Nghệ sĩ nhạc hàn lâm trào nước mắt vì thu nhập

(PLO) -Khi thành tài với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, mức lương và thù lao biểu diễn của những nghệ sĩ nhạc bác học chỉ được vài ba trăm nghìn đồng. Sự đãi ngộ đối với những nghệ sĩ nhạc hàn lâm khiến nhiều người trào nước mắt.
 
Khổ luyện để thành tài nhưng mức lương của các nghệ sĩ nhạc hàn lâm nhận được muốn trào nước mắt
Khổ luyện để thành tài nhưng mức lương của các nghệ sĩ nhạc hàn lâm nhận được muốn trào nước mắt

Tài năng xoay vần với cơm áo

Ngày 9/12 tới, đêm nhạc cổ điển “Romantic Concert” sẽ diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội (Đống Đa, Hà Nội). Đây là chương trình hòa nhạc đặc sắc giới thiệu những tác phẩm kinh điển của Felix Mendenssohn và Antonin Dvorak được thể hiện bằng những âm thanh kỳ diệu của cây đàn violin và piano hòa quyện với dàn dây. Đặc biệt, đêm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên (từng đạt giải nhất trong cuộc thi piano quốc gia năm 1990 và có nhiều buổi biểu diễn tại Canada, Pháp, Nhật Bản…) và nghệ sĩ violin Nguyễn Công Thắng từng đạt Giải nhất Violon cuộc thi Âm nhạc “Quốc gia Mùa Thu” 1990 và Giải “Trình diễn tác phẩm Việt Nam hay nhất”…  Đây là sự trở về trong hoan ca và lãng mạn của những nghệ sĩ có tầm, có tâm và có niềm đam mê, khát khao cháy bỏng với nghệ thuật âm nhạc thính phòng. 

 Romantic Concert là đêm nhạc cổ điển hiếm hoi trong “bão” liveshow nhạc trẻ và bolero đang “ngập lụt” âm nhạc Việt. Âm nhạc hàn lâm hay còn gọi là âm nhạc bác học, thứ “ngôn ngữ không cần phiên dịch” - cầu nối âm thanh có khả năng gắn kết xuyên biên giới... Vậy nhưng, ở nước ta, nhạc bác học đang bị thất sủng so với các loại hình âm nhạc khác. Nếu những liveshow âm nhạc giải trí thường xuyên cháy vé thì những buổi hòa nhạc thính phòng của cả một dàn nhạc hoành tráng được tổ chức vẫn thưa vắng khán giả, thậm chí trống chỗ ngay cả ở những hàng ghế khách mời. Vì thế, đêm nhạc cổ điển dần thưa vắng trong đời sống âm nhạc Việt. Hiện tại, số lượng những buổi biểu diễn hoành tráng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: “Giai điệu mùa thu”, “Luala concert”, “Hòa nhạc Henesssy”, “Hòa nhạc Toyota” và sắp tới là “Romantic Concert”. Một số chương trình âm nhạc hoành tráng với các nghệ sĩ tên tuổi cùng dàn nhạc vài chục, vài trăm người rất tốn kém ấy hầu hết không dám “tay bo” bán vé. Vì họ biết bán vé sẽ không đủ chi, vậy nên đằng sau các chương trình ấy không thể thiếu các “ông lớn” yêu nhạc cổ điển đồng hành, hỗ trợ.

Con đường để trở thành nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm là một hành trình dài đầy gian khó, không chỉ cần năng khiếu, tâm huyết mà còn cần cả sự khổ luyện. Để có được một nhạc công có thể ngồi trong dàn nhạc cổ điển (chưa thể độc tấu được), cần thời gian đào tạo từ 10 năm trở lên. Thế nhưng, khi thành tài với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, mức lương và thù lao biểu diễn của họ chỉ được vài ba trăm nghìn đồng. Ngoài khoản lương tháng khoảng 4-5 triệu đồng, mỗi buổi diễn, giảng viên Học viện Âm nhạc sẽ được nhận 100.000 đồng, thù lao cho một buổi tập là 50.000 đồng. Với những chương trình lớn, nghệ sĩ sẽ được nhận mức thù lao 700.000 đồng (cho diễn và tập). Với tần suất diễn 4 chương trình/tháng, nghệ sĩ thường được nhận 1,4 triệu đồng, chỉ huy dàn nhạc được nhận thù lao gấp đôi là 2,8 triệu đồng. Trong khi đó, với các giảng viên Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, tổng thu nhập của một nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng khoảng 1,2 tỉ đồng/năm (trừ các chi phí sinh hoạt thường ngày). Nghệ sĩ hàn lâm làm việc tại Việt Nam luôn phải đối diện với muôn vàn khó khăn trước mắt, trong đó có cả gánh nặng mưu sinh. Họ phải làm đủ thứ việc “tay trái” như bán đồ gỗ, cà phê giải khát, có người xoay vần biểu diễn nhạc trong nhà hàng với thế giới ăn uống hỗn độn... Việc vật lộn ấy không dễ dàng gì, vậy nên, việc “chảy máu chất xám” của các nghệ sĩ nhạc hàn lâm là điều dễ hiểu.

Cần lắm khán giả “giữ lửa” lòng nhiệt huyết của nghệ sĩ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” dành cho những đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước có năng khiếu vượt trội về các lĩnh vực văn học nghệ thuật... Phấn đấu từ năm 2021, mỗi năm sẽ có bảy tài năng âm nhạc xuất sắc được cử đi nâng cao trình độ ngoài nước theo các chương trình, dự án đã phê duyệt. Tuy nhiên, dù đào tạo thế nào nhưng cốt lõi vẫn là khán giả - người “giữ lửa”, lòng nhiệt huyết sáng tạo của các nghệ sĩ. Nếu không có khán giả, nghệ sĩ sao thăng hoa niềm cảm xúc?

Theo GS.TS.NSND Violon Ngô Văn Thành, một trong những nguyên nhân khiến nhạc hàn lâm không có được vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc vì Việt Nam chưa có được một lớp công chúng yêu nhạc này. Việt Nam chưa chú ý đến việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng. Sự cổ xúy của những chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm tài năng âm nhạc (chủ yếu là ca hát) càng làm cho công chúng hiểu không đúng về đời sống âm nhạc. Đó là một thiệt thòi rất lớn.

Với đa số khán giả Việt hiện nay, âm nhạc cổ điển và giao hưởng không dễ cảm thụ. Để có thể yêu thích loại hình này, đòi hỏi sự am hiểu nhất định về âm nhạc, có trình độ âm nhạc nhất định. Điều này lại liên quan tới việc tuyên truyền âm nhạc ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Ví như ở Đức, Pháp, đài truyền hình quốc gia ngày nào cũng dành thời lượng 15-30 phút phát sóng các chương trình âm nhạc hàn lâm và phân tích những giá trị nghệ thuật của nhạc bác học này.

Theo các nghệ sĩ, đài truyền hình nên dành thời lượng phát sóng cho dòng nhạc này. Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng hiến kế, trước khi vào giờ học chính, ở các trường nên bật các bản nhạc nổi tiếng thế giới cho học sinh thưởng thức, thư giãn. “Mưa dầm thấm lâu”, dòng nhạc bác học này sẽ “ngấm” vào học sinh, giới trẻ lúc nào không hay.