'Người bạn pháp luật' của trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xã hội và công nghệ ngày càng phát triển, bên cạnh những tiện ích thì cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa với trẻ em và người dưới 18 tuổi, đòi hỏi phải nhanh chóng có những “người bạn pháp luật” đồng hành và bảo vệ.
Lễ công bố tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. (Nguồn: VNISA).
Lễ công bố tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. (Nguồn: VNISA).

Trẻ em và những mối đe dọa tiềm ẩn

Đầu tháng 6 vừa qua, nhân Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm 2024, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho biết, lao động trẻ em là xâm phạm quyền trẻ em và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nếu trẻ lao động trước tuổi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, các em không được tiếp cận quyền giáo dục, quyền được chăm sóc sức khỏe… dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai không bảo đảm.

Cũng theo bà Nga, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động trái pháp luật. Trong đó, nghèo đói và nhận thức chưa đầy đủ bảo đảm quyền trẻ em là hai lý do chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật khi sử dụng trẻ em lao động. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em.

Hiện nay, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, vào năm 2018, Việt Nam có khoảng 5,4% số trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 (khoảng 1,1 triệu người) là lao động trẻ em. Kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF cùng thực hiện cũng cho thấy, 6,6% số trẻ em 5 - 17 tuổi tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế (được coi là lao động trẻ em).

“Chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực châu Á. Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, cộng đồng, gia đình và chính trẻ em”, bà Nga nhấn mạnh.

Ở một góc độ khác, hiện nay Internet là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người, kể cả trẻ em với nhiều lợi ích trong học tập và giải trí. Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, hầu hết các em đều tiếp cận với internet và thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Độ tuổi trung bình của trẻ em Việt Nam sử dụng internet là 9 tuổi, sớm hơn 4 tuổi so với trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ em. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hơn 48% thanh, thiếu niên đã từng bị bắt nạt trên mạng và trên 13% trẻ em phải tiếp xúc với các hình ảnh, thông tin khiêu dâm không mong muốn. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, 3 năm qua, lực lượng chức năng cả nước đã khởi tố hơn 380 vụ với hơn 550 bị can về các tội xâm hại trẻ em và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Cơ quan công an cũng ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, lừa đảo, bạo lực độc hại đối với trẻ em cũng như những thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại vi phạm pháp luật. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng...

“Người bạn pháp luật” của trẻ em và người dưới 18 tuổi

Phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi.( Nguồn: ANTĐ)

Phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi.( Nguồn: ANTĐ)

Thực tế đã và đang cho thấy, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào cạm bẫy của các nhóm đối tượng tội phạm trên mạng internet và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng để xây dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em. Các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ và phần mềm để giám sát, lọc nội dung không phù hợp.

Ngày 25/6 vừa qua, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã công bố tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA về “Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Bộ tiêu chuẩn TCCS 03 được xây dựng với mục tiêu góp phần đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí an toàn của trẻ em trên môi trường mạng theo tinh thần được nêu trong Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”; tăng mức độ tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em ở các trường học, gia đình. Tiêu chuẩn TCCS 03:2024/VNISA quy định các yêu cầu cơ bản đối với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm 5 nhóm: yêu cầu về tài liệu; yêu cầu về tính năng; yêu cầu về tính tuân thủ và và đặc thù Việt Nam; yêu cầu về yếu tố an toàn thông tin của sản phẩm; yêu cầu về hiệu năng xử lý.

Theo VNISA, đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam. “TCCS 03 là bộ tiêu chuẩn chất lượng đầu tiên áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên các xu hướng công nghệ mới nhất và cơ sở thực tiễn các sản phẩm, cũng như các quy định pháp lý tại Việt Nam hiện nay. Các yêu cầu nêu trong nội dung tiêu chuẩn là căn cứ cho việc đánh giá chất lượng sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp bổ sung thêm các yêu cầu ở cấp độ cao hơn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình” - ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm CLB VCSC chủ trì soạn thảo tiêu chuẩn cho biết tại lễ công bố.

“Người trợ lý ảo” hay “Người bạn pháp luật của trẻ em và người dưới 18 tuổi” là tên phần mềm cài trên app điện thoại được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị tham gia xây dựng để phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi, liên quan đến các lĩnh vực: xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng, chống ma túy, căn cước công dân, an toàn giao thông…, các hình ảnh hướng dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em… Đặc biệt ứng dụng phần mềm được cài đặt chức năng tổng đài khẩn cấp, đường dây nóng của các đơn vị như Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cảnh sát 113, Phòng cháy 114, Y tế 115. Ví dụ khi có thông tin tố giác xâm hại trẻ em qua tổng đài 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em), đơn vị này sẽ lập tức chuyển thông tin tới cơ quan Công an gần nhất nơi sự việc xảy ra, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ trẻ em, góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ việc.

Theo Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó Trưởng Phòng phòng ngừa điều tra tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ nhiều cách tiếp cận khác nhau này, người dưới 18 tuổi sẽ thụ hưởng những thông tin liên quan đến pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hết sức tự nhiên, dần dần có nhu cầu tìm hiểu về ứng dụng này, phấn đấu để ứng dụng “Người trợ lý ảo” thực sự là người bạn của người dưới 18 tuổi. Hiện Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng với công an các đơn vị địa phương, các ban, Bộ, ngành để hướng dẫn, tuyên truyền người dân, đặc biệt là các em học sinh cách cài đặt, sử dụng phần mềm.

Để thực hiện mục tiêu 8.7 liên quan đến xóa bỏ lao động trẻ em, Việt Nam đề ra lộ trình giảm dần tỉ lệ lao động trẻ em, tương ứng là <9% vào năm 2020, <8% vào năm 2025 và <7% vào năm 2030. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để giảm dần tỉ lệ này trong thời gian qua. Về mặt luật pháp, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, trẻ em nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi sử dụng lao động ép buộc, buôn người, nô lệ hiện đại và lao động trẻ em dưới mọi hình thức; tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là những chính sách liên quan đến trẻ em và nhóm đối tượng lao động trẻ em. Các chính sách này cần gắn kết chặt chẽ giữa các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững với việc tạo mọi cơ hội cho trẻ em được hiện thực hóa các quyền của mình; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về luật pháp, chính sách liên quan tới lao động trẻ em, nạn buôn người và nô lệ hiện đại, lao động ép buộc...

Đọc thêm