Ngoại giao nghị viện: Sáng tạo và linh hoạt với tư duy mới, cách làm mới

(PLVN) - Trong tổng thể đường lối đối ngoại của đất nước, đối ngoại của Quốc hội (QH) có những đặc thù và lợi thế riêng xuất phát từ địa vị pháp lý là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Quang cảnh khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: Nguyễn Hoàng).
Quang cảnh khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: Nguyễn Hoàng).

Được triển khai đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất của QH khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, hoạt động đối ngoại QH ngày càng được đẩy mạnh trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, giúp Nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, có được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam nói chung và QH Việt Nam nói riêng.

Trước yêu cầu của sự nghiệp Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu đối ngoại QH cần phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước.

Bám sát những định hướng quan trọng đó, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra vào tháng 12/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Vũ Hải Hà cho biết, đối ngoại QH từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay được triển khai đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện. Trong công tác xây dựng pháp luật, QH đã ưu tiên xây dựng khuôn khổ pháp lý đối ngoại. Từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 6 vừa qua, QH đã thông qua 30 dự án luật liên quan đến đối ngoại và hội nhập quốc tế… Trong công tác giám sát, lần đầu tiên QH phối hợp với QH Duma quốc gia Nga triển khai các cuộc họp liên ngành năm 2020 và 2023; tổ chức đoàn hợp tác chung khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; thực hiện các hiệp định tự do thương mại…

Hoạt động đối ngoại QH từ đầu nhiệm kỳ đã đạt được nhiều thành tựu, các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH đã mang lại những kết quả có ý nghĩa tích cực về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh…; tăng cường đan xen lợi ích giữa các quốc gia. Hoạt động đối ngoại đa phương của QH cũng được tích cực đẩy mạnh theo tinh thần của Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. QH Việt Nam đã tích cực tham gia có trách nhiệm, đóng góp tích cực tại các hội nghị đa phương, Liên minh Nghị viện thế giới, Hội đồng Nghị viện ASEAN, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương… qua đó nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Tư duy mới, cách làm mới

Năm 2023, công tác đối ngoại của QH được triển khai tích cực, hiệu quả, đạt kết quả toàn diện, thực chất, diễn ra chủ yếu bằng hình thức trực tiếp, sôi nổi với các hoạt động của Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Tổng Thư ký QH và các cơ quan của QH… Điểm nhấn nổi trội nhất trong một năm ngoại giao nghị viện sôi động nhất từ đầu nhiệm kỳ XV tới nay là lần đầu tiên QH Việt Nam đăng cai tổ chức thành công vượt bậc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 hồi tháng 9/2023 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Nhấn mạnh một số nội dung lớn về tổng thể công tác đối ngoại của đất nước và sự gắn kết của công tác đối ngoại nghị viện, tại buổi gặp mặt các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhân Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra vào tháng 12/2023, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, trong bối cảnh phát triển đất nước ta đang đan xen giữa nhiều thời cơ thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức mới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phát triển vượt bậc của Cách mạng công nghiệp 4.0, song tính bất ổn, bất định, khó lường ngày càng tăng. Trước tình hình quốc tế đó, trước hết tất cả các cán bộ đối ngoại, phải nắm vững Nghị quyết Đại hội XIII về “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”. Nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục gìn giữ và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước hướng tới các mục tiêu của năm 2030 và năm 2045.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, để làm tốt nhiệm vụ đó, cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy đối ngoại, trong phương cách triển khai, với tư duy mới, cách làm mới.

Tư duy mới là cách tiếp cận toàn cầu, đa phương và liên ngành, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cần tiếp tục phát huy trường phái đối ngoại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Cách làm mới là phải chủ động hướng đi mới vào các lĩnh vực tiềm năng mới và đối tác mới để củng cố, phát triển mạng lưới quan hệ với các đối tác ngày càng bền vững, thực chất. Với tư duy mới và phương cách mới, chúng ta có thể chuyển hóa các thách thức thành cơ hội và lợi thế để nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của đất nước.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ mong các Đại sứ, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ ngoại giao tham gia triển khai kênh đối ngoại QH đồng bộ với tất cả các kênh khác, tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp của quốc gia, đồng thời tiếp tục vun đắp quan hệ giữa QH ta với cơ quan lập pháp nước sở tại, quan hệ tốt đẹp với các Liên minh Nghị sĩ hữu nghị, cá nhân các nghị sĩ có uy tín… coi đó như là “vốn chính trị” của chúng ta trong quan hệ với nước sở tại. Tiếp tục phát huy thế mạnh của kênh đối ngoại QH là đại diện cho người dân, cần đẩy mạnh kết nối giao lưu “mềm” về văn hóa, xã hội, giáo dục, du lịch, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân và địa phương với địa phương, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của Việt Nam đến với khu vực và quốc tế. Kênh đối ngoại QH cần gắn với triển khai nhiều khuôn khổ hợp tác mới xác lập gần đây như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP26 hay Sáng kiến AZEC…

Đọc thêm