Nghệ thuật sống trong 'ăn, nói, gói, mở'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước hết cần khẳng định rằng câu tục ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở” có xuất xứ thuần Việt, chỉ người Việt Nam mới có. Được đúc kết từ kinh nghiệm của biết bao đời cha ông, câu tục ngữ hàm chứa trong đó cốt lõi đạo học của người Việt. Không chỉ thế, tất cả nhân sinh quan, nghệ thuật sống, đạo lý làm người đều được thể hiện sâu sắc trong 8 con chữ trong sáng, dễ hiểu và vô cùng giản dị ấy.
Cha mẹ xưa dạy con nên người... (Ảnh minh họa: Internet)
Cha mẹ xưa dạy con nên người... (Ảnh minh họa: Internet)

“Học ăn” là nền tảng để làm người

Việc “ăn” là việc bắt buộc của mỗi con người, bởi có ăn thì có lớn, mới có sức khỏe để làm những việc lớn lao sau này. Tuy nhiên, ăn để sống và sống để ăn là hai việc hoàn toàn khác nhau, sẽ đem lại những giá trị trong cuộc sống hoàn toàn khác nhau và con người ta phải học “ăn” chính là bởi lý do đó. Việc ăn là nhu cầu căn bản nhất và không thể thiếu đối với bất kì sinh vật nào có sự sống.

Với người Á Đông và đặc biệt là người Việt, con người và thiên nhiên vốn gắn liền mật thiết với nhau, nên rất đề cao cái ăn. Câu “Có thực mới vực được đạo” hiểu nôm na là “có ăn mới có khả năng làm những việc khác” là câu nói được nhắc đến thường xuyên trong đời sống thường nhật. Cổ nhân tuy rất coi trọng lĩnh vực tâm linh, thần thánh nhưng nói đến việc “ăn” thì đến ông Trời cũng phải nể nang phần nào. Câu “Trời đánh còn tránh bữa ăn” chính là thể hiện điều này. Có lẽ do tầm quan trọng như thế, nên trong ngôn ngữ, chữ ‘ăn’ thường được đi kèm với hầu hết các hoạt động của con người, ví dụ: ăn ở, ăn nói, ăn chơi, ăn nằm, ăn cắp, ăn trộm, ăn chắc mặc bền, ăn nên làm ra...

Ngay từ lúc nhỏ, đứa trẻ đã được dạy dỗ để ăn uống sao cho gọn gàng, không để rơi vãi ra xung quanh. Đặc biệt, bởi cơm là “hạt ngọc của trời” nên tuyệt đối không để thừa lại trong bát, bắt buộc phải vét cho sạch. Không hẳn vì cái đói hay việc tiếc của, không để thừa cơm trong bát chính là hình thức tiết kiệm ngay từ những việc đơn giản nhất trong đời sống. Người xưa còn dạy rằng ăn nhiều không bằng ăn đủ, bởi “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Việc ăn nếu tập trung, kỹ lưỡng thì thực phẩm chuyển hóa thành năng lượng tốt hơn là ăn nhiều mà quấy quá, thậm chí có thể có hại cho bản thân, tạo thành bệnh đau dạ dày.

Lớn thêm chút nữa, việc ăn được nâng lên thành ăn uống sao cho đẹp, sao cho ý tứ, để chứng tỏ là con người có giáo dục. Khi nhai mà tạo thành âm thanh “tọp tẹp”, lúc và cơm mà ngấu nghiến, lỗ mãng thì sẽ tạo ra ấn tượng rất xấu cho người đối diện. Không chỉ thể, cổ nhân còn dạy rằng cần phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn có chỗ, đỗ có nơi”. Việc ăn uống cần phải ý tứ, mực thước, dù là khách hay chủ cũng phải giữ phép lịch sự thì mới có được sự tôn trọng của những người cùng mâm, cùng bàn. Học ăn, con người vừa tìm hiểu giá trị của người khác vừa tự tôn trọng giá trị của của bản thân mình.

“Học nói” là tự nhận thức chính mình

Đứa trẻ vừa sinh ra đã học ăn nhưng để học nói thì phải cần đến thời gian dài hơn. Không đứa trẻ nào vừa lọt lòng đã biết nói, tạo hóa sinh ra như thế và đó chính là sự ngẫu hợp nhiệm màu của cuộc sống. Đứa trẻ cần thời gian để quan sát, dần dần tìm hiểu những thứ quanh mình. Nghe cha mẹ ông bà nựng nịu, đứa trẻ tích lũy dần trong vỏ não những âm thanh thân thuộc, để rồi đến lúc, đến thời điểm, lời nói sẽ được bật ra khỏi bờ môi thơ bé. Phải chăng ngay từ giai đoạn sơ sinh, tạo hóa đã muốn con người phải cẩn trọng, phải có thời gian suy nghĩ trước khi nói ra lời?

Như thế, so với “học ăn”, “học nói” có cấp độ tinh tế và phức tạp hơn. Nói không chỉ là hoạt động phát ra âm thanh từ cuống họng, mà còn phản ánh cách thức vận hành của tư duy. Cổ nhân không quan niệm đơn giản “học nói” như việc tập nói của “con lên ba cả nhà học nói”, mà cao hơn là học cách tư duy, cách suy nghĩ. Câu nói càng sáng sủa, ý tứ sâu sắc càng chứng tỏ sự thông tuệ và bề dày của tư tưởng. Nơi các nguyên tắc ứng xử của người Việt, yếu tố tình nghĩa luôn luôn hiện diện và không thể thiếu được “Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay “Thà rằng ăn bát cơm rau, còn hơn cá thịt nói nhau nặng lời”. Thế nên, cách thức giao tiếp đáng quý ở sự tế nhị, ý tứ và dĩ hòa vi quí. Từng lời từng chữ thốt ra phải được đắn đo cân nhắc kĩ càng. Người xưa thường dạy rằng: “Ăn có nhai, nói có nghĩ” hoặc “phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Hiểu nhầm hay hiểu chưa tới hầu như là do nói mà không ý thức mình đang nói gì.

Phía sau các chức năng của hội thoại như thông tin, thuyết phục, biểu cảm… học nói xét cho đến cùng là việc tự diễn tả bản thân như một cá thể độc nhất. Thực tế, con người vừa giao tiếp với người khác nhưng cũng là giao tiếp với chính mình. “Học nói” vì vậy khoan sâu cho đến tận cốt lõi là học tự ý thức về chính mình, qua đó hiểu chân giá trị của bản thân. Xét cho đến cùng theo quan niệm của cổ nhân, học nói là học cách nhận thức mình không phải là bản sao của bất kì ai, hòa hợp với cộng đồng mà không bị mất hút trong đó, biết mình biết người thì mới có thể vượt lên chính mình, đạt đến sự thông hiểu đạo lý trong cuộc sống.

Học ăn, học nói, học gói, học mở để luôn tĩnh lặng trước mọi biến cố của cuộc sống. (Ảnh minh họa: Internet)

Học ăn, học nói, học gói, học mở để luôn tĩnh lặng trước mọi biến cố của cuộc sống.

(Ảnh minh họa: Internet)

“Gói” không phải là “xấu che tốt khoe”

Trong câu tục ngữ của người xưa, nếu như “ăn và nói” có nghĩa tương đối dễ hiểu thì “gói và mở” lại là hai trạng thái bí ẩn, đa nghĩa và huyền diệu nhất. Cổ nhân đã rất nhạy cảm và thông tuệ bởi ngày nay, ở phía sau hai từ “gói” và “mở”, người ta có thể điền vào rất nhiều phương diện của cuộc sống. Tuy nhiên, xét về mặt ngữ nghĩa “gói” là hành động mang những thứ rời rạc cho vào một cấu trúc xác định trong một miền không gian cụ thể. Phía trong cấu trúc đó, những thứ rời rạc được nhào nặn và hợp nhất với nhau. Nhiều trường hợp, việc gói làm biến đổi bản chất của những thứ rời rạc, khiến chúng thành có giá trị hơn nhiều. “Học gói” chính là để học cách làm toát lên giá trị tinh thần, diễn tả cái tôi tình cảm, chân thành, có giáo dục của người làm cái việc “gói”.

Ở một khái niệm khác, người xưa còn cho rằng “gói” ở một mức độ cao hơn là việc tự biết chính mình. Gói mình trong khuôn khổ, kiềm chế những ham muốn trong cuộc sống, tự biết đủ, biết dừng. Quan điểm “tự biết đủ là sẽ đủ” của cổ nhân có thể coi như minh triết của sự “gói”. Một con người sống trong xã hội, tự biết hài lòng với bản thân, hài lòng với những gì mình đang có, con người ấy sẽ luôn cân bằng và nhận được sự tôn trọng của người xung quanh. Nếu không biết đủ, biết “gói” những ham muốn của mình trong vòng kiểm soát, con người sẽ dễ gây nên những sai lầm, bởi dục vọng rất dễ lấn át lý trí, khiến người ta rơi vào hỗn loạn.

Tuy nhiên, trong quan niệm về “học gói”, người xưa không phải không phạm phải một số sai lầm. Những lời khuyên như “đừng vạch áo cho người xem lưng” hoặc “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” nhiều trường hợp không phải là phương thức đúng trong cuộc sống hiện đại. Con người ngày nay nhiều khi phải tự mổ sẻ, phê phán những thói hư tật xấu của chính mình bởi biết xấu thì sẽ biết sửa. Và đặc biệt là không được giấu dốt, có nhờ người khác phê phán những nhược điểm của bản thân thì mới tự rút được kinh nghiệm, qua đó khắc phục nhược điểm để học hỏi và hội nhập.

Học “mở” là học cách đối nhân xử thế

Nếu “học gói” mang nhiều ý nghĩa hướng nội thì “học mở” lại luôn hướng ngoại, là cách cổ nhân đối xử với toàn bộ thế giới ở xung quanh. Ngược nghĩa với “gói”, cho nên “mở” động tháo cởi khỏi cấu trúc đã được việc gói định hình. Cổ nhân cho rằng khi đức Phật dạy con người phải biết “từ, bi, hỉ, xả” cũng chính là dạy con người cảnh giới của việc “học mở”. Bốn chữ đó chính là minh triết của khái niệm “mở”.

Con người nếu ai cũng thực hành được từ, bi, hỉ, xả thì xã hội sẽ không còn bất công, ngang trái. Theo kinh Phật, từ, bi, hỉ, xả là bốn đức tính tiềm tàng trong lòng mỗi người, ai cũng có và còn được gọi là “tứ vô lượng tâm”. Theo đó, “từ” là tình thương, lòng nhân ái đối với người khác. Bi là buồn: buồn vì cái buồn của người khác, khổ vì cái khổ của người khác. Hỉ là vui: vui cùng cái vui của người khác hoặc luôn tìm thấy niềm vui khi làm những việc giúp đỡ người khác, không nề hà quản ngại khó khăn. Xả là tha thứ, từ bỏ: tha thứ những lỗi lầm của người khác; chấp nhận từ bỏ danh lợi thậm chí là cả tính mạng của mình nếu thấy cần và có lợi cho người khác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng làm theo lời dạy của đức Phật. Vậy thì cần biết “học mở” ngay từ đời sống thường nhật quanh ta. Tạo hóa luôn dành cho con người những món quà vô giá. Vấn đề là con người có biết mở để nhận món quà ấy hay không? Ánh mặt trời lấp lánh, khí trời trong lành, người biết cách “mở” sẽ thấy mình luôn được yêu thương và vỗ về trong trời đất, biết mình vẫn còn diễm phúc hơn nhiều người khác là được ở phía của tự do. Cũng như thế, bắt gặp một ánh mắt đau khổ hay một nụ cười hạnh phúc, nếu biết cách “mở”, con người sẽ sâu lắng hơn và bao dung hơn. Không biết “mở”, những điều kỳ diệu sẽ bị giấu đi dù là ở ngay trước mắt và cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu và tẻ nhạt. Học “mở” đúng cách thì sẽ không bao giờ đánh mất chính mình, ngược lại là để tạo cơ hội được trở thành chính mình, nhận ra giá trị của bản thân trong đời sống và tạo hóa.

Một kho tàng bao quát từ nguyên lý phổ biến nhất của vũ trụ, của nhân sinh, đến những hành động quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, thể hiện sâu đậm bản sắc của người Việt và có giá trị áp dụng cho đến tận ngày nay.