Nghệ sỹ Xuân Hinh kể chuyện về mẹ và vợ

(PLO) -“7 năm hát quan họ, chẳng giàu. Hình ảnh mà tôi nhớ mãi, đó là 1 lần về xin mẹ 20 ngàn. Bà không nói gì. Tôi biết bà không có tiền, chắc là không vay được nữa”, khi đã thành danh, Nghệ sỹ Xuân Hinh vẫn không quên những tháng ngày bươn trải để được cháy hết mình với nghệ thuật. 
Nghệ sỹ Xuân Hinh kể chuyện về mẹ và vợ

Mẹ chỉ xem đĩa chèo của tôi

Xuất thân quan họ, cơ duyên nào đưa anh đến với chèo?

Tôi công tác 7 năm tại đoàn Quan họ  Bắc Ninh. Hồi ấy chỉ nghĩ mình đi hát chứ ai dám nghĩ một ngày nào đó lại làm khán giả cười.

Nhưng thấy Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh lần đầu tiên tuyển sinh viên khoa chèo, thế là khăn gói quả mướp ra học. Tính tôi nó thế. Không bao giờ thỏa mãn với cái mình đang có. Cứ phải thay đổi, mày mò, làm mới cả những cái đã cũ, đã làm mãi đi rồi. Chỉ có vợ là nhất định không thay thôi (cười). 

Càng học càng mê. Càng mê càng nghiện. Chèo nó ngấm vào tôi từ lâu rồi thì phải. Mẹ thì sợ tôi nghèo. Nghệ sĩ có ai giàu, chắc bà nghĩ thế. Nhưng tôi bảo: con muốn những người như u được nghe hát. 

Vậy tổng kết lại 40 năm, anh thấy làm nghệ sĩ giàu hay nghèo?

7 năm hát quan họ, chẳng giàu. Lại lếch thếch khăn gói quả mướp lên Hà Nội học chèo. Hình ảnh mà tôi nhớ mãi, đó là 1 lần về xin mẹ 20 ngàn. Bà không nói gì. Tôi biết bà không có tiền, chắc là không vay được nữa.

Hôm sau, lúc tôi đã ra bến xe để về Hà Nội học, mẹ tôi tất tả chạy đến, trên vai là đôi quang gánh rỗng. Bà thở gấp vì vừa đi tận mãi trên chợ về. 20 ngàn gói chặt trong chiếc túi vải giắt cạp quần. Bà vui vẻ kể: từ sáng, bà phải lội ao bèo rét căn cắt vớt cho được 4 gánh nặng, quẩy xuống tận chợ bán. 4 lần đi rồi về như thế, được chẵn 20 ngàn đồng, đủ cho tôi đi Hà Nội. 

Tôi ngồi trên xe về Hà Nội nuốt nước mắt ầng ậc vào trong. Thấy mình vô tích sự khi vẫn ăn bám mẹ. Đó cũng là lần cuối tôi xin mẹ tiền. 

Vậy anh làm gì sau đó?

Tôi theo bạn bè tập tọng đi buôn. Cứ cuối tuần là ra xe đò ngược lên miền trên, đi buôn hai chiều. Thôi thì đủ cả, thượng vàng hạ cám từ quần áo, đồ dùng, kim chỉ cho người vùng cao, măng miến, mộc nhĩ, chó mèo, lợn gà xuôi xuống.

Lúc ấy không ngại ngùng, xấu hổ gì cả, chỉ miễn sao có tiền đi học. Chuyến lãi  bù chuyến lỗ. Rồi thì tôi biết buôn cả vàng: vào rất sâu trong rừng, đổi áo quần, mắm muối cho dân để lấy vàng cám mà họ đãi được ở suối, mang về cho ông thợ kim hoàn ngay gần trường. Những bài học về việc phân biệt vàng thật – vàng giả đến tận bây giờ tôi còn thuộc đấy. 

Buôn từ nhỏ đến to. Có những lần thuê cả 1 chiếc xe tải cà tàng chở măng mộc nhĩ, nấm hương về xuôi bán. Xe về đến quê là 2 giờ sáng. Lái xe dừng ở đầu làng, chỗ nghĩa địa ấy. Mình tôi với 5-6 bao hàng to nặng đứng giữa đường.

Lếch thếch lôi từng cái bao 50 kg vào tập kết ở nhà dân cách đó mấy trăm mét. Hì hục như thế giữa đêm khuya thanh vắng. Rồi gật gù nằm giữa mấy cái bao ấy mà trông kẻo mất. Đấy. Sự nghiệp đi buôn nó thăng trầm thế đấy. 

Sau chừng ấy thăng trầm, hẳn về sau bố mẹ rất tự hào vì sự thành công của anh trên sân khấu?

Bố mất từ khi tôi chưa thành danh. Cả cuộc đời vất vả chưa nhìn thấy con trưởng thành, chưa được con báo đáp. Bố tôi chưa bao giờ được xem một buổi biểu diễn nào của tôi. Tận khi mất, tôi vẫn khiến ông bận lòng…

Bà có đi xem tôi biểu diễn vài lần, rất ít. Những chỗ sáng ánh đèn sân khấu không hợp với bà. Bà xem đĩa hề chèo của tôi nhiều hơn. Bà luôn dặn tôi làm gì cũng phải nghĩ trước nghĩ sau. Nổi tiếng nhưng đừng tai tiếng.

40 năm đi diễn, những hình ảnh nào của khán giả khiến anh nhớ nhất?

Tôi là người nhà quê, dù bây giờ có ở nhà Tây, con cái học ở Tây và tôi đi Tây cũng nhiều. Sân khấu quê đơn sơ. Bà con ăn cơm sớm kéo đến để còn xem Xuân Hinh bằng da bằng thịt. Rồi sờ mó, ngắm nghía, bình phẩm: trẻ nhỉ, tưởng già cơ, béo ra phết, đầu trọc quá… Rồi chụp ảnh cùng:

- Con ơi, cho mẹ chụp với con kiểu ảnh. Mẹ đi 15 cây số đến đây đấy. 

- Dạ, mẹ năm nay bao nhiêu? 

- Mẹ 53 rồi, lần đầu tiên được xem Xuân Hinh ở ngoài đấy. 

- Thưa mẹ, con hơn tuổi mẹ đấy ạ! Nào, mời mẹ chụp ảnh!

Đấy, bảo sao không thương, bảo sao không nhớ!

Xuân Hinh không ít lần khóc

Có nhiều danh xưng cho anh, như “vua hề chèo đất Bắc”, “kẻ chọc cười dân dã”… còn anh, nếu mô tả về mình, anh nói gì?

Không gì chính xác bằng hình ảnh con ong thợ. Tính tôi tỷ mẩn, cầu toàn. Tôi may mắn khi trời cho để làm một nghệ sĩ hề chèo. Nhưng khán giả xem mãi một thứ, cho dù hay vẫn sẽ thấy nhàm. Tôi cứ lọ mọ, tìm tòi. Năm nào cũng phải có dăm thứ mới mẻ, lúc ấy mới tự tin được. Người cầu toàn là người vất vả. Tôi chọn vất vả như cái số kiếp của mình.

Ai xem tôi diễn cũng cười, những có lẽ người ta hiểu, để khán giả cười, Xuân Hinh không ít lần phải khóc. Không trăn trở sống chết với nghề, không lao tâm khổ tứ, sao thành danh được. Những thứ không phải của mình sáng tạo ra, lại của thiên trả địa hết thôi. Mà người đời cười chê là vay mượn, dối trá. 

Trong liveshow đặc biệt đánh dấu 40 năm sắp tới của anh sẽ có nhiều khách mời nổi tiếng khóc cười cùng Xuân Hinh, anh có sợ bị lu mờ? 

Nếu dư dả thời gian tôi còn muốn mời nhiều nữa cơ, chứ không phải chỉ Thanh Thanh Hiền, Hồng Vân, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng, Tùng Dương, Bằng Kiều, Hoài Thu, Thu Huyền, Xuân Nghĩa ….. Tôi muốn bữa tiệc 40 năm phải thịnh soạn, nhiều thế hệ cũng cất lên tiếng lòng của những nghệ sĩ vì quê hương, giữ gìn vốn quý dân tộc. 

Các nghệ sĩ được mời đều là em, là cháu, có nghệ sĩ trẻ tuổi hơn cả con tôi. Nếu các em tỏa sáng, chẳng phải là điều đáng mừng sao. Lúc ấy, Xuân Hinh phải mừng là vẫn còn đủ nhiệt huyết để đứng chung sân khấu với họ đấy.  

Bốn mươi năm làm nghề mới có một liveshow “Xuân Hinh - Kẻ chọc cười dân dã”. Anh có thể bật mí về những điều anh ấp ủ khi thực hiện liveshow này?

Tôi có rất nhiều điều ấp ủ. Nghệ thuật dân tộc đang gặp nhiều khó khăn. Những khán giả trẻ đang không thực sự mặn mà với nghệ thuật dân tộc nên chính vì thế nó đang bị mai một. Nhưng tôi muốn khẳng định nghệ thuật dân tộc là của quý, có người quý ít và có người qúy nhiều nhưng chừng nào người Việt không còn thì nghệ thuật dân tộc mới mất đi được.

Liveshow này là cố gắng của tôi và các cộng sự, dù chỉ là một chút thôi, để tiếp tục mang tới tình yêu nghệ thuật dân tộc cho các bạn trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hay, đặc sắc, sáng tạo và bùng nổ với sự kết hợp tài tình giữa truyền thống và hiện đại để mang một hơi thở mới cho nghệ thuật dân tộc..

Không dám nói gì to tát nhưng chúng tôi cố gắng chăm chút cho từng tiết mục để mang tới một không gian hoàn toàn mới và cảm nhận mới về nghệ thuật dân tộc với những sáng tạo thoải mái và hết mình.

“Nhất định không thay…vợ!”

Ngoài việc  được tôn xưng “danh hài đất Bắc”, công chúng còn ngưỡng mộ bởi anh có một gia đình hạnh phúc với vợ đẹp, con cái giỏi giang. Anh có giới thiệu vợ con trong liveshow lần này?

Cô ấy là gái phố cổ cơ đấy! Thế mà trời đất xui khiến thế nào lại mê cái lão nghệ sĩ nghèo kiết xác như tôi (hồi yêu nhau rồi lấy nhau tôi nghèo lắm). Lấy rồi, mắc bẫy rồi, tôi mới bảo: này em, lấy nghệ sĩ là phải chấp nhận một ông trong đầu có đạn đấy nhé, mà người khác thì trong đầu có một vài viên, anh có cả 1 băng cơ (cười ha hả).

Nhưng vợ tôi không sợ. Cô ấy mặc kệ cho tôi thỏa chí tang bồng, chấp nhận cả những cơn điên nghề của tôi, khi 2-3 giờ sáng vẫn trần trùng trục ra tập tành, múa may quay cuồng như dở.

Nhà tôi được cái “thuyền xuôi 1 bến, nước chảy 1 dòng”, nguyên do là tôi nhịn trước cho lành. Mình nhịn, là êm hết. Êm ấm cửa nhà. Mình giận mà cô ấy bỏ đi đâu, ai nấu cho ăn! 

Sau show diễn này, anh còn ước mơ gì nữa? 

Có sức khoẻ mà diễn mãi, mang tiếng cười đến cho bà con vui. Cuộc sống bây giờ nhiều lo toan quá, nhiều chuyện khiến người ta nhăn trán, nhíu mày. Được cười lên sảng khoái chính là được sống vui, cho dù trong chốc lát. Mà thiên hạ, ai chả thích vui, ai chả yêu quý cái người mang lại niềm vui cho họ. Xuân Hinh thích được yêu quý mãi. 

Tôi luôn nghĩ mình là người cả đời được ăn lộc tiền nhân. Vậy nên còn sức khoẻ, minh mẫn, ông trời cho còn đủ thời gian và khán giả còn yêu quý, Xuân Hinh sẽ còn diễn mãi…

Xin cảm ơn anh!