"Nghi hàng giả, gọi ngay cho quản lý thị trường"


"Khi phát hiện ra những cơ sở, doanh nghiệp có dấu hiệu sản xuất, buôn bán, tàng trữ và phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, người dân dừng ngay việc sử dụng sản phẩm, niêm phong lại và thông báo lập tức cho chính quyền địa phương và chi cục QLTT nơi gần nhất", ông Võ Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, khuyến cáo.


Ông Võ Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương trao đổi với Pháp luật Việt Nam xung quanh việc phòng chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Từ tháng 10/2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ra 4 công điện chỉ đạo các ngành cùng với cơ quan QLTT, chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ trong việc phòng chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm việc sản xuất, tàng trữ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và kiểm tra, kiểm soát việc dán tem, nhãn mác xuất xứ hàng hoá cũng như giá niêm yết. Theo đó, Cục QLTT, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo sát sao, quyết liệt các chi cục QLTT ở các tỉnh, thành phố, ông  Quyền cho biết.

- Thưa ông, đến thời điểm này đã có địa phương nào có dấu hiệu khan hàng, sốt giá?

- Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, một số doanh nghiệp có uy tín đã được hỗ trợ vay vốn, tham gia bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt không tăng giá điện, giá xăng dầu; yêu cầu các địa phương tăng cường sản xuất, dự trữ hàng hàng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày Tết cổ truyền.

ga

Hàng lậu từ Lạng Sơn đổ về Hà Nội.

Tuy nhiên, chúng ta  nên quen dần với việc giá cả các mặt hàng hoá nhích lên – theo quy lụât cung cầu của nền kinh tế thị trường theo định hường XHCN, dưới sự điều tiết của Nhà nước. Và chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối, đưa hàng hoá, sản phẩm từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng ngắn hơn, giảm bớt chi phí trung gian, một trong những yếu tố giảm giá thành. Đồng thời, Luật Cạnh tranh đã ban hành, nghiêm cấm mọi hành vi tăng giá đột biến, đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất  thiệt …

- Phải “sống chung” với hàng nhái, hàng giả, thời điểm cận Tết, thị trường lại xuất hiện thêm nhiều  tin đồn nên người tiêu dùng đang rất lo lắng, ông có khuyến cáo gì?

- Người tiêu dùng không nên hoang mang với các tin đồn thất thiệt. Tuy nhiên, nên cẩn trọng trong việc mua bán các sản phẩm tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày. Đặc biệt, với các mặt hàng thiết yếu như thịt, gạo, đường, sữa, mỳ chính, trứng… thì nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Khi phát hiện ra những cơ sở, doanh nghiệp có dấu hiệu sản xuất, buôn bán, tàng trữ và phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, người dân dừng ngay việc sử dụng sản phẩm, niêm phong lại và thông báo lập tức cho chính quyền địa phương và chi cục QLTT nơi gần nhất.

- Có không ít ý kiến thẳng thắn chỉ ra, do chúng ta xử phạt chưa nghiêm nên hàng giả vẫn còn đất để hoành hành?

- Thực chất hành lang pháp lý của chúng ta liên quan đến việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã tương đối hoàn thiện. Và cho dù có tăng cường bổ sung cán bộ kiểm tra, kiểm soát rốt ráo thị trường cũng không xuể vì lực lượng QLTT hiện rất mỏng.

Không ít mặt hàng, để khẳng định là hàng giả - thì phải chờ ngành y tế, ngành khoa học công nghệ… cho ý kiến, trong khi kinh phí giám định tốn kém và các trang thiết bị giám định còn chưa bắt kịp với thực tế, dẫn tới khó khăn. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là chính người tiêu dùng luôn ý thức cao không tiêu thụ, sử dụng và tiếp tay cho  hàng giả. Thêm nữa, chính doanh nghiệp cần nói không với sản xuất, tàng trữ và tiêu thụ hàng giả, vì sự sống còn của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông

Mai Hoa

Đọc thêm