Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc Hà (Công ty Luật Đa Phúc, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, thời gian gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Trên thực tế có nhiều trường hợp người giám hộ nói riêng và người nhà nói chung khi phát hiện ra sự việc đã tự xử lý, thoả thuận với nhau, không tố giác sự việc ra cơ quan chức năng, không muốn tố giác hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm.
Thực trạng kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ sự việc xảy ra nếu có nhiều biết thông tin sẽ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, tương lai của trẻ sau này. Cũng có gia đình cho rằng công bố thông tin hay cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra cũng có thể làm trẻ sợ hãi, gợi nhớ lại hình ảnh đáng sợ, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý và xáo trộn cuộc sống của trẻ, vì thế không trình báo cơ quan chức năng mà đồng ý gặp gỡ bên vi phạm pháp luật để cùng thương lượng, giải quyết.
Như Báo PLVN đã đưa tin, nữ sinh Đ.M.A là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cả cha và mẹ, sống cùng với bà ngoại. Khoảng tháng 5, năm 2020, thường xuyên có hai học sinh cùng lớp là L.A và D.A đến nhà rủ Đ.M.A đi tham gia các hoạt động của trường lớp. Tuy nhiên L.A và D.A không đưa Đ.M.A đến trường mà lại đưa em đến nhà các bạn khác.
Tại các địa điểm đó đã có các bạn nam cùng lớp đợi sẵn và đe dọa, ép Đ.M.A vào phòng, khóa trái cửa, quan hệ tình dục với Ng (lớp trưởng cùng lớp), nhóm bạn còn lại canh gác bên ngoài. Sự việc trên lặp đi lặp lại nhiều lần, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là Đ.M.A đã có thai. Khi gia đình phát hiện, thai nhi đã được khoảng 15 tuần.
Đối với người giám hộ (cha, mẹ) của người bị hại hoặc người thân khác của người bị hại (ông, bà, cô, bác ...) của người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi, đối với trẻ em nếu biết rõ về sự việc người dưới 18 tuổi, trẻ em là người thân trong gia đình mình bị người khác xâm hại tình dục như bị hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... mà tự giải quyết nội bộ, không trình báo, không tố giác, tố cáo người phạm tội ra cơ quan chức năng xử lý, mặc dù không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật, không bị áp dụng bất cứ chế tài xử lý nào tuy nhiên về mặt đạo đức xã hội họ vẫn chưa hoàn thành đúng trách nhiệm của người giám hộ là bảo vệ mọi mặt về thể chất, tinh thần, quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi và trẻ em bị hại.
Đối với người thân thích (cha, mẹ) hoặc người thân khác (ông, bà, cô, bác, anh chị em...) của người thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi, đối với trẻ em nếu biết rõ về sự việc người thân trong gia đình mình (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... đối với người dưới 18 tuổi, đối với trẻ em mà tự giải quyết nội bộ, không trình báo, không tố giác, tố cáo người phạm tội đó ra cơ quan chức năng xử lý thì tùy từng trường hợp có thể bị hoặc không bị xử lý đối với hành vi che dấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ví dụ, căn cứ theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đối với tội dâm ô với người dưới 16 tuổi không thuộc trường hợp phải khởi tố theo yêu cầu bên bị hại. Do vậy, khi xác định có đầy đủ hành vi phạm tội thì Cơ quan Công an phải khởi tố vụ án. Khoản 1 Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về việc không tố giác tội phạm đã nêu rõ: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này”; “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy, nếu Cơ quan điều tra chứng minh được việc người giám hộ nói riêng và người nhà nói chung biết rõ hành vi phạm tội của người thân (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) trong gia đình mình mà không tố giác thì theo Điều 390 BLHS năm 2015 có thể sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
|
Luật sư Lê Ngọc Hà (Công ty Luật Đa Phúc, Đoàn Luật sư Hà Nội). |
Khi các cơ quan tổ chức như Trường học, Hội phụ nữ... phát hiện ra hành vi xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... đối với người dưới 18 tuổi, đối với trẻ em thì cần tin báo, tố giác ngay cho các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Công an nơi gần nhất, tổ chức bảo trợ xã hội... để các cơ quan có chức năng nhanh chóng kịp thời điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm đối với người đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà trường, hội phụ nữ, cơ quan bảo vệ trẻ em cũng cần tăng cường thực hiện các chương trình phối hợp với tổ chức hành nghề luật sư tổ chức những buổi tư vấn pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em, có phương pháp thân thiện nhằm tiếp cận, nói chuyện, động viên, giúp đỡ các em bị hại sớm vượt qua nỗi sợ hãi về mặt tinh thần, hợp tác tốt với cơ quan điều tra trong quá trình đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm xâm hại tình dục.
(Luật sư Lê Ngọc Hà)