“Ký túc xá” dưới mái chùa
Dạo một vòng quanh tòa chánh điện chùa, sẽ đến nơi tập trung dành cho những sinh viên lưu trú rộng khoảng 200m2, là nơi ăn, nghỉ của các sinh viên từ khắp mọi trong khu vực.
Trong không gian này, có những căn phòng nhỏ được bố trí như những khu nội trú ở một ký túc xá của các trường, mỗi phòng có các giường tầng, tập sách ngăn nắp; trên đầu giường có kệ sách, có đèn để học bài; cơ bản đầy đủ tiện nghi nhằm phục vụ cho các sinh viên đến lưu trú để học tập. Và đặc biệt sinh viên không phải lo bất kỳ khoản chi phí nào cho việc lưu trú tại đây.
Em Lâm Văn Sari Mô (dân tộc Khmer, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ, gia đình nghèo không có điều kiện để ăn học, lên thành phố chỉ vài trăm nghìn đồng giắt túi, may được sư thầy đón nhận tạo điều kiện có chỗ ăn ở để em có cơ hội học tập. “Khi vào chùa được các nhà sư, anh em giúp đỡ, động viên, nên giờ em xem nơi này như ngôi nhà thứ hai”, em tâm sự.
“Thuê trọ bên ngoài giá “bèo” nhất cũng mấy trăm ngàn mỗi tháng, rồi còn sợ bị bạn bè lôi kéo tụ tập, dần dần phát sinh nhiều thói hư tật xấu. Em xin được ở trong này vừa có nơi yên tĩnh để học tập, mặt khác theo các sư thầy dạy bảo để được tôi luyện nên người”, Sari Mô bộc bạch.
Hiện chùa Pitu Khôsa Răngsây cũng là “ngôi nhà chung” của hơn 30 sinh viên đang theo học đủ ngành nghề tại các trường trên địa bàn Cần Thơ. Nếu như trước đây nơi sinh hoạt, ăn nghỉ của các sinh viên còn hạn chế, thì nay nhờ nguồn kinh phí vận động, chùa đã xây khu vực này thành 2 tầng, cải thiện điều kiện ăn ở dành cho các sinh viên..
Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, cho hay, mỗi lần tiếp nhận sinh viên vào chùa là mất một khoảng thời gian nhất định để giúp các em hòa nhập làm quen nơi ăn chốn ở, cho đến hướng dẫn các lễ nghi cũng do một tay sư thầy đảm nhiệm. “Sinh viên sống ở đây phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt, ra khỏi chùa vào ban đêm phải xin phép, nhờ vậy dù đông sinh viên đến ở, nhưng chùa nhưng vẫn giữ được nền nếp thanh tịnh nơi cửa Phật”, Thượng tọa Lý Hùng nói.
Theo Thượng tọa Lý Hùng, ngôi chùa là mái ấm của hàng trăm sĩ tử, sinh viên nghèo trong vùng suốt 24 năm qua. Hễ có ai cần là nhà chùa luôn sẵn lòng đón nhận, cung cấp nơi ăn ở để học tập. Tuy vậy, lúc vào ở các em phải có sự đồng thuận của gia đình để tiện bề dạy dỗ, tuyệt đối không chấp nhận sinh viên có đạo đức kém, tránh việc ảnh hưởng đến các em khác.
Sinh viên Lâm Văn Sari Mô coi chùa như ngôi nhà thứ hai của mình. |
Thượng tọa kỳ vọng sau khi các em học thành tài thì trở về quê hương gắn bó phụng sự cho nhân dân ở những miền quê còn nhiều khó khăn, cơ cực. Ông tâm sự: “Niềm vui là khi được thấy các em trưởng thành, nên người, tìm được công việc như các em hằng mơ ước. Nhưng cũng có khi man mác buồn khi hay tin các em vẫn còn bươn chải đi tìm việc, hoặc chưa tìm được việc như ý”.
Địa danh nổi tiếng
Được biết cái tên Pitu Khôsa Răngsây của chùa hiện nay còn có nghĩa “Chùa Sau” hay “Chùa Xáng”, vì thời xưa trên trục đường chính Đại lộ Colonel Dessert (nay là đại lộ Hòa Bình) đã có một chùa “Chùa Muni Răngsây” hay còn gọi “Chùa Trước”.
Chùa do Thượng tọa Sơn Tây, tục gọi Ta Tu (“Ta” tiếng Khmer có nghĩa là “ông”) xây dựng năm 1948 và xuất phát từ nhu cầu tu học của nhiều bà con Phật tử người Khmer ở Cần Thơ. Ban đầu, chùa chỉ cất bằng cột cây mái lá đơn sơ với kiến trúc khá độc đáo theo hệ phái nam tông Khmer trên khu đất rộng 645m², do bà con Phật tử cúng dường.
Năm 2008, chùa được đại trùng tu và đã hoàn thành sau 4 năm thi công, khánh thành vào hạ tuần tháng 4/2012. Hiện chùa Pitu Khôsa Răngsây được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây bao gồm nhiều bộ phận kiến trúc như chính điện, sa la, nhà tăng… Bên ngoài chùa có trang trí nhiều hoa văn như rồng Angkor cách điệu uốn lượn ở các bao lam mặt trước chánh điện, đầu rồng Ăngkor – tiên nữ Keynor – chim Thần Krud nâng đỡ các đà và mái, phù điêu thần Chằn Ha-nu-man, nữ thần Tép-pa- nom, Phanhi lửa (lửa tam muội) đẹp mắt.
Chính điện chùa Pitu Khôsa Răngsây quay về hướng đông có thiết kế gồm 3 cấp, mỗi cấp chia thành 3 nếp hình thành hệ thống cấu trúc mái. Những cấp mái với những đường cong góc mái, những hình tượng chạm khắc trên hai đầu hồi, trên tháp nóc… Tất cả được thực hiện công phu, tinh xảo, kết hợp với những màu nguyên gốc và những pha chế chuẩn mực thể hiện bút pháp tài hoa và trình độ thẩm mỹ cao.
Chùa còn là nơi lưu giữ văn hoá Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chja Dăm, múa dân gian Campuchia… và được trình diễn thông qua những ngày lễ quan trọng như Tết Oóc Ôm Bóc, lễ Choi Chơ Năm Thơ Mây, lễ Dolta, lễ Dâng Y, lễ Cúng Trăng…