Ngôi làng chài chung một ngày giỗ coi Hoàng Sa là máu thịt

(PLO) - Cho đến tận hôm nay, ký ức đau thương về cơn bão Chanchu “xóa sổ” đàn ông trong làng vẫn còn hằn sâu trong tâm trí mỗi người phụ nữ ở làng chài nghèo thuộc hai thôn Bình Tịnh, Bình Tân (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Nhưng vượt qua nỗi sợ, họ vẫn khuyến khích con cháu vững tâm, chắc lòng, giong thuyền, vươn mình vượt biển khơi, bám ngư trường Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc...
Ngư dân Bình Minh vẫn một lòng bám biển mưu sinh.
Ngư dân Bình Minh vẫn một lòng bám biển mưu sinh. 
Cuộc sống đang dần ổn định
Chừng ấy năm qua đi, sau tai ương ập đến với vùng quê nghèo, nay cuộc sống đã sang trang, dù đâu đó vết thương ngày nào vẫn hằn trên thịt da những người mẹ, người vợ, người chị. Con đường làng đã được bê tông hoá, mở rộng, không còn nham nhở đất cát, nhưng lại vắng hoe, quạnh quẽ hơn vì thiếu bóng dáng những người… đàn ông.
Những cái chết không hẹn mà đến đã hầu như làm kiệt quệ nguồn sống của những gia đình quanh năm suốt tháng sống chết với biển. Biết bao những tấm lòng nhân ái của người Việt ở khắp mọi miền đất nước đã kịp thời vực dậy những gia đình gặp tang thương này. Không ít người nhờ đó mà có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Nhà nước, xã hội đã chung tay xoa dịu nỗi đau của các góa phụ. Con cái của họ cũng được đặc cách đi học và hưởng những quyền lợi chính đáng. Đó là nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” trong đạo lý truyền thống của dân tộc ta.
Nhiều người dân ngoài cuộc xem đây như là một sự đổi đời, nhưng người trong cuộc không thể không cảm nhận sự đắng cay. Tiền bạc, của cải vật chất có thể làm ra, hoặc thiếu thốn vẫn có thể sống được; nhưng mất đi con người là mất tất cả. Tuy nhiên, không vì thế mà những người phụ nữ góa chồng nơi đây trở nên bi lụy, họ đã biết cách sống tốt, sống có ích, tham gia vào những việc hết sức ý nghĩa của cuộc sống, như lời tri ân, tâm niệm của toàn xã hội.
Giờ đây, trong những căn nhà đó, bàn thờ là nơi những người mẹ, người vợ “đầu tư” công phu nhất. Họ quan niệm chồng con đã mất tích ở ngoài biển lạnh giá, không tìm thấy xác. Người ở lại phải làm cái gì đó thật ấm cúng, đẩy đủ để mỗi lần linh hồn chồng con về thăm nhà sẽ có chỗ nghỉ ngơi ấm áp và cũng để thấy được sự hy sinh của họ không phải là vô nghĩa . Và có làm như thế, các góa phụ mới cảm thấy an lòng khi phải một mình nuôi con, nhớ thương chồng.
“Vợ chồng cô có còn gì hơn. Lo nhân ái được cho hai đứa hắn bàn thờ hương khói, hoa quả đầy đủ là cảm thấy an lạc… Cũng còn máu đi biển lắm, nhưng ngặt nỗi già rồi, không ai cho đi. Bữa cơm qua ngày chỉ trông vào ba sắp nhỏ với nghề sửa xe đạp. Còn cô thì ngày thường đi phụ làm thêm, ai kêu gì đi làm nấy, còn tối về đi chùa cầu bình an. Mong có sức khoẻ để có thể nhang khói cho con được ngày nào hay ngày đó, không ước gì thêm”, cô Thinh tâm sự.
Chị Huỳnh Thị Nhí (trú thôn Bình Tân) mất đi chồng và con trai, hai người đàn ông trụ cột của cả nhà. Tưởng chừng sau cú sốc ấy, người phụ nữ nhỏ bé này sẽ gục ngã, nhưng vì 3 đứa con gái còn lại, chị cũng vươn mình đứng dậy tạo chỗ dựa vững chắc cho các con không vì đau thương mà bỏ dở chuyện học hành. Từ nỗi đau, chị lao vào vòng quay cuộc đời để làm và làm, mong sao có tiền nuôi con ăn học. Hai đứa lớn hiện đã là sinh viên, con gái út đang học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Thăng Bình, Quảng Nam).
Vẫn còn rất nhiều mảnh đời của những góa phụ già yếu. Ngày qua ngày, các bà, các mẹ, các chị vẫn thức dậy đều đặn từ sáng tinh mơ, tới bến cá để chọn mua những mẻ cá người dân đi biển mang về. Xong xuôi, họ chạy lên chợ huyện Hà Lam bán kiếm tiền nuôi các con ăn học. Họ nhủ lòng cuộc sống dù khó khăn tới đâu vẫn phải bươn chải để nuôi các con. 
Dù bão tố đã cướp đi những người chồng và người con trai trên mảnh đất này thì những người vợ, người mẹ vẫn cố gắng chăm sóc cho những đứa con của họ, gieo ước vọng vào ngày mai tươi sáng. Cuộc sống đang dần ổn định đối với những người phụ nữ nơi đây, đâu đấy lại có những tiếng cười đùa của trẻ thơ mỗi lúc tan trường. Những chiếc thuyền lại ra khơi, cuộc sống vẫn tiếp diễn, những người phụ nữ vẫn tiếp tục những công việc đời thường để gieo cho đời những mầm xanh trên mảnh đất tình người này.
Vững tâm bám biển
Giữa bão táp phong ba, biển khơi đang “dậy sóng”, nhiều ngư dân nơi đây vẫn kiên cường bám biển trên những con tàu, với tâm thế tỏ rõ lòng quyết tâm không hề nao núng, lo sợ. Cô Thinh còn nhấn mạnh: “16 năm trong quân ngũ, vợ chồng cô đã nếm trải sự hy sinh, mất mát của chiến tranh. Có khó khăn, gian khổ nào mà không từng kinh qua hả mấy con. Mong sao được ra Hoàng Sa góp một phần sức nhỏ bé này cho Tổ quốc. 
Thân già này còn gì nữa đâu, chỉ sợ chỉ lo cho tương lai con em mình mà thôi. Đất nước mà chiến tranh tương lai các em sẽ đi về đâu. Nếu các con cô còn sống, cô vẫn muốn chúng ra giữ đảo Hoàng Sa. Đó là nguyện vọng của hai thân già này…”.
Đại đa phần ngư dân xã Bình Minh đều đi làm thuê cho các chủ tàu lớn.
Đại đa phần ngư dân xã Bình Minh đều đi làm thuê cho các chủ tàu lớn. 
“Phải sống cho ngày mai, cho tương lai” – cô Thinh dõng dạc nói như vậy bằng niềm tin của mình. Tám năm qua đi, giờ cô Thinh đã có thể nở được một nụ cười trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của người phụ nữ đã qua tuổi 55.
Chung suy nghĩ ấy, nhiều góa phụ bày tỏ: “Hoàng Sa với chúng tôi như là máu thịt… Hoàng Sa – đất mẹ thiêng liêng của Tổ quốc… Hoàng Sa – nơi đầu sóng ngọn gió. Ở đó là máu thịt của lớp lớp tiền nhân đã bám biển mưu sinh nên cho dù có chết, chúng tôi cũng nhất quyết không chịu bỏ. Ngàn đời sau, bao thế hệ con cháu vẫn sẽ ngày qua ngày đạp sóng biển đến Hoàng Sa nên chẳng có lý do gì mà sợ. Cứ thế, cứ đi nuôi khát vọng lớn… Hoàng Sa – Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam”.
Đó là những lời tâm sự cũng như là khát vọng tự bao đời nay của lớp lớp ngư dân làng chài nơi đây vẫn ngày đêm cưỡi sóng ra Hoàng Sa bám biển mưu sinh, nuôi khát vọng lớn. 
“Biển như một phần sự sống của vợ chồng tui. Ngày nào không đi biển là ngày nớ nhớ biển lắm. Chồng tui cùng những thanh niên trong làng đã đi biển được mấy ngày rồi. Cũng khuyến khích chồng đi biển vừa để bám biển, vừa để thể hiện tâm thế, trách nhiệm với Tổ quốc, để cho Trung Quốc thấy rằng người Việt Nam ngoan cường lắm, không hề lo sợ”, chị Võ Thị Nhanh (37 tuổi, trú thôn Bình Tịnh) chia sẻ.
“…Và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo là của tất cả chúng ta”. Đó là nội dung lời khẳng định của ông Hồ Thanh Thưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Minh trước toàn thể ngư dân của xã. Ông nhấn mạnh: Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước là của tất cả người dân Việt Nam… Toàn thể đoàn viên và bà con ngư dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn, hành vi vi phạm của Trung Quốc; sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo quê hương.
Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn xã Bình Minh có trên 130 tàu cá, trong đó có 26 tàu đánh bắt xa bờ với gần 3000 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, thôn Bình Tịnh có 13 tàu cá hiện đang có mặt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Còn lại đại đa số đi làm thuê cho các chủ tàu lớn ở Đà Nẵng. 

Đọc thêm