Kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam

“Nghệ sĩ là chiến sĩ” – khi bút vẽ, bảng màu là “vũ khí”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng ngày 24/02/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm.

Triển lãm được tổ chức nhằm kỷ niệm sự kiện lịch sử của đất nước, của dấu mốc 80 năm ra đời Đề cương về Văn hoá Việt Nam (1943-2023). 80 tác phẩm của triển lãm "Nghệ sĩ là chiến sĩ" thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, rời cuộc sống chốn phồn hoa đô thị tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác từ 1945 đến 1954 trên chất liệu giấy của 30 tác giả thuộc các thế hệ hoạ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 22 hoạ sĩ Mỹ thuật Đông Dương.

“Triển lãm "Nghệ sĩ là chiến sĩ" tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sĩ, những người đã sử dụng bút vẽ, bảng màu làm vũ khí, đem năng lực, nhiệt huyết và sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam” - ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi khai mạc.

Họa sĩ Lê Trí Dũng - đại diện gia đình các họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Lê Trí Dũng - đại diện gia đình các họa sĩ chia sẻ.

Cũng tại triển lãm, Họa sĩ Lê Trí Dũng, con của họa sĩ sơn mài nổi tiếng Lê Quốc Lộc chia sẻ: “Buổi triển lãm này thực sự ý nghĩa giúp ngòi bút của người nghệ sĩ đến gần hơn với người yêu tranh Việt Nam nói riêng và người yêu tranh quốc tế nói chung.”

Trong thời kỳ bom đạn, bên cạnh cây súng, bút vẽ đã trở thành vũ khí sắc bén của các họa sĩ trên mặt trận văn hóa: họ vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật; lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, đề tài sáng tác.

Hoà mình và tham gia vào những đoàn quân Nam tiến, dân công, Hội Văn hóa Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, bộ đội, du kích… người nghệ sĩ - chiến sĩ đã kịp thời ghi lại những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng, thi đua tăng gia sản xuất, truyền thống hiếu học của đồng bào và quân dân cả nước.

Những tác phẩm có thể kể đến như: Dao găm rèn cho du kích (1945, Nguyễn Hiêm), Làm kíp lựu đạn (1947, Nguyễn Đỗ Cung), Kéo bễ lò rèn (1951, Trần Văn Cẩn), Đoàn kết chống xâm lăng (1947, Văn Giáo), Du kích Bến Tre (1948, Diệp Minh Châu), Dân công kháng chiến (1948, Lê Quốc Lộc), Dân công sửa chữa cầu đường (Tây Bắc) (1951, Nguyễn Sỹ Ngọc), Bộ đội nghỉ trong hang (1951, Tô Ngọc Vân), Lội suối (1952, Nguyễn Trọng Hợp), Tay bừa tay súng (1954, Huỳnh Văn Thuận), Đi cấy (1954, Nguyễn Văn Tỵ)...

Các họa sĩ đã thể hiện sự quyết tâm, hăng say, sáng tạo trong hành trình làm chiến sĩ, thể hiện niềm tin, sự quyết tâm gánh vác trọng trách của đất nước.

Triển lãm mở cửa từ ngày 24/03/2023 đến hết ngày 05/03/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Một số tác phẩm được trưng bày trong triển lãm:

Quân dân Cảnh Dương | Phạm Văn Đôn | 1950 | In.

Quân dân Cảnh Dương | Phạm Văn Đôn | 1950 | In.

Đồng chí cố ăn một chút | Nguyễn Văn Giáo (Văn Giáo) |1954 | Màu nước.

Đồng chí cố ăn một chút | Nguyễn Văn Giáo (Văn Giáo) |1954 | Màu nước.

Đồng bào Tây Bắc vui sướng được thấy ảnh Hồ Chủ tịch | Mai Văn Hiến | 1952 | In.

Đồng bào Tây Bắc vui sướng được thấy ảnh Hồ Chủ tịch | Mai Văn Hiến | 1952 | In.

Đọc thêm