Người bị suy thận mạn cần ăn uống như thế nào?

(PLVN) - Chế độ ăn hợp lý giúp làm giảm sự tiến triển của bệnh thận mãn tính, giảm các biến chứng do suy thận mạn gây nên như tăng huyết áp, hội chứng ure máu cao…
Hình ảnh minh họa

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn chia làm 2 giai đoạn: Bệnh nhân chưa phải chạy thận nhân tạo và bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo.

Với bệnh nhân suy thận mạn chưa phải chạy thận nhân tạo

Chế độ ăn cần tuân thủ theo nguyên tắc đủ năng lượng, đủ các yếu tố vi lượng (vitamin), giàu canxi. Cần giảm chất đạm (thịt) để giảm sự hoạt động, đào thải của thận, hạn chế tình trạng ứ đọng chất thải ở thận và biến chứng tăng ure máu.

Muối là thành phần gây tích nước trong cơ thể làm quá tải cho thận và gây tăng huyết áp, vì vậy người bệnh hạn chế những thực phẩm chứa nhiều muối.

Người bị suy thận không nên uống nhiều nước. Nếu có phù, bệnh nhân hạn chế tối đa nhất lượng nước uống. Nếu không phù thì lượng nước uống trong ngày nên ước tính theo công thức (lượng nước uống trong ngày = lượng nước tiểu 24h + 300 - 500 ml (mất qua mồ hôi, hơi thở).

Các loại thực phẩm nên ăn sẽ bao gồm các loại cung cấp protein có giá trị cao như trứng, sữa dành cho người bệnh suy thận mạn, thịt nạc, cá. Chất bột ít đạm như khoai lang, khoai tây, khoai sọ, bột sắn dây, gạo xay, miến dong.

Các loại thực phẩm không nên ăn là các loại thực phẩm nhiều natri cần hạn chế như thức ăn đóng gói, chế biến sẵn, đồ hộp, nước mắm, cá khô,... Thực phẩm giàu kali mà bệnh nhân suy thận mạn cần hạn chế như các loại đậu, các loại rau có màu xanh đậm (rau muống, rau ngót, rau dền, ...), trái cây tươi và khô (bơ, thanh long, nho, chuối khô). Các loại thực phẩm giàu phốt-pho như thịt bò, tôm khô, đậu nành, hạt sen khô, ... Các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây hại như nội tạng động vật, bơ, phomai...

Với bệnh nhân bệnh thận mạn phải chạy thận nhân tạo

Đối với bệnh nhân chạy thận 1 lần/ tuần, số lượng đạm là 1g/kg cân nặng/ ngày. Bệnh nhân chạy thận 2 lần/ tuần, số lượng đạm là 1,2 g/kg cân nặng/ ngày. Còn bệnh nhân chạy thận 3 lần/ tuần, số lượng đạm là 1,4g/kg cân nặng/ ngày.

Vì chế độ ăn cần giảm đạm do đó cần tăng cường nhóm tinh bột, đường và chất béo để tránh suy dinh dưỡng. Tổng mức năng lượng từ 30-35 Kcal/kg cân nặng/ ngày. Trong đó, chất béo chiếm 25-35% (1g cho 9 Kcal), chất đạm chiếm 15-20% (1g cho 4 Kcal), chất bột chiếm 50-60% (1g cho 4 Kcal).

Ăn nhạt, ăn tối đa 3g muối/ngày, tương đương 15ml nước mắm. Hạn chế các thực phẩm giàu phốt pho: lục phủ ngũ tạng động vật, sô cô la, ca cao, lòng đỏ trứng, sữa, các chế phẩm của sữa (bơ, phomat) bơ đậu phộng các loại trái cây khô, thức ăn khô như tôm khô, thịt bò khô, thực phẩm đóng hộp. Rất hạn chế các thức ăn chứa nhiều kali như cam, chuối, quả bơ, hạt họ đậu, dâu, nho khô, sô cô la, các loại rau xanh đậm. Nên ăn các thực phẩm giàu can xi: sữa dành cho người suy thận, cá con, cua…

Lượng nước đưa vào cơ thể ở mức vừa phải. Lượng nước uống trong ngày = lượng nước tiểu 24h + 300 - 500 ml (mất qua mồ hôi, hơi thở).

Cần bổ sung vitamin có nhiều trong rau, củ, quả: dưa leo, bầu, bí, su hào, su su, mướp, cà rốt, cải bắp, rau diếp quả lê, cà chua, dâu, dưa hấu, táo, mơ, đào, nghệ, thơm, vú sữa, quýt, xoài chín.

Đọc thêm