Do có sự nghi ngờ anh D có quan hệ bất chính với vợ mình nên Phong đã cự cãi và sau đó đã dùng tay đánh vào mặt anh D làm anh D bị chảy máu mũi. Sự việc chỉ dừng lại khi anh N nhảy vào can ngăn. Về phần chị L, thấy Phong quá ghen nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Điều đó càng làm tăng sự nghi ngờ và lòng bực tức trong Phong nên Phong nghĩ cần phải gặp anh D để giải quyết tất cả mọi chuyện.
Ghen quá hóa phạm tội
Khoảng 23 giờ ngày 10/7/2010, Nguyễn Văn Phong (SN 1983, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) đang ngủ cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thùy L. thì điện thoại của chị L reo. Chị L ra lấy điện thoại để xem thì máy báo hết pin nên chị L cắm điện thoại sạc pin và quay vào ngủ tiếp thì Phong hỏi chị L: “Ai điện thoại vậy?”, nhưng chị L không trả lời.
Bị cáo Nguyễn Văn Phong tại phiên tòa sơ thẩm |
Phong nghĩ chắc vợ mình có chuyện gì “mờ ám” nên đi đến nơi sạc chiếc điện thoại để kiểm tra. Khi nhìn thấy số điện thoại mà Phong nhớ được 3 số cuối là 902, y liền quay lại hỏi vợ với thái độ hậm hực: “Số điện thoại của ai?”. Chị L vẫn không trả lời mà cầm điện thoại đập bỏ nên Phong càng nghi ngờ chị L “lăng nhăng” với người khác nên nổi cơn ghen cuồng nộ. Phong xông tới vừa đánh vừa tra khảo vợ số điện thoại là của ai thì chị L nói đó là số điện thoại của anh Mai Văn D. (người cùng xóm với vợ chồng Phong).
Sau khi Phong ngừng đánh đập thì chị L bỏ đến nhà cha mẹ chồng ngủ.
Những tưởng mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nhưng đến trưa ngày 13/7/2010, tình cờ Phong gặp anh D. tại nhà một người quen. Do có sự nghi ngờ anh D có quan hệ bất chính với vợ mình nên Phong đã cự cãi và sau đó đã dùng tay đánh vào mặt anh D làm anh D bị chảy máu mũi. Sự việc chỉ dừng lại khi anh N nhảy vào can ngăn. Về phần chị L, thấy Phong quá ghen nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Điều đó càng làm tăng sự nghi ngờ và lòng bực tức trong Phong nên Phong nghĩ cần phải gặp anh D để giải quyết tất cả mọi chuyện.
Khoảng 17 giờ ngày 14/7/2010, Phong lấy 01 cây kéo bằng sắt (loại kéo dùng để làm cá) giấu vào trong người đi đến nhà anh D. với ý định dùng cây kéo rạch mặt anh D để “cảnh cáo”. Khi ngang nhà anh ruột của D., Phong thấy D. đang nằm trên võng trước cửa nhà. Phong đến nói với anh D.: “Tại sao mầy không lại xin lỗi cha mẹ tao một tiếng, vợ tao nó bỏ đi luôn rồi đó”.
Anh D. không trả lời nên Phong nói tiếp: “Tại sao mầy không xin lỗi hả?”, anh D. cũng không trả lời Phong. Uất hận nên đến đỉnh điểm, Phong đi đến chỗ anh D. đang nằm, lấy cây kéo trong người ra cầm trên tay phải chĩa mũi kéo hướng xuống mặt anh D. để rạch nhưng anh D. tránh được.
Chưa thực hiện được ý định, Phong tiếp tục nhào tới dùng cây kéo đâm mạnh vào chân phải của anh D. một cái rồi rút kéo ra và tiếp tục đâm cái thứ hai vào chân trái của anh D. Lúc này anh D. la lên: “Thằng Phong nó đánh em, nó đâm em rồi”. Thấy D. kêu cứu, Phong sợ quá liền bỏ chạy. Anh D. đứng dậy đi được một đoạn khoảng 7m thì bị choáng nên ngất xỉu, được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi. Đến 18h30’ cùng ngày, Phong đến Công an huyện Vị Thủy đầu thú.
Trả giá
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét thấy trong quá trình điều tra và tại phiên tòa Phong đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo cũng đã tích cực bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại (hơn 41.000.000 đồng); sau khi phạm tội đã ra đầu thú nên TAND huyện Vị Thủy đã tuyên phạt bị cáo Phong mức án 09 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là “Dẫn đến chết người”. Về trách nhiệm dân sự (TNDS), Toà buộc Phong phải tiếp tục bồi thường cho gia đình anh D. thêm số tiền 43.800.000 đồng.
Sau phiên xét xử sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với Phong, còn Phong thì có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm phần bồi thường TNDS. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận thấy mức án và mức bồi thường TNDS mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên đã không chấp nhận đơn kháng cáo của cả bị cáo và người đại diện hợp pháp cho người bị hại, tuyên y án sơ thẩm.
Thanh Tâm