Nghĩ về một cách ứng xử

 Dân gian có câu thành ngữ với hàm ý phê phán: “Sống thì chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, nhằm tới những người con đã bất hiếu lại thêm phần đạo đức giả. Nhưng, sự chỉ trích này không chỉ đề cập cách thức đối xử trong quan hệ gia đình mà nội hàm của nó mở rộng cả tới lĩnh vực quan hệ xã hội.

Dân gian có câu thành ngữ với hàm ý phê phán: “Sống thì chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, nhằm tới những người con đã bất hiếu lại thêm phần đạo đức giả. Nhưng, sự chỉ trích này không chỉ đề cập cách thức đối xử trong quan hệ gia đình mà nội hàm của nó mở rộng cả tới lĩnh vực quan hệ xã hội.

Trong thực tế, không phải hiếm gặp những trường hợp người có công lao, đóng góp nhiều tâm huyết, công sức cho xã hội nhưng bị lãng quên, đến khi chết (và cả sau khi chết) mới ra sức ca ngợi, đề cao. Đó chính là sự không quan tâm, thậm chí coi thường khi người ta còn sống (chẳng cho ăn), khi đã là người thiên cổ rồi mới tôn vinh (làm văn) thì phỏng còn nghĩa lý gì nữa (tế ruồi mà thôi!).

Như vậy, câu thành ngữ dân gian đó không chỉ mang ý nghĩa phê phán và chỉ trích mà còn ẩn chứa sự răn dạy người đời một phương thức ứng xử cho hợp với đạo lý làm người. Nói cách khác, đây chính là sự giáo dục nhân cách trong quan hệ người với người nhằm loại trừ sự nhỏ nhen, ích kỷ để mối quan hệ này trở thành tốt đẹp trong đời sống thực tại (còn đang sống với nhau). Chính điều này đã góp phần làm nên đạo lý truyền thống của một dân tộc nhân bản và nhân văn.

Trong mỗi chúng ta, hẳn rằng ai cũng một lần trải qua tâm trạng khi một người thân yêu mất đi, ta ân hận vì lúc trước có những việc ta có thể làm mà chưa làm cho người đó. Nếu ta làm hết sức mình, quan tâm săn sóc đến người thân lúc còn sống thì khi họ mất đi, ta có làm văn tế để suy tôn người đó, bày tỏ lòng thương tiếc của ta, hẳn không ai chê trách ta là làm điều đó chỉ để tế ruồi.

Nhị Ngọc

Đọc thêm