Người đàn bà bước ra từ bóng tối

Cái tên Tâm “si- đa” không mang nghĩa xấu, không nhằm gọi chị như một con bệnh HIV. Tâm “si- đa” xuất phát từ một lần đi tuyên truyền hậu quả của HIV và phát bao cao su miễn phí cho chị em gái bán hoa ở công viên Tao Đàn, rồi gắn luôn với chị từ đó. Định mệnh của chị cũng là định mệnh của cái tên ấy, bước đến với ánh sáng, chị đến với những con người dưới đáy xã hội, những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, đau đớn, vật vã và bị ghẻ lạnh…

Cái tên Tâm “si- đa” không mang nghĩa xấu, không nhằm gọi chị như một con bệnh HIV. Tâm “si- đa” xuất phát từ một lần đi tuyên truyền hậu quả của HIV và phát bao cao su miễn phí cho chị em gái bán hoa ở công viên Tao Đàn, rồi gắn luôn với chị từ đó. Định mệnh của chị cũng là định mệnh của cái tên ấy, bước đến với ánh sáng, chị đến với những con người dưới đáy xã hội, những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, đau đớn, vật vã và bị ghẻ lạnh…

Bìa cuốn hồi ký
Bìa cuốn hồi ký

Đời tưởng đã bỏ đi

“Tôi từng nghĩ mình không phải con người”- Trương Thị Hồng Tâm, vẫn thường được gọi là “Tâm Si- đa” đã nói về mình như vậy. Chị từng nghĩ thế, và với nhiều người, chị cũng không phải là người. Chỉ là một con nghiện vất vưởng đầu đường xó chợ. Để thỏa mãn cơn nghiện có thể làm bất cứ điều gì: trộm cắp, ăn xin, bán dâm…

Bất hạnh của đời Tâm gắn liền với hoàn cảnh lịch sử: sinh ra trong một gia đình cha lính ngụy, máu ăn chơi đàng điếm đã khiến người cha này liên tục lập thêm cho mình những gia đình nhỏ, những đứa con liên tiếp được ra đời. Đời Tâm từ nhỏ đã chứng kiến những cùng cực, khi cha mẹ giận bỏ nhau, bỏ mặc bốn chị em còn bé tí, phải lê la ăn cắp cơm về cho các em ăn. Rồi đói khát, ghẻ lở suốt cả tháng trời, khiến đứa em nhỏ chết vì suy kiệt.

Trôi dạt từ tay người mẹ ghẻ này đến mẹ ghẻ khác. Khát khao mái ấm, luôn mơ về ngôi nhà có cha mẹ, được yêu thương, nhưng thực tế mà Tâm đối mặt luôn là cảnh bị ruồng rẫy, bỏ rơi, bỏ đói, đánh đập, bóc lột lao động, lạm dụng tình dục, bị chứng kiến sự dối lừa ti tiện của các bậc người lớn… Hận đời, Tâm tìm đến các thú ăn chơi, dấn sâu vào ma túy như một lẽ đương nhiên. Đời giày vò. Ma túy giày vò đến mức phải trộm cướp, bán trinh, tủi nhục ê chề…

Năm 2004, Tâm bắt tay vào viết hồi kí đời mình từ sự động viên, khuyến khích của một người bạn Đức mang tên Petra, làm việc tại Ủy ban phòng chống AISD TP.Hồ Chí Minh. Thông qua quyển sách, Tâm chia sẻ: “Tôi không đơn giản nghĩ rằng viết là để có tiền giúp các con, mà thông qua những con chữ chân tình này, tôi hy vọng có thể giúp ai đó tránh được những va vấp như tôi trước đây”. Chị đã có “các con” và cuộc đời đáng để viết thành sách. Vậy thì, gần 20 năm, từ những ngày nghiện ngập, sa đọa cho đến lúc bắt tay vào hồi kí, Tâm đã làm những gì, cuộc đời đã thay đổi theo hướng nào?

Tràn nước mắt nhưng cũng vạn yêu thương

Năm 1992, bước ngoặt của đời Tâm đã đến, khi đang lang thang chờ khách, chị được một nhóm tuyên truyền phòng chống HIV trên địa bàn quận 1 kiên trì đeo bám, thuyết phục chị cai nghiện, làm lại cuộc đời. Có thể nói đó là ánh sáng của số phận, có thể nói Tâm gặp may. Nhưng, ý chí, lòng hướng thiện trong con người Tâm mới chính là cái giúp chị ra khỏi bóng tối, đem lại cho cuộc sống chị nhiều ý nghĩa mới.

Cuốn hồi kí đưa người ta về với những ngày tháng đó của Tâm, những lời can của “đồng nghiệp”: “Dù mày có làm bao nhiêu việc từ thiện đi nữa thì xã hội vẫn gọi mày là con đĩ”, cho đến những giọt nước mắt rơi trên những đồng lương tuyên truyền viên lần đầu nhận. Rồi Tâm được làm mẹ. Con Tâm là những đứa trẻ cơ nhỡ, mồ côi, trẻ HIV bị ruồng rẫy… Cứ thế, cuốn hồi kí tái hiện cuộc đời sóng gió của Tâm, qua những khúc ngặt nghèo và tăm tối lại đến ánh sáng và tình thương ấm áp. Có giọt nước mắt nóng hổi rơi trên những phận người.

Đến nay, Tâm vẫn miệt mài với những con bệnh giai đoạn cuối, với đàn con. Công việc xoáy lấy Tâm, vất vả, lo toan không ngớt. Nhật kí đời Tâm ngày một dày thêm. Tâm không nhà, quá khứ tăm tối, nên khó lòng làm cho mình một chứng minh nhân dân, nói gì đến hộ khẩu. Nghĩa là Tâm không có quyền công dân? Nhưng điều mà Tâm làm được, vượt xa hơn nghĩa vụ mà một công dân có thể làm với xã hội của mình. Cuốn hồi kí của Tâm vì thế còn được gọi là “Hồi kí của một người không hộ khẩu,không chứng minh nhân dân”.

Một người bạn lâu năm, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nói về Tâm: “Tôi biết Tâm từ những lớp huấn luyện về HIV/ AISD do Trung tâm truyền thông- giáo dục sức khỏe TPHCM tổ chức. Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực… Khi có những ưu tư, thất vọng, nản lòng, lại thấy Tâm… gõ cửa. Có khi Tâm hớt hải xin một cái giấy giới thiệu, một lá thư tay để kịp đưa một đứa bé vào bệnh viện, có khi Tâm kêu cho ít tiền để mua vé xe đò cho một bé gái thoát khỏi ổ mại dâm…NXB muốn tôi viết đôi dòng để giới thiệu tập hồi kí này, tôi thấy chỉ cần nói một câu: Cảm ơn em, Tâm “si- đa”!”.

Ngọc Mai