiều thế hệ khán giả", Trà Giang nói.