“Nghiên cứu chính sách phù hợp với nạn nhân CĐDC các thế hệ tiếp theo là rất cần thiết”

(PLO) -Đó là nhận định của ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh việc đề xuất chế độ, chính sách ưu đãi đối với nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3.
Ông Đỗ Mạnh Hùng.

-Để chia sẻ một phần mất mát và thiệt thòi của các nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3, nhiều ý kiến đề nghị nên sớm hoàn thiện khung chính sách, chế độ đối với những đối tượng này. Quan điểm của ông như thế nào?

- Ông Đỗ Mạnh Hùng: Cho đến thời điểm này thì chính sách ưu đãi đối với người có công nói chung đang dần được hoàn thiện. Theo tinh thần Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì thân nhân của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH chỉ dừng lại ở thế hệ thứ 2 (là con) chứ không có cháu. Nếu thế hệ thứ 3 của những đối tượng này bị suy giảm khả năng lao động thì áp dụng chính sách ở các văn bản quy phạm pháp luật khác, như Luật người khuyết tật. Theo đó, những nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3 hiện đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội, nhưng không phải là chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Trên thực tế, thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH rất khó khăn trong cuộc sống, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí bị dị tật, dị dạng, mất sức lao động. Vì vậy, thực tế cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu chế độ, chính sách đối với thế hệ thứ 3 này. 

Rất đáng mừng là trong Chỉ thị 43 và Chỉ thị 14, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề cập đến việc nghiên cứu chế độ chính sách đối với con, cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH. Riêng Chỉ thị số 14 thì không dùng từ “nhiễm” nữa mà dùng từ “ảnh hưởng”, bởi phạm vi của từ này rộng hơn. Về mặt chủ trương đã có, để tổ chức thực hiện thì các cơ quan chức năng của Chính phủ, trước hết là Bộ LĐTB&XH và các bộ có liên quan như Bộ Quốc phòng, Y tế, Tài chính cũng cần khẩn trương nghiên cứu nhằm xây dựng chính sách ưu đãi riêng đối với người có công và các đối tượng là nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3, chứ không để áp dụng chính sách bảo trợ xã hội như hiện nay nữa. 

-Theo các nghiên cứu khoa học, CDDC không diễn ra theo quy luật thông thường mà có thể ẩn ở một thế hệ gần (thế hệ con) nhưng lại ảnh hưởng sang thế hệ xa hơn (cháu, chắt…). Ông có cho rằng, đã là nạn nhân CĐDC (do di chứng từ người trực tiếp tham gia kháng chiến) thì đều được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, không phân biệt họ là nạn nhân thế hệ thứ mấy? 

- Ông Đỗ Mạnh Hùng: Các nhà khoa học cho rằng ảnh hưởng của CĐDC đối với cơ thể con người và môi trường sống rất lâu dài, có thể lên đến 80-100 năm. Vì thế việc nghiên cứu để có chính sách phù hợp đối với các thế hệ tiếp theo của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH nói riêng và nạn nhân của CĐHH nói chung rất là cần thiết. 

Dựa trên nguồn lực của chúng ta, trước mắt có thể nghiên cứu để tạo lập chế độ chính sách đối với thế hệ thứ 3. Đối với các thế hệ tiếp theo phải có sự quan tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội đối với họ. Và khi điều kiện cho phép thì chúng ta có thể nghiên cứu, mở rộng thêm các đối tượng được xác định là thân nhân người có công để có chính sách ưu đãi phù hợp hơn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, đối với những thương binh bị nhiễm CĐHH thì có thể nói đây là những thương binh đặc biệt của đặc biệt. Bởi vết thương thực thể, theo thời gian nó cũng thành sẹo và chỉ những người thương binh đó phải chịu đựng- tất nhiên, sự mất mát, hy sinh đó đã là lớn rồi- nhưng với vết thương do nhiễm CĐHH thì nó còn gây đau đớn cả về mặt tinh thần khi kéo dài qua nhiều thế hệ. Còn áp lực và nỗi bất hạnh nào hơn khi hàng ngày phải nhìn cảnh con, cháu của mình bị dị tật, dị dạng, sống lay lắt như thế không biết đến bao giờ… 

- Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm