Dưới góc độ đánh giá của các DN Châu Âu hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, trang thiết bị y tế được tổng hợp trong Sách Trắng 2018 do EuroCham công bố hôm nay (15/3), người bệnh ở Việt Nam phải tự chi trả rất nhiều khoản phí điều trị dẫn đến nhu cầu cần có những phương án điều trị phù hợp với khả năng chi trả của bệnh nhân.
Tuy nhiên, EuroCham cũng lưu ý, “phương pháp điều trị phù hợp với khả năng chi trả không đồng nghĩa với người bệnh phải hy sinh chất lượng điều trị. Bộ Y tế hiện đang cân nhắc các phương án điều trị thay thế áp dụng cho đa số bệnh nhân”.
Theo các DN châu Âu, Việt Nam cũng cần xem xét đầy đủ để khắc phục tình trạng chi phí sử dụng giải pháp trị liệu chất lượng thấp, hậu quả do sai sót y tế và nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, các bệnh viện, nhất là tuyến TƯ đang quá tải. Trong khi đó những bệnh nhân bị các bệnh mãn tính nhưng không cần phải điều trị tại các cơ sở y tế như huyết áp, tiểu đường, suy thận… tăng.
|
Cần có nhiều phương pháp điều trị phù hợp với khả năng chi trả của bệnh nhân để giảm chi phí y tế |
Vì vậy, Tiểu ban Thiết bị Y tế và Chuẩn đoán của EuroCham khuyến nghị Việt Nam “phát triển hệ thống chăm sóc y tế tại nhà thông qua các cơ chế hỗ trợ chi phí ưu đãi” - bà Phạm Thị Thu Hà (đại diện Tiểu ban) cho biết.
Theo Tiểu ban, chăm sóc tại nhà sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện, giảm chi tiêu công cho các chi phí bất thường phát sinh do nằm ngoài tầm kiểm soát, giảm chi phí y tế tự chi trả cho các hộ gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính này.
Đồng thời, để giảm chi phí cho bệnh nhân, các DN châu Âu cho rằng, Việt Nam cần đánh giá từng sản phẩm y tế trên cơ sở giá trị của chính sản phẩm chứ không phải nguồn gốc xuất xứ với điều kiện sản phẩm đó phải đáp ứng các chuẩn mực chất lượng.