Nghiên cứu quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

(PLVN) - Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội diễn ra vào cuối tuần qua.
Nghiên cứu quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Tại Phiên họp Ủy ban Xã hội (UBXH) đã thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), xem xét các nội dung về y tế; thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); xem xét các nội dung về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội và một số hoạt động giám sát, lập pháp khác của Ủy ban.

Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm thảo luận tại Phiên họp lần này là dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bày tỏ ủng hộ việc cần thiết sửa đổi Luật, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu thực tế, do áp lực của cuộc sống, sự đòi hỏi về kinh tế và nhiều vấn đề khác nên vấn đề con cái chăm sóc bố mẹ ngày càng nặng hơn và cũng không ít những hành vi bạo lực với bố mẹ ruột thịt vô cùng đau lòng… Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần chú ý điều chỉnh đến hành vi bạo lực trên.

Theo các đại biểu, dự thảo Luật lần này đã kịp thời cập nhật để phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước Nhân quyền. Các đại biểu cũng thảo luận về các hành vi bạo lực mới để bổ sung vào Điều 4 dự thảo Luật, trong đó nhấn mạnh việc bạo lực về mặt tinh thần, phân biệt giới tính, định kiến giới. Đồng thời thảo luận, cho ý kiến biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, cấm tiếp xúc trong phạm vi 50m; kiến nghị nên xem xét 3 biện pháp hành chính xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng về xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự thảo Luật cần tập trung vào các vấn đề về phạm vi sửa đổi, các hành vi bạo lực để bảo đảm bao quát các trường hợp bạo lực trong gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; nghiên cứu quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình để thu hút, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác này. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu, dự thảo Luật phải bảo đảm tính khả thi cao của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đọc thêm