Nghệ sĩ tập tễnh vào nghề hồn nhiên vi phạm bản quyền?

(PLO) - Cover, tức hát lại những bài hát đã và đang nổi tiếng theo cách của riêng mình đã trở nên rất quen thuộc trong giới trẻ. Rất nhiều “hiện tượng âm nhạc” cũng nổi lên nhờ các bài hát cover xuất sắc hơn cả bản gốc. Nhiều tranh cãi cũng từ đây mà ra.
Hoa Vinh, “hiện tượng mạng” nổi lên nhờ cover các bài hát đã nổi tiếng
Hoa Vinh, “hiện tượng mạng” nổi lên nhờ cover các bài hát đã nổi tiếng

Bài hát cũ nổi lại nhờ cover

Vừa qua, người yêu nhạc đã chứng kiến cuộc đấu khẩu giữa hai ca sĩ chung quanh bài hát Ngắm hoa lệ rơi. Trước đó, Ngắm hoa lệ rơi được nam ca sĩ Châu Khải Phong ra mắt đầu năm 2017. Tuy nhiên, bài hát không nổi bật lắm vì theo nhiều khán giả nhận xét, ca khúc có phần cũ kĩ, “sến sẩm” cả về âm nhạc lẫn ca từ.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, bỗng nhiên Ngắm hoa lệ rơi trở thành một hiện tượng sau phần cover lại của hiện tượng mạng Hoa Vinh. Là một ca sĩ không chuyên, nói đúng hơn là một người yêu ca hát, thường xuyên livestream ca hát và có một lượng fan hâm mộ đáng kể trên mạng xã hội, Hoa Vinh thường cover lại các bài hát theo yêu cầu của fan. Ngắm hoa lệ rơi cũng là một trong những bài hát như thế. 

Với phong cách hát hoàn toàn mới, tuy không trau chuốt nhưng nam tính, mạnh mẽ hơn, Hoa Vinh đã giảm bớt phần uỷ mị trong bài hát, và dù vẫn hát trên bền beat của Châu Khải Phong, anh chàng vẫn đem lại cho bài hát một hơi thở mới sinh động. Đoạn cover của Hoa Vinh, dù không đầu tư, vẫn đạt 15 triệu lượt xem sau 1 tháng đăng tải.

Bỗng dưng sau một năm không nổi bật, ca khúc Ngắm hoa lệ rơi trở thành 1 bài “hit” được yêu thích. Và chủ nhân của bài hát, Châu Khải Phong cũng đã “thức thời” khi tiếp tục làm mới bài hát này, đầu tư lại, đăng tải lại và đạt con số “khủng” là trên 100 triệu view cho MV Ngắm hoa lệ rơi 2018. Tên tuổi Châu Khải Phong cũng nhờ đó mà “nóng” lên. Về phần Hoa Vinh, cũng nhờ Ngắm hoa lệ rơi và nhiều bài cover có sức hút, đã từ một hiện tượng mạng trở thành ca sĩ được yêu thích, chạy show, bắt đầu bước chân vào nghề ca hát.

Chuyện sẽ không có gì đáng để nói, khi mà cả hai người hát đều được hưởng lợi từ ca khúc nói trên, nếu như Hoa Vinh không đem bài hát này đi thu âm từ nền beat của Châu Khải Phong và tung lên các trang âm nhạc trực tuyến như sản phẩm của mình. Sự việc ngày một đi xa hơn khi Châu Khải Phong doạ kiện Hoa Vinh và nhạc sĩ viết lời cho bài hát cũng lên tiếng khẳng định Châu Khải Phong mới là ca sĩ được độc quyền hát bài hát nói trên. 

Theo ca sĩ Châu Khải Phong, vấn đề ở đây không phải việc Hoa Vinh tận dụng bài hát để gây dựng tên tuổi của mình, mà là việc Hoa Vinh dùng bài hát được cover lại trên nền beat của Châu Khải Phong để đăng tải trên trang cá nhân, đi hát, kiếm lợi, rồi quá đáng hơn là thu âm và tung lên các trang nhạc mà không hề có một lời xin phép, trong khi bản beat đó là công sức, sáng tạo của Châu Khải Phong và ekip. Phía Hoa Vinh thì cho rằng, nhờ anh cover mà bài hát không được chú ý bỗng nổi lên cùng tên tuổi Châu Khải Phong, vốn rất có lợi cho Châu Khải Phong, thì việc anh dùng bản beat chỉ là chuyện nhỏ, Châu Khải Phong không nên làm to chuyện.

Hiện, khi vụ việc còn chưa ngả ngũ, Hoa Vinh vẫn nhận show, nhận yêu cầu của khán giá hát lại Ngắm hoa lệ rơi và bài hát này vẫn nằm trên các trang nghe nhạc với lượt xem cao.

Vay mượn cũng cần có ý thức

Thực tế, cover lại các bài hát đang nổi là chuyện rất quen thuộc ở thị trường âm nhạc Việt Nam. Một bài hát trở thành “hit” giờ đây không chỉ được đo đếm bởi lượt view mà còn bằng cách xem ca khúc ấy có mức độ cover lại như thế nào. Theo tiêu chí ấy, những bài hát như Em gái mưa của ca sĩ Hương Tràm, Anh cứ đi đi của Hari Won, Có em chờ của Min, Nơi này có em của Sơn Tùng hay Duyên phận... là những bài hát được yêu thích nhất vì có lượng cover rất “khủng”. 

Việc cover lại các bài hát cũng đã đem tới những cơ hội bằng vàng cho nhiều bạn trẻ yêu ca hát. Có thể kể tên không ít hiện tượng mạng nổi tiếng nhờ các ca khúc cover như Jang Mi từ việc cover một số bài hát rồi nổi đình nổi đám với bài Duyên phận, sau đó chính thức đi hát như một ca sĩ; Tài Smile chuyên cover các ca khúc lại theo hướng bolero; Trà Mi với ca khúc cover Tâm sự với người lạ; Hải Anh với ca khúc Buồn của anh...

Thậm chí, có hàng loạt các bé gái vài tuổi cũng bất ngờ trở thành “hiện tượng” khi cover lại những bài hát của người lớn với điệu bộ già dặn. Những bài hát cover nổi tiếng tất nhiên đã đem lại cho những “hiện tượng” này một cuộc thay đổi lớn: Trở nên nổi tiếng, đa phần dấn thân vào nghệ thuật, đi hát, biểu diễn, kiếm tiền nhờ làm hot Facebooker... 

Tuy nhiên, có vẻ như rất nhiều “hiện tượng mạng” có cùng suy nghĩ như Hoa Vinh, nghĩa là dùng bài hát đã “có chủ” để hát cho vui, rồi tình cờ nổi tiếng, sau đó dùng luôn như một sản phẩm gắn liền với tên tuổi của mình để hoạt động nghệ thuật, tạo tên tuổi... Tất nhiên, nhiều tác giả, hoặc ca sĩ độc quyền bài hát không lên tiếng, vì họ không bận tâm vì nghĩ đơn giản đó chỉ là chuyện nhỏ, không ảnh hưởng gì đến mình. Tuy nhiên, nếu độ nổi tiếng của người cover càng tăng lên, thì chuyện “biến thành của mình” như sự việc Hoa Vinh- Châu Khải Phong là rất có thể.

Khoảng cách giữa chuyên cover bài hát đăng tải trên mạng cho vui và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp là khá xa. Khi cover vì yêu nhạc, đó là chuyện vô thưởng vô phạt, nhưng một khi đã dùng sản phẩm của người khác để làm lợi cho mình, thì điều đầu tiên cần làm, là xin phép, trao đổi với chủ nhân của ca khúc ấy, đó mới là sự văn minh trong nghệ thuật. Nếu không, nghệ sĩ tập tễnh vào nghề rất có thể sẽ vi phạm bản quyền một cách đầy hồn nhiên.