Nghĩa tình của doanh nhân Quảng Trị

Trong 10 năm qua, với tư cách Chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, Trưởng ban tổ chức Giải Golf gây quỹ tiếp sức đến trường, doanh nhân Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức quyên góp được gần 25 tỷ đồng để “tiếp sức đến trường” cho hàng ngàn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước.

Trong 10 năm qua, với tư cách Chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, Trưởng ban tổ chức Giải Golf gây quỹ tiếp sức đến trường, doanh nhân Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức quyên góp được gần 25 tỷ đồng để “tiếp sức đến trường” cho hàng ngàn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước. 

Nhiều em trong số đó nay đã tốt nghiệp đại học, cao học và có việc làm ổn định. Có thể nói sự thành công của chương trình “Tiếp sức đến trường” nhiều ý nghĩa và giàu tính nhân văn đã lan tỏa mạnh mẽ, từ đó dần dần hình thành các CLB Tiếp sức đến trường của doanh nhân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế,…

Những ngày này, khi mà các tân sinh viên nghèo ở khắp mọi miền đất nước đang rạo rực chuẩn bị ngày nhập học thì cái tên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Lê Quốc Phong cùng chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” do ông khởi xướng cũng được giới truyền thông báo chí và các bạn sinh viên nghèo khắp nơi nhắc đến với lòng biết ơn vô hạn.

 

“Hạt nhân” khơi gợi những tấm lòng doanh nhân

Câu chuyện nghĩa tình doanh nhân của ông Lê Quốc Phong bắt đầu từ 10 năm trước. Sau khi đọc bài viết trên báo Tuổi Trẻ về trường hợp 2 tân sinh viên ở Quảng Trị, đó là Nguyễn Thanh Lập (hai năm liền đậu ba trường  đại học nhưng không nhập học được vì nhà quá nghèo) và Lê Minh Hiếu (bằng nghị lực và sự nỗ lực cố gắng của mình, cậu đã vượt qua khó khăn vươn lên thành học sinh giỏi và đã thi đậu vào đại học nhưng lại không có tiền nhập học), với tình nghĩa đồng hương, ông Lê Quốc Phong đã liên lạc với báo Tuổi Trẻ để tìm cách hỗ trợ tiền cho các bạn này đạt được ước mơ vào giảng đường đại học. Đó chính là những suất học bổng đầu tiên mở ra chương trình “Tiếp sức đến trường” nhiều ý nghĩa và đầy tính nhân văn sau này.

Nhưng đất Quảng Trị không chỉ có một vài em như Lập, Hiếu, làm sao có đủ tài lực giúp cho những sinh viên nghèo đến với cánh cổng các trường đại học, cao đẳng? Với những trăn trở đó mà sau những hỗ trợ cá nhân ban đầu, từ các mối quan hệ thân quen, ông Lê Quốc Phong bàn với một số doanh nhân gốc Quảng Trị tại TPHCM thành lập câu lạc bộ (CLB) Những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TPHCM để tiếp sức đến trường với nguyện vọng là làm sao mỗi năm các doanh nhân của CLB sẽ chia sẻ những lợi nhuận làm ra để giúp cho những học trò nghèo quê mình không phải chỉ vì nghèo, chỉ vì thiếu tiền nhập học mà phải từ bỏ ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. 

Thế rồi CLB ra đời với một Ban điều hành gồm 9 thành viên do ông Lê Quốc Phong làm Chủ nhiệm. Một số doanh nghiệp Quảng Trị tán thành việc làm của ông Lê Quốc Phong và đã tình nguyện gia nhập CLB, đó là doanh nhân Trần Quang Đổng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hồng Hà- Bách Việt), Nguyễn Đặng Hiến (Tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh- Bidrico), Phan Thị Chính (Phó giám đốc Agribank Phú Nhuận); Ngô Thị Báu (Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm- FOCI), Trương Quang Hương (Giám đốc Công ty phân bón Quang Nông), Phạm Xuân Trình (Giám Đốc điều hành Công ty dệt Phong Phú),  Nguyễn Ngọc Trường (Giám đốc Công ty may bảo hộ lao động Huy Trường), Phan Duy Đức (Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang), v.v...

 Ông Nguyễn Ngọc Trường, thành viên CLB Nghĩa Tình Quảng Trị tâm sự: “Tôi tham gia CLB ngay từ đầu vì bị thuyết phục bởi những việc làm ý nghĩa của anh Lê Quốc Phong cho quê hương. Hầu hết anh em chúng tôi ngày xưa đều nghèo khó, nên giúp các em tân sinh viên có hoàn cảnh nghèo khó để nhập học cũng là cách chia sẻ với mình ngày xưa”.

Theo thời gian, từ chổ chỉ là một CLB của các doanh nhân quê Quảng Trị, theo thời gian CLB  dần dần đã tập hợp nhiều thành viên ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều địa phương khác nhau, nhưng chung một tấm lòng hướng về Quảng Trị. Năm 2008 CLB Những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TPHCM đã chính thức đổi tên thành CLB Nghĩa Tình Quảng Trị - thể hiện “biên độ mở” của thành viên trong tổ chức.

Và thật sự CLB Nghĩa tình Quảng Trị đã ghi nhận sự tham gia đóng góp tích cực của các doanh nhân không phải gốc người Quảng Trị như ông Lê Xuân Phương (Giám đốc Công ty Thái Sơn), ông Trần Văn Thuộc (Giám đốc DNTN Nguyên Ngọc), ông Lý Thanh Tùng (Phó Tổng giám đốc Công ty Công ty cổ phần vật tư Nông nghiệp KT Cần Thơ), ông Phan Hồng Nhiều (Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Phan), ông Huỳnh Sáng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Huỳnh Sáng), ông Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang); ông Vũ Duy Hải (Giám đốc Cổ phần Vinacam), v.v…,

Thậm chí một số doanh nhân nước ngoài như ông Phe Hok Chhuon (Tổng giám đốc Công ty Yetak Group- Campuchia), ông Francis Lee (Công ty Newquest- Singapore)… là những đối tác của Bình Điền, khi nhận ra những việc làm tốt đẹp của ông Lê Quốc Phong cũng đã gia nhập CLB Nghĩa tình Quảng Trị, đóng góp hết sức tích cực và đến tận Quảng Trị để trao học bổng tiếp sức đến trường cho các tân sinh viên nghèo khó, v.v..

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình CLB Tiếp sức đến trường và để cho các tân sinh viên nghèo ở khắp cả nước có thể tiếp cận nguồn học bổng, được chương trình hỗ trợ và để thu hút được nhiều doanh nhân có lòng hảo tâm tham gia, ông Lê Quốc Phong đã có sáng kiến tổ chức Giải Golf Gây quỹ Tiếp sức đến trường và ông đã nỗ lực vận động nhiều doanh nhân tham gia. Với quyết tâm và niềm hi vọng đó, từ các mối quan hệ bạn bè của mình và từ các đối tác làm ăn với Bình Điền, Lê Quốc Phong đã tìm hiểu, thăm dò, phối hợp cùng đài truyền hình VTV9 và Báo Tuổi Trẻ đứng ra tổ chức Giải Golf Gây quỹ Tiếp sức đến trường.

Với tư cách Trưởng Ban tổ chức, ông Phong đã khơi gợi tấm lòng của các doanh nhân khác nên số tiền đóng góp cho quỹ tiếp sức đến trường ngày càng nhiều lên. Năm 2008 là 4,8 tỷ đồng, năm 2009 là 4,2 tỷ đồng, năm 2010 hơn 5,8 tỷ đồng, năm 2011 gần 8 tỷ đồng và năm 2012 số tiền quỹ thu về đạt hơn 3,5 tỷ đồng.

Năm 2012, ông Yoong Woo Lee, giám đốc Công ty Young- inh Trade Corporation (Hàn Quốc) sau khi đóng góp hàng chục ngàn USD cho quỹ đã phát biểu: “Rất cám ơn ban tổ chức đã mời, để tôi có dịp gặp gỡ, không chỉ với các golfer giỏi trên sân mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực kinh doanh của mình tại Việt Nam. Tôi hiểu rõ thông điệp đưa ra của quỹ học bổng là giúp các tân sinh viên nghèo, học giỏi không phải bỏ học. Tôi rất tâm đắc và sẵn sàng ủng hộ cho quỹ những mùa giải sau”. Giám đốc Makerting Tập đoàn Canpotex (Canada)- Adrew Law, thì khẳng định: “Còn làm việc tại Việt Nam, tôi sẽ còn tiếp tục đóng góp ủng hộ quỹ này.”

Ông Lê Quốc Phong cho biết: “Từ khi có giải Golf này đã giúp cho chương trình Tiếp sức đến trường mở rộng ra các tỉnh thành, không những tân sinh viên mà các sinh viên đang học tại trường nhưng có hoàn cảnh khó khăn cũng được chúng tôi “tiếp sức”,

Như vậy, trong 10 năm, ông Lê Quốc Phong cùng các doanh nhân thông qua chương trình “Tiếp sức đến trường” đã trao học bổng tổng trị giá gần 25 tỷ đồng cho hàng ngàn tân sinh viên vượt khó khắp cả nước trúng tuyển được đến với giảng đường. Trong số những “hạt mầm” tương lai đó, mỗi người mỗi gương mặt, mỗi người một số phận, mỗi người một thách thức, nhưng có một điều chung nhất chính là sự nghèo, cái nỗi nghèo vận vào cuộc đời, từ khắc nghiệt miền đất khô cằn, từ thiên tai mưa bão, từ những may rủi đời sống bất ngờ rơi xuống gia đình.

 

Những quả chín đầu mùa

Ông Lê Quốc Phong xuất thân từ mảnh đất nghèo ở Quảng Trị. Bố thương tật, nhà nghèo lại đông anh em nên ông đã phải tự lập từ rất sớm. Sự thành đạt hôm nay của ông  phải vượt qua bao cung đường đầy gian truân nhưng luôn sáng chói tinh thần vượt khó để tự học. Thế nên ông là người hưởng ứng nhiệt tình nhất quỹ tiếp sức đến trường để giúp đỡ các em nghèo học giỏi, bởi đó cũng là sự chia sẻ với chính cuộc đời mình đã qua.

Ông Lê Quốc Phong tâm sự: “Tôi muốn giúp các em đồng cảnh, để cuộc sống bớt nghiệt ngã hơn, để hạn chế nguy cơ bỏ cuộc, để các em có thể đi nhanh hơn đến ước mơ, và trên hết, để các em tin rằng cuộc đời này thật đáng sống..”

Nhìn lại chặng đường 10 năm đồng hành cùng chương trình tiếp sức đến trường, hẳn Lê Quốc Phong và các doanh nhân trong CLB Nghĩa tình Quảng Trị sẽ yên lòng hơn khi các tân sinh viên đã từng nhận học bổng đã tốt nghiệp thành kỹ sư, bác sĩ, thạc sỹ, tiến sỹ.  Em Nguyễn Thanh Lập, cậu học trò nghèo đầu tiên nhận học học bổng tiếp sức đến trường đã tốt nghiệp kỹ sư Tin học khoa Công Nghệ Thông Tin ĐH Bách khoa TPHCM  và hiện đang làm cho Tập đoàn công nghệ thông tin FPT. Anh trai của Lập là Tân tốt nghiệp khoa xây dựng ĐHBK và học tiếp Thạc sĩ.

Cậu học trò nghèo Lê Minh Hiếu ngày xưa đã có “thâm niên” 7 năm dạy toán ở một trường THPT ở Quảng Trị. Bùi Văn Minh đã đi dạy ở Vĩnh Linh. Đào Thị Hằng tốt nghiệp xuất sắc ĐH Nông Lâm Huế, đã tiếp tục tốt nghiệp xuất sắc chứng chỉ tiếng Anh EILTS và đã lấy bằng Thạc sĩ về Nông nghiệp tại Hà Lan. Nguyễn Thiện Nhàn đã tốt nghiệp kỹ sư tại  trường Kĩ sư Quốc gia  Val de Loire ở Blois một thành phố miền Trung nước Pháp. Phạm Mộng Thành học kỹ sư Hóa dầu ở Nga.  Nguyễn Ngọc Hưng đã tốt nghiệp kỹ sư ở ĐH Bách khoa TP HCM, …

Từ hiệu quả xã hội thiết thực của CLB Nghĩa Tình Quảng Trị đã dần dần hình thành các CLB Tiếp sức đến trường của Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre, Tiền Giang… Tấm lòng của những doanh nhân dành cho các sinh viên vẫn trĩu nặng qua từng năm học dù tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang lắm khó khăn. Có lẽ bởi chính các anh chị đã tìm thấy hình ảnh thời học trò gian khó của mình trong hình ảnh các bạn tân sinh viên hôm nay.

Doanh nhân Lê Quốc Phong

Vẻ đẹp văn hóa doanh nhân Việt

Nhận xét về CLB Nghĩa tình Quảng Trị mà “hạt nhân” chính là doanh nhân Lê Quốc Phong, ông Phan Duy Đức- Phó chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Quận 2, TPHCM nói:  “Những năm gần đây doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng ông Lê Quốc Phong vẫn vận động được các doanh nhân ủng hộ cho chương trình tiếp sức đến trường. Đó chính là nghĩa tình của doanh nhân. “Tiếp sức đến trường” bây giờ đã trở thành thương hiệu nghĩa tình của doanh nhân Việt đối với thế hệ sinh viên có hoàn cảnh nghéo khó. Sự thành công của CLB thông qua chương trình tiếp sức đến trường chính là nhờ cái tâm, lòng nhiệt huyết của ông Lê Quốc Phong”.

Theo ông Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư 3H, nguyên Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TPHCM thì thương hiệu phân bón Bình Điền với nhãn hiệu Đầu Trâu do ông Lê Quốc Phong tạo dựng đã quá thành danh, quá nổi tiếng ở cả thị trường trong nước và thế giới trong suốt gần ba thập kỷ qua. Người ta biết tới Lê Quốc Phong còn là một tay golfer cừ phách, một cây văn nghệ trong giới doanh nhân.  “Điều khiến tôi trân trọng và ngưỡng mộ nhất ở ông Lê Quốc Phong đó là tấm lòng nhân ái, là phong thái và những việc làm mang đậm bản sắc văn hóa của tầng lớp doanh nhân Việt hiện nay”, ông Lam nói.

Có thể nói, tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của doanh nhân Lê Quốc Phong thông qua chương trình Tiếp sức đến trường đã đem lại niềm vui, hun đúc thêm ý chí, nghị lực cho những tân sinh viên nghèo vượt khó, những thanh niên trẻ tuổi đang ngày đêm theo đuổi những ước mơ, theo đuổi những khát vọng chinh phục giảng đường đại học. Những bạn trẻ này có thể trở thành những nhân tố tích cực, những người hiền tài, làm đẹp, làm giàu cho quê hương đất nước. Với những gì đã cống hiến cho xã hội, năm 2008, ông Lê Quốc Phong đã được trao “Biểu tượng Vàng vì sự nghiệp Văn hóa doanh nhân Việt Nam”. 

Đăng Bình

Đọc thêm