Cơ sở vẫn hoạt động dù giấy tờ hết hiệu lực
Theo quan điểm của ENV, việc nuôi nhốt hổ tại cơ sở của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến không những thiếu căn cứ pháp lý mà còn không có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên.
Trang trại nuôi nhốt hổ của Chiến hoạt động trái phép từ năm 2006. Năm 2007, Chiến bị UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép, đồng thời giao cho đối tượng tiếp tục nuôi thí điểm 10 cá thể hổ trên tại cơ sở.
Ngày 22/5/2012, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm cho cơ sở của Chiến được “nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn” 12 cá thể hổ (số lượng hổ thay đổi do sinh sản và chết). Giấy chứng nhận trại nuôi của cơ sở cũng đã hết hiệu lực sau ngày 22/5/2017.
Ngày 7/6/2017, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân đã tiến hành khảo sát cơ sở và kết luận cơ sở không đáp ứng điều kiện nuôi loài ĐVHD được ưu tiên bảo vệ. Trong cuộc họp ngày 18/7/2017 tổ chức tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa không cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cho cơ sở của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến để tiếp tục “nuôi bảo tồn hổ”, bởi hoạt động của cơ sở này trong suốt 10 năm qua không có bất kỳ đóng góp nào cho công tác bảo tồn loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm này. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có giải pháp chuyển giao số hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến đến các trung tâm cứu hộ.
Các cá thể hổ có sự khác biệt khi so sánh
Hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến bị nghi ngờ là vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Vì theo ENV, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề tăng lên dù các cá thể hổ được ghép đôi với nhau. Trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng, ENV nhận thấy các cá thể hổ có sự khác biệt khi so sánh với hình ảnh được ghi nhận trong những năm trước đó.
Điều này cho thấy trang trại hổ của Nguyễn Mậu Chiến không những không có ý nghĩa bảo tồn như mục đích thành lập mà nhiều khả năng còn là “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác.
Nghi ngờ này càng có cơ sở khi ngày 20/3/2018, TAND quận Hà Đông đã kết án Nguyễn Mậu Chiến – đối tượng bị nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ ĐVHD khác từ châu Phi về Việt Nam 13 tháng tù giam. Vợ Chiến là Lê Thị Hồng (hiện đang đại diện quản lý cơ sở nuôi nhốt hổ) cũng bị xử phạt 6 tháng tù treo.
Theo khai nhận, hai cá thể hổ được lưu giữ tại nhà Chiến – Hồng (quận Hà Đông) có nguồn gốc từ trang trại của Chiến ở Thanh Hóa. Các đối tượng này đã không khai báo khi hổ chết và vận chuyển trái phép ra Hà Nội trước khi lưu giữ tại nhà. Chính vì vậy, việc tiếp tục để các đối tượng đã bị kết án vì hành vi tàng trữ hổ trái phép được “nuôi hổ bảo tồn” như hiện nay sẽ dấy lên quan ngại sâu sắc trong dư luận Việt Nam và quốc tế về hiệu quả của công tác bảo vệ đa dạng sinh học của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương.