Người cán bộ tư pháp “gieo” hạt giống niềm vui vào mỗi gia đình

(PLVN) - Hiệp sĩ Công lý – đó là danh hiệu mà Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) bao gồm 17 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bạo hành tình dục tại Việt Nam (GBVnet có tiền thân là DOVIPnet - mạng lưới các tổ chức hoạt động về bạo lực gia đình) vừa vinh danh ông Trần Thanh Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018 - 2019.
Ông Trần Thanh Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên
Ông Trần Thanh Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên

Còn với tôi, người viết bài này, những câu chuyện mà ông kể ở hậu trường lễ vinh danh về hành trình trở thành “chiến binh” trên mặt trận đấu tranh vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thật cảm động và cũng đáng trân trọng xiết bao.

Mong sao “bông hoa” bình yên của xã hội mãi mãi nở

“Tôi có rất nhiều kỷ niệm để kể về những chuyến đi nhằm tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình của mình. Nhưng có hai kỷ niệm mà có lẽ là tôi không bao giờ quên.

Đó là một lần tôi xuống một bản để nói chuyện, tuyên truyền về phòng chống  bạo lực gia đình, thì được biết ở khu vực đó có một nhóm chừng ba, bốn người đàn ông nổi tiếng là thích uống rượu và sau khi đã uống say hay về nhà đánh vợ. Buổi nói chuyện hôm đó cũng có những người đàn ông đó đến nghe và họ tranh luận rất gay gắt với tôi về vấn đề bạo lực gia đình với quan niệm rằng đó là chuyện nhà của họ, không ai có quyền can thiệp.

Buổi nói chuyện kết thúc khi đã khá muộn, đám đàn ông liền kéo nhau đi uống rượu. Thấy thái độ của họ tại buổi nói chuyện, tôi lo lắng rằng họ sẽ tiếp tục đi uống rượu sau đó lại về đánh vợ. Không chỉ tôi mà trong thôn bản mọi người cũng nghĩ thế nên họ cử người đi giám sát. Nhưng sự việc hóa ra không phải vậy, mà nhóm đàn ông đó rủ nhau đi uống rượu để thề ước với nhau là từ nay sẽ không đánh vợ nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm và niềm vui đó cứ theo tôi mãi trên suốt chặng đường truyền thông để phòng chống bạo lực gia đình.

Còn một kỷ niệm khác đã trải qua hơn chục năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Khi ấy, tôi xuống một bản thuộc xã Thanh An, huyện Điện Biên để tuyên truyền, hướng dẫn chị em phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình. Buổi tuyên truyền diễn ra ở nhà một chị phụ nữ và khán giả cũng toàn là chị em. Ai ngờ, người chồng của người phụ nữ chủ nhà ngồi dưới bếp nghe truyền thông thấy hay, liền đi gọi các ông bạn khác đến ngồi nghe và họ cứ ngồi dưới bếp lắng tai nghe thôi, chứ không chịu lên nhà.

Sau đó một thời gian, thông tin đến với cán bộ dự án và tôi là nhóm đàn ông “nghe lén” đó không những tự nhận thức được đánh vợ là xấu mà còn bỏ thời gian đi vận động các đàn ông khác trong thôn bản chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. Đến nay đã hơn chục năm rồi, tôi được biết thôn bản đó vẫn là nơi thanh bình, không có bạo lực gia đình. 

Thấy tôi cứ mê mải với công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới, nhiều người cứ hỏi tôi rằng đàn ông Việt Nam thường rất gia trưởng, ít nhiều trọng nam khinh nữ, kể cả người có học thức. Vậy khi chọn công việc này, tôi đối diện với tư tưởng đó trong chính mình và trong những người đàn ông khác như thế nào, có khó khăn lắm không?

Tôi thì đơn giản nghĩ rằng, mỗi cá nhân đều có quyền bình đẳng như nhau và trong cuộc sống gia đình,  nhìn thấy người thân trong gia đình mình được nói, đươc cười, được vui là mình thấy hạnh phúc. Vậy thì làm thế nào để gia đình mình cảm thấy hạnh phúc thì mình trước hết phải tôn trọng và tạo điều kiện cho cá nhân đó hạnh phúc.

Người thân trong gia đình có niềm vui, hạnh phúc cũng chính là hạnh phúc của bản thân mình, do đó, trong chính gia đình mình tôi cũng cố gắng hết sức để mang lại điều đó. Và tôi cũng nhận thấy rằng trong xã hội, gia đình nào cũng như vậy thì xã hội rất bình yên và vai trò của người phụ nữ và trẻ em được phát huy rất cao. Vì thế, tôi không chỉ thực hiện với riêng gia đình mình mà  còn mong muốn “gieo” hạt giống niềm vui vào mỗi gia đình, để cho “bông hoa” bình yên của  xã hội mãi mãi nở”. 

 
Ông Trần Thanh Hưng trong các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới
Ông Trần Thanh Hưng trong các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới

Bạo lực là sai trong bất cứ hoàn cảnh nào

Được biết, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và vai trò cá nhân là lãnh đạo trong ngành Tư pháp của tỉnh, ông Trần Thanh Hưng đã rất nhiệt tình hỗ trợ các phong trào phòng chống bạo lực giới. 

Đơn cử như tham gia xây dựng tài liệu Quy trình hòa giải các ca bạo lực giới, trong đó đã tích hợp cả các chính sách, quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước có liên quan đến công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới; tổ chức nhiều hội thảo tham vấn ý kiến nhằm hoàn chỉnh các bộ tài liệu về kiến thức, kỹ năng hòa giải trong các ca bạo lực gia đình, bạo lực giới để tập huấn, làm tài liệu cẩm nang nghiệp vụ cho cán bộ hòa giải ở cơ sở; trực tiếp thực hiện 8 lớp tập huấn cho gần 900 lượt thành viên tổ hòa giải về quy trình hòa giải và các kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới để áp dụng trong công tác hòa giải; thường xuyên viết các bài báo nâng cao nhận thức về bạo lực giới và góp phần giảm thiểu bạo lực giới tại Điện Biên…

Nói đến ông Trần Thanh Hưng không thể không nói đến những chuyến công tác  thường xuyên xuống cơ sở thôn bản để trực tiếp tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới và kiểm tra, đánh giá hoạt động và hướng dẫn các tổ hòa giải giải quyết đối với các vụ việc cụ thể phát sinh trên địa bàn.

Không chỉ thế, người cán bộ ngành Tư pháp này còn luôn công khai số điện thoại để sẵn sàng tiếp nhận, tư vấn, can thiệp các trường hợp có yêu cầu liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực giới. Ông cho biết, trung bình hằng tháng ông tiếp nhận và hướng dẫn xử lý, tư vấn hàng chục vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực giới trên địa bàn. Thật không sai khi có người gọi ông là “tổng đài bạo lực giới”. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng điều gì đã khiến ông trở thành “chiến binh” trên mặt trận đấu tranh vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và trở thành “tổng đài bạo lực giới” là chỗ dựa cho nhiều người, ông Trần Thanh Hưng cho biết: “Người Việt chúng ta từ nghìn đời nay có truyền thống tương thân, tương ái, “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”. Do đó, khi chứng kiến bất kỳ hành vi bạo lực nào trong xã hội, tôi cũng như nhiều người khác mong muốn xóa bỏ, làm sao cho mỗi cá nhân đều luôn tìm được sự bình an trong cuộc sống. 

Bạo lực là sai trong bất cứ hoàn cảnh nào, nguyên nhân nào và đặc biệt bạo lực giới cần được quan tâm và giải quyết bởi các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng, nạn nhân của bạo lực giới luôn cần được bảo vệ, không bị đổ lỗi. Vì vậy, trong quá trình sinh sống, lao động học tập, tôi luôn nỗ lực bằng trách nhiệm được giao, bằng cố gắng của bản thân mình, thực hiện tất cả hoạt động cần thiết nhất, cùng với cá nhân khác góp phần phòng chống bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực trong xã hội nói riêng. Đến bây giờ tôi vẫn luôn cố gắng như vậy và sẽ mãi mãi là như vậy”. 

Vĩ thanh

Sống ở trên đời, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng xắn tay, bỏ sức, thậm chí quên mình để mang lại những điều tốt đẹp đó cho mọi người. Nhưng với người cán bộ tư pháp Trần Thanh Hưng thì không phải như vậy. Ông luôn xác định hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực giới là một phần trong công việc và gắn với trách nhiệm tư vấn pháp lý của các cán bộ tư pháp từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Vì thế, ông luôn tìm kiếm các cơ hội góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em tại tỉnh cũng như giám sát, đôn đốc các phòng ban, các cấp thuộc ngành dọc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. 

Có một chân lý rằng, để cuộc sống được tốt đẹp hơn, mọi thứ rồi sẽ tiếp tục được hoàn thiện, kể cả những điều tưởng như vĩnh hằng như pháp luật, như nền tảng đạo đức xã hội, chỉ miễn sao mỗi chúng ta không dừng lại và tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết để đi tiếp chặng đường…

Đọc thêm