Người cả đời vì quả trứng, củ khoai

Khác nhau trong công việc cụ thể, nhưng họ cùng nỗi trăn trở với “số phận” của những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam và sự khao khát khẳng định thương hiệu Việt cho những sản phẩm đó...
Khác nhau trong công việc cụ thể, nhưng họ cùng nỗi trăn trở với “số phận” của những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam và sự khao khát khẳng định thương hiệu Việt cho những sản phẩm đó...
“Người đóng mác cho trứng Việt”

Là biệt danh mà bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng âu yếm dành tặng cho bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (TP HCM). Để được gọi bằng cái tên đầy hình ảnh này, bà Ba Huân đã có cả một quãng đời gắn bó và trăn trở cùng trứng.

Năm ấy, khi Phạm Thị Huân vừa tròn 16 tuổi cũng là lúc cô thiếu nữ được ba má đồng ý cho khởi nghiệp công việc mua bán trứng gia cầm. Nghe to tát, nhưng thực ra công việc này không mấy xa lạ với cô bởi từ thủa 12, cô bé Huân đã được ba má tập tành, dìu dắt công việc bán buôn những quả trứng. Thế nên, khởi nghiệp năm 16, thì 17 tuổi Ba Huân đã là “thương gia trứng”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham quan dây chuyền xử lý trứng mới nhập của Công ty Ba Huân

Thương trường đầy biến động và thăng trầm, thương trường với ngành hàng trứng gia cầm là thực phẩm tươi sống lại càng trăm bề khó. Để đủ hàng cung cấp cho thị trường TP HCM, bà Ba Huân đã đi khắp “vùng nguyên liệu” từ Long An đến Kiên Giang để thu gom, chuyên chở và chế biến.

Trời không phụ công người, cũng vì thế nên vựa trứng Ba Huân ở Chợ Lớn đã trở thành “điểm đến” lý tưởng cho mọi “nhà”: Nhà sản suất, nhà hàng, nhà phân phối... bởi chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất. Ngoài trứng gà, trứng vịt tươi, các sản phẩm trứng khác như trứng muối, trứng lộn, trứng bác thảo mang thương hiệu Ba Huân luôn dẫn đầu bởi những bí quyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ gia đình.

Rồi cũng từ thành công này, Công ty TNHH Ba Huân đã ra đời vào tháng 7/2001 với vốn điều lệ 8 tỉ đồng, đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình kinh doanh ngành trứng gia cầm của bà Ba Huân.

2 năm sau, khó khăn ập đến với “con thuyền” Ba Huân khi dịch cúm gia cầm hoành hành, khiến cả người nông dân lẫn người kinh doanh trứng gia cầm đều lao đao. Những trại gà, trại vịt với hàng trăm, hàng ngàn con, những xe trứng gom đầy chuẩn bị lăn bánh, sau một đêm bỗng thành con số không. Trắng tay. Phá sản.

Sự thật ấy phũ phàng đến nỗi ngày nay khi nhớ lại tình cảnh nghiệt ngã ấy, trong lòng bà Ba Huân vẫn còn nguyên cảm giác thảng thốt và bàng hoàng. Nhưng quả trứng đâu có lỗi, rất nhiều người, ngành, nghề đang khát trứng, cần trứng, nghĩ thế mà bà Ba Huân không cho phép mình đầu hàng.

Gom góp một ít tiền, bà quyết định đi nước ngoài để xem ở các nước họ xử lý trứng gia cầm như thế nào. Hết châu Á sang châu Âu, rồi cuối cùng bà đã tìm ra hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm hàng đầu thế giới là Moba ở tại Hà Lan. Chứng kiến dây chuyền công nghệ, chứng kiến việc xử lý trứng hoàn hảo khi việc diệt khuẩn được các nhà chuyên môn thế giới xác nhận lên đến 99,9%, bà Ba Huân mừng như bắt được vàng.

Nhưng rồi nỗi lo lại đến khi biết lấy tiền (30 tỉ đồng) ở đâu mà mua máy, làm xưởng? Ở nhà, khi nghe bà bàn chuyện nhập dây chuyền xử lý trứng, ai cũng lắc đầu bà ra vì “trứng gà, trứng vịt trị giá từng ngàn, lời từng phân, lại thêm cái dịch cúm xảy ra hoài, đầu tư hàng chục tỉ khác nào “lấy trứng chọi đá”, không khéo bỏ công cốc còn ôm thêm của nợ”. Nhưng rồi quyết tâm của Ba Huân đã khiến mọi người xiêu lòng. Có đủ tiền, bà quay lại Hà Lan mua máy.

“Nhìn lá cờ Việt Nam được gắn cùng với cờ các nước tại hãng Moba (khi nước nào mua thiết bị, hãng Moba đều gắn cờ nước đó), tôi rơi lệ vì sung sướng” - “thương gia trứng” Ba Huân nhớ lại.

Ngày những mẻ trứng đầu tiên chạy trên máy được tự động hóa 100%, bà Ba Huân đã lặng người không thể thốt lên lời. Nhớ lại cách làm thủ công trước đây, thật không thể so sánh được. Với quy trình này, người Việt Nam đã có thể sánh cùng các nước phát triển trong việc xử lý trứng gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng chuẩn quốc tế.

Cũng qua việc xử lý trứng theo tiêu chuẩn quốc tế mà vấn đề đầu vào cho nguồn nguyên liệu được đặt ra gắt gao hơn. Đảm bảo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn, Công ty Ba Huân không chỉ ký liên kết với bà con nông dân mà còn liên kết với các cơ sở để thành lập các trang trại chăn nuôi gà, vịt theo mô hình an toàn sinh học...

Trứng gia cầm qua xử lý của Ba Huân hiện đã chiếm gần 50% thị trường TP.Hồ Chí Minh, có mặt tại các siêu thị, chợ, điểm bán lẻ, trong các bếp ăn, nhà hàng, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thực phẩm.

Đặc biệt được sự tin tưởng của người tiêu dùng TP HCM, 3 năm qua, Công ty Ba Huân còn thực hiện việc bình ổn giá, tạo nhịp cầu cân bằng giữa nông dân, người phân phối và người tiêu dùng nên bất kể biến động của thị trường, Ba Huân luôn cam kết chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất. Đến nay, với số vốn điều lệ của công ty đang là 120 tỉ đồng, Công ty Ba Huân đã có thêm một dây chuyền xử lý trứng thứ hai, công suất 120.000 trứng/giờ, gần gấp đôi dây chuyền đầu là 65.000 trứng/giờ.

Ở miền Tây có ông “vua khoai lang”

Ba Hạo (tên thật là Đỗ Quý Hạo) đến với khoai lang và trở thành “vua” thật tình cờ nhưng cũng đầy duyên nợ. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê lúa Thái Bình, năm 1980, trong một chuyến đi tình cờ đến Hòn Đất, thấy đất đai rộng mênh mông, ông đã quyết định về đưa vợ con vào đây lập nghiệp.

Những ngày đầu đến Kiên Giang, vốn liếng không có, gia đình Ba Hạo phải đi làm thuê và mót lúa còn sót trên ruộng để kiếm sống. Bản thân, gia đình vất vả, nhìn ra xung quanh cũng thấy bà con lối xóm chân lấm tay bùn, một nắng hai sương trên đồng ruộng, mà vẫn thiếu trước, hụt sau.

Thương vợ, thương con, thương bản thân mình và bà con lối xóm, nhiều đêm Ba Hạo đã trăn trở suy nghĩ. Cuối cùng, ông đã nghiệm ra một điều rằng mình nghèo là do mình thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh và muốn làm cái gì thì cũng phải học.

“Vua khoai lang” Ba Hạo bên rẫy khoai

Nghĩ là làm, ban ngày đi làm, đêm về Ba Hạo đốt đèn dầu, lấy các sách Toán, Hóa, Sinh phổ thông ra tự học. Sau đó, ông tiếp tục tìm kiếm các loại sách về kỹ thuật nông nghiệp để học hỏi. Và, chính nhờ những ngày lang thang tìm sách đọc mà Ba Hạo đã có duyên nợ với cây khoai lang. Ông cho biết: “Đọc xong quyển sách kỹ thuật thâm canh khoai lang của Giáo sư Lộc, tôi thấy rất mê. Nhưng cũng thấy băn khoăn không biết có làm được không vì vùng đất này bị nhiễm phèn nặng, ít ai trồng khoai lang”.

Nghĩ vậy nhưng Ba Hạo vẫn liều trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha. Và ngay vụ đầu tiên cây khoai lang đã cho kết quả bất ngờ, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Vậy là đã có hướng đi, Ba Hạo lại tìm thêm nhiều sách vở để đọc và sưu tầm thêm các giống khoai mới. Trong đó nhiều loại khoai như khoai Nhật, khoai bí đường xanh, khoai mật, khoai lang nghệ... đều được ông trồng thành công trên vùng đất nhiễm phèn.

Thừa thắng xốc tới, vừa tiếp tục theo đuổi nghiệp đèn sách bằng cách học dự thính ở các trường ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, có khi lại lên tận ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, Ba Hạo vừa bắt tay vào trồng khoai lang theo hướng chuyên nghiệp. Ông mạnh dạn thuê đất mở rộng diện tích và mở hẳn một phòng thí nghiệm ở giữa đồng để nghiên cứu về các loại sâu, bệnh hại khoai lang.

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà các ruộng khoai của Ba Hạo đạt năng suất ngày càng cao. Ông lập hẳn trang web khoailangbahao.com để quảng bá và bán sản phẩm ra nước ngoài. Không dừng lại ở đó, Ba Hạo còn đầu tư mở xưởng cơ khí để vừa sửa chữa vừa chế tạo ra nhiều loại máy chuyên dụng phục vụ trồng khoai lang, giúp tăng năng suất lao động.

Trong đó, đáng chú ý như máy lên luống tự động kết hợp bón phân, công suất 7ha/ngày tương đương với 200 lao động làm thủ công. Ngoài ra, còn có máy phun thuốc, máy làm cỏ kết hợp bón phân, máy đào mương...

Tiếng tăm chất lượng của khoai lang Ba Hạo bay xa, rất nhiều đoàn khách từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến thăm hỏi như: GS.TS.Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ... Và, những ai đã từng được nói chuyện với “vua khoai lang” Ba Hạo sẽ không bao giờ quên câu chuyện “vì yêu khoai lang” của ông.

“Vì yêu khoai lang nên tôi đã tạo dựng vườn sưu tập, gom góp nhiều giống khoai lang trên mọi miền của cả nước được 26 giống về để chăm sóc và tìm hiểu, nghiên cứu. Cũng vì yêu khoai lang mà hàng ngày tôi cập nhật thông tin trên mạng theo dõi ảnh mây vệ tinh, dự đoán thời tiết để chăm sóc khoai tốt hơn. Lo sợ cây bị bệnh, bị sâu phá hại, tôi mua kính hiển vi lập phòng thí nghiệm gia đình để điều trị bệnh cho cây. Muốn trồng được nhiều khoai lang, tôi đã thành lập xưởng cơ khí chế tạo các thiết bị chuyên dùng để sản xuất khoai lang, đã thành lập một thư viện có đến hàng ngàn đầu sách về khoai lang...”, “vua khoai lang” Ba Hạo cho biết.

Như chính khoai lang, ước mơ của “vua khoai lang” Ba Hạo cũng rất đơn giản và chân chất. Đó là được truyền nghề lại cho các em sinh viên ngành Nông học để chắp cánh cho củ khoai lang Việt Nam đi xa hơn. Và cao hơn, một mô hình du lịch nông nghiệp tại trang trại với tên gọi “Vương quốc khoai lang” sẽ ra đời.

Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng sản xuất khoai lang, khu lưu giữ khoai lang giống với hàng trăm loại được sưu tập khắp nơi trên thế giới, được nghiên cứu về sâu bệnh khoai lang và lái thử nghiệm các loại máy canh tác khoai lang tự chế có một không hai. Tối được ngủ trong những ở những ngôi nhà lá kiểu Nam bộ, thưởng thức các món ăn dân dã chế biến từ khoai lang...

Xuân Hoa

Đọc thêm