Nghệ sỹ nhân dân Trung Hiếu tủi thân vì chậm duyên

(PLO) - 44 tuổi, vào nghề đã lâu, từng được nhận nhiều giải thưởng tại các hội diễn và liên hoan sân khấu kịch cũng như liên hoan phim, nhiều người vẫn nghĩ NSND Trung Hiếu còn là một diễn viên rất trẻ. Cũng tại “U50” rồi mà chưa vợ, tình yêu cũng không thấy tăm hơi thì ai nghĩ là già?.
NSND Trung Hiếu và diễn viên Thúy Hằng trong bộ phim truyền hình “Mưa bóng mây”.
NSND Trung Hiếu và diễn viên Thúy Hằng trong bộ phim truyền hình “Mưa bóng mây”.

“Dẫu cô đơn nhưng bù lại, tôi có cơ hội để được làm nghề theo ý mình, được quyền lựa chọn những gì mình thích”, Trung Hiếu tâm sự.

Bị ghét vì chuyên đóng vai “đểu”

Vai chính diện đã được ưu ái quá nhiều cho chàng trai Trung Hiếu với khuôn mặt sáng, cặp kính cận đầy vẻ trí thức lành hiền. Anh nhận được nhiều lời mời thủ vai nhân vật tốt bụng, đến mức ít người hình dung anh sẽ có những đổi thay trong nghiệp diễn. Diễn nhiều đến nỗi, lần nào lên nhà bạn ở Lạng Sơn chơi, ra chợ Đông Kinh, Hiếu cũng bị bà con… xoa đầu và được bán rẻ hàng điện tử Trung Quốc.

Tưởng đâu người xem sẽ chỉ biết đến anh qua loại vai trí thức pha vẻ ngu ngơ với thời cuộc, có phần đã được “đóng ni đo giày”, nhưng rồi, người xem ngơ ngác trước một Trung Hiếu xuất hiện với sự thay đổi đột ngột đến 180 độ, khi anh lột bỏ vẻ lành hiền ngơ ngác đến tội nghiệp đó để nhập vai phản diện khá thành công và sắc sảo.

“Tôi tự hỏi mình có thế mạnh gì? Và tôi đã trả lời được, khuôn mặt linh hoạt, đôi mắt cười vui nhưng khi trợn lên cũng rất... ớn. Nụ cười bình thường hiền lành đấy nhưng khi gằn lại thật kinh khủng. Giọng nói trầm mà khàn, có thể đổi giọng bất cứ lúc nào để lột tả sự xảo trá của nhân vật”, nam diễn viên bộc bạch.

Trung Hiếu trong một cảnh phim “Hai trái tim vàng”
Trung Hiếu trong một cảnh phim “Hai trái tim vàng”

Khởi đầu từ vai tay trợ lý tinh ranh lọc lõi và có phần gian manh trong bộ phim nhựa “Trò đùa của thiên lôi”, rồi anh được đạo diễn Quốc Trọng chọn vào vai Khang (Đường đời) với những biến đổi tâm lý từ một người tốt trở thành một tên lưu manh đáng ghét.

Cảnh Khang say rượu trở về nhà nhìn thấy Hải đang chăm sóc Hà - người yêu của mình, thì nhân vật này không vào nhà để nói chuyện “như một người đàn ông” mà bỏ đi. Riêng hành động đó Trung Hiếu cũng phải thể hiện làm sao để nổi bật lên sự hèn hạ, yếu thế của anh ta. Để rồi đến khuya trở về, anh ta đạp cửa xông vào nhà, đánh đập người yêu, rồi khóc, rồi cười, tự sỉ vả mình.

Ở cảnh quay này, Trung Hiếu có rủ một người bạn đến xem mình diễn. “Thế nhưng, quay đi quay lại một lúc chẳng thấy bạn đâu. Đến lúc gọi điện mới biết lý do: vì chứng kiến Khang độc ác, đê tiện quá nên ghét luôn cả tôi. Người bạn đó đã khóc thương cho nhân vật Hải vì bị hãm hại, vì gặp phải thằng bạn quá đểu cáng nên... giận lây sang tôi”, Trung Hiếu cười giòn tan khi nhớ lại.

Lột xác từ một chàng trai có vẻ ngoài thư sinh, nho nhã, Hiếu khiến khán giả cứ nhìn thấy mặt là ghét, ghét đến “đào đất đổ đi”. “Đóng vai phản diện có thể tha hồ tung hoành, phá cách, tha hồ thể hiện những cách diễn đa dạng, phong phú hơn”, Hiếu sung sướng nhận ra niềm hạnh phúc sau đó, sau cả loạt những vai diễn “được” công chúng gọi bằng “thằng”!

Xem xong bộ phim truyền hình “Đường đời”, lũ trẻ con ngày nào thấy chú Hiếu cứ ríu ra ríu rít, vòi vĩnh, nay nhìn thấy chú là... chạy mất dép và nếu ngoái lại thì cũng tặng chú câu nói “không thèm chơi với chú nữa”.

Những bà con trước kia từng xoa đầu anh trên chợ Đông Kinh liền “từ mặt” và thề không bán hàng cho thằng Khang “mất dạy”. Thậm chí một lần Trung Hiếu đi uống bia với bạn bè, có một khán giả đến mời bia và bảo đề nghị cho “đấm một phát” để đỡ ức.

Có lẽ từ những ấn tượng khá tốt đó mà khi nhận làm vở “Cát bụi” cho nhà hát, đạo diễn Xuân Huyền đã tin tưởng vào thành công của Hiếu trong vai nhân vật nhà văn rất biết tận dụng vị thế nghề nghiệp của mình để làm những điều bỉ ổi.

Trung Hiếu vào vai chàng Gù trong phim “Ngõ lỗ thủng”
Trung Hiếu vào vai chàng Gù trong phim “Ngõ lỗ thủng”

Sự thay đổi trong loại vai diễn, nét tinh tế, sắc sảo khi lột tả tính cách nhân vật đã mang lại cho Trung Hiếu may mắn được sự ghi nhận của đồng nghiệp và những người thầy dày dặn kinh nghiệm kịch trường. Với vai diễn này, anh đã giành được tấm Huy chương Vàng quý giá trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Bản thân Hiếu đôi lúc cũng có cảm giác không biết mình có “hoàn lương” trở về làm anh chàng thư sinh kính cận với nụ cười hiền lành của ngày xưa nữa hay không... Khán giả yêu phim vẫn hỏi không biết Thiện của “Giải hạn” “lặn” đi đâu, khi thấy anh hết hóa thân thành tướng cướp Bạch Đàn trong phim “Lời sám hối muộn màng” lại đảm nhận các vai diễn trong phim “Cuồng phong”, “Vệt nắng cuối trời”...

Khán giả yêu kịch nói thì hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bất ngờ đến nỗi ngày anh vào vai lão Actor trong “Hamlet”, dù đã được giới thiệu ngay từ đầu vai diễn này do nghệ sĩ Trung Hiếu đảm nhiệm, đến khi cánh màn khép lại không ai có thể tin nổi làm sao Hiếu lại... độc ác, mưu mô và tàn nhẫn một cách dễ dàng như vậy. Và Hiếu cứ trượt dài vào con đường... “bất nhân”. Dần cũng thành quen, nhiều người trong nghề còn nghĩ rằng anh hợp với vai phản diện hơn là vai chính diện.

Chưa chịu dừng lại, Hiếu nhảy sang đóng hài. Hiếu đã giúp khán giả có được những tiếng cười sâu sắc, ý nhị với anh Hàn nho nhã bị rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười trong phim nhựa “Một giờ làm quan”. Trong phim hài “Công nghệ giữ chồng”, anh vào vai người chồng khổ sở, tội nghiệp bên cô vợ - diễn viên Minh Hằng - với cách quản lý chồng “chẳng giống ai”. Khán giả còn được gặp anh trong hình ảnh xiêu vẹo của chàng Chí Phèo, bên nàng Thị Nở trong bộ phim truyện hài của đạo diễn Đông Hồng…

Nam diễn viên “Đường đời” còn đảm nhiệm vai trò “lồng tiếng viên” trong rất nhiều bộ phim truyền hình phía Bắc. Câu nói giờ thành cửa miệng của mỗi người “Không nên trì hoãn cái sự sung sướng ấy lại”, sang sảng thuốc lào, đùng đục gà trống mà Chu Văn Quềnh náo loạn phim “Đất và người” chính là “từ miệng” Trung Hiếu mà ra.

Nhiều người vẫn bảo Hiếu “mặt chính diện nhưng giọng phản diện”. Chính giọng nói không lẫn vào ai ấy cũng là một trong những lợi thế khiến các nhân vật của anh không giống ai, kể cả những vai diễn lại từ một người đã nổi đình đám trước đó như phó giám đốc Chính trong “Tôi và chúng ta”, vai diễn đánh dấu “thương hiệu” NSND Hoàng Dũng một thời.

 

Làm “chồng”... trên phim

Mọi người hay trêu: Trung Hiếu là khối ru bích đa chiều, đam mê nhiều thứ quá, cái gì cũng thích, cái gì cũng muốn làm nên bạn bè đã con bồng con bế, anh vẫn cứ long đong. Nhà anh có ba anh em trai, hai anh lớn đã yên bề gia thất nên bố mẹ anh cũng sốt ruột. Giục con trai lấy vợ mãi vẫn không thấy anh có động tĩnh gì, các cụ cũng chán nên... thôi không nhắc nữa.

“Đôi khi chuyện tình cảm rất buồn cười. Nhiều người ngưỡng mộ tôi nhưng khi yêu lại sợ, vì suy nghĩ: Anh này mình đã ngưỡng mộ như thế hẳn có nhiều người yêu lắm, mê lắm, khó yêu, khó giữ. Khó cả cho tôi khi đi tán gái, đến gia đình nào nhìn diễn viên cũng thấy ngại. Đó là những suy nghĩ thường tình, phụ nữ thì luôn lo lắng nên thấy mong manh và e sợ, mình không trách được”, anh lý giải chuyện “muộn vợ”.

Hiếu tin chuyện vợ con là duyên số, không phải cứ muốn là được. Anh tiết lộ: “Tốt nghiệp đại học tôi mới yêu lần đầu, sau đó cũng trải qua vài mối tình nhưng chắc là do duyên trời nên đến giờ vẫn còn lận đận bởi tìm được một nửa của mình đôi khi cũng kỳ công lắm. Nhưng cũng không phải vì nhiều tuổi, yêu nhiều mà tình yêu chai sạn...”.

Khi yêu, Trung Hiếu luôn ở trong hai thái cực lúc nhút nhát rụt rè, lúc lại rất bạo liệt. Anh nghĩ, khi đứng trước tình yêu đích thực, con người ta trở nên lóng ngóng, vụng về, dù có yêu nhiều thì khi bắt gặp một tình cảm mới vẫn thấy run rẩy, mong manh như lần đầu.

Theo Hiếu, nếu quá sành sỏi, sắc lạnh thì không còn là yêu nữa. Họ đến với mình bằng tấm lòng, mình đến với họ bằng tình yêu thực thì lúc nào cũng mong manh, ngơ ngác cả. Khi đổ vỡ, có buồn, có nhói đau nhưng chưa bao giờ Trung Hiếu thất vọng. Anh luôn thấy tình yêu lung linh, bởi lẽ “nếu chỉ toàn niềm vui thì tình yêu còn có ý nghĩa gì?”.

Tự nhận mình là mẫu người cổ điển, Trung Hiếu thích tìm đến những thú vui tao nhã, có vẻ hơi “già” so với tuổi của mình như viết thư pháp, chơi chim cảnh... Ngồi viết những nét thư pháp bay bổng nhẹ nhàng, anh cảm thấy bao áp lực mệt mỏi dường như tan biến, đôi khi thấy mình hưng phấn, thực sự được thăng hoa…

Cổ điển nhưng tâm hồn lại rất lãng mạn. Hiếu luôn thích nhìn cuộc đời qua cặp kính màu hồng, thấy cuộc đời lúc nào cũng đẹp. Hạnh phúc đối với anh đôi khi chỉ là những điều rất đơn giản, nghĩ rằng bản thân mình khi vẫn tồn tại trên cuộc đời này, được chơi, được học, được giao du đây đó đã là hạnh phúc lắm rồi…

Dẫu là thế, nhưng cũng có lúc Hiếu tủi thân vì tuổi đã tứ tuần rồi mà vẫn cô đơn. Nhưng bù lại, anh có cơ hội để được làm nghề theo ý mình, được quyền lựa chọn những gì mình thích. “Thôi thì, chưa lấy vợ ngoài đời, ta lấy vợ... trên phim”, anh chàng dí dỏm pha trò, rồi toét miệng cười.

Sau hai chục năm gắn bó với nghề, Trung Hiếu nhận ra rằng người diễn viên muốn xây dựng được cho mình một hình ảnh đẹp trước tiên phải có lòng yêu nghề, say mê với công việc và truyền được cái lửa ấy cho đồng nghiệp, cho khán giả…Yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình.

Hiếu bảo, để làm mới mình, để không gây nhàm chán cho khán giả, người nghệ sĩ cần thử sức với nhiều vai diễn khác nhau. Cho dù cuộc “phiêu lưu” ấy có thể mạo hiểm, có thể thành công hoặc thất bại, nhưng quan trọng là, phải luôn làm hết khả năng và trách nhiệm của mình.

Ở mỗi “trạm dừng” trên hành trình ấy, Hiếu đều đã để lại những dấu ấn nhất định. Và, không chỉ dừng lại ở đó, người đàn ông “tham lam” ấy vẫn còn nhiều chuyến lãng du khác trong cuộc đời đầy thi vị này...