Tiếp xúc với đối tượng Nguyễn Vũ Thùy Trang (34 tuổi, thường trú 461 đường Song Hành, Khu phố 6, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh) tại trại tạm giam công an quận, nghe Trang tâm sự về những thủ đoạn lừa đảo không thiếu một ai chỉ để kiếm tiền đánh bạc, người ta chỉ biết lắc đầu thở dài với nhận xét: "trơ trẽn".
Đối tượng Trang |
Những thủ đoạn “hết thuốc chữa”
Sinh ra trong một gia đình cũng thuộc loại có “của ăn của để” nên từ nhỏ Trang cũng như sáu anh chị em trong nhà đều được cha mẹ quan tâm chăm sóc cho ăn học đến nơi đến chốn. Trong khi ai cũng cố gắng học tập và kiếm được công việc làm ổn định thì Trang lại thích ăn chơi đua đòi ngay từ nhỏ, sớm nghỉ học để sống dựa dẫm vào gia đình.
Biết con gái hư nhưng cha mẹ cô bất lực đứng nhìn vì mọi lời khuyên can la rầy với Trang đều như “nước đổ đầu vịt”. Mà Trang cũng “bận rộn”, “thoắt ẩn thoắt hiện” trong nhà. Giờ giấc của Trang thì “thiên biến vạn hóa”, lúc buồn đi tới bữa cơm lại về, hôm vui đi thâu đêm suốt sáng, đây cũng là thời gian cô thử vận may và mấy trò đen đỏ rồi “say” luôn lúc nào không hay.
Những năm tháng chưa chồng, không ít lần Trang trộm tiền cha mẹ, lấy đồ trong nhà đi cầm cố để nướng vào sòng bạc. Năm 2000 cha mẹ cô thở phào nhẹ nhõm khi con gái quyết định lên xe hoa với hy vọng con sẽ thay đổi khi làm dâu nhà người. Tuy nhiên, niềm hy vọng đó chẳng kéo dài được bao lâu bởi vai trò “dâu thảo con ngoan” không phải là tính cách của kiều nữ mê bài bạc này.
Chỉ hơn một năm “án binh bất động”, Trang đã thấy trong người bứt rứt khó chịu nên quyết định quay lại “sân chơi” cũ. Mới đầu cô dùng tiền bạc dành dụm của vợ chồng đi đánh, sau bán hết nữ trang và cầm luôn tài sản trong nhà. Khi tất cả tài sản của họ “đội nón ra đi”, cô quay sang trộm tiền gia đình, lúc đầu lấy tiền chồng, sau trộm luôn tiền cha mẹ anh chị đôi bên, hễ thấy ai sơ hở là ra tay “thó” ngay.
Trang mê cờ bạc đến mức khi đứa con đầu lòng mới được bốn tháng tuổi, Trang cũng ôm tiền đi đánh bài ba bốn ngày mới về để mặc đứa con gào khóc vì đói sữa. Về phía gia đình nhà chồng, lúc đầu mới phát hiện con dâu có tính bài bạc thì hết lời khuyên can nhưng đâu vẫn vào đấy, hôm nay Trang hứa sẽ từ bỏ nhưng hôm sau lại ôm tiền đi đánh mấy ngày là chuyện thường.
Phải “sống chung với… trộm” nên mọi người trong gia đình chồng đều cảnh giác cao độ, không chỉ tiền bạc được giấu kỹ càng mà ngay cả xe cộ cũng không dám cho Trang mượn đi vì sợ cô mang đi cầm cố. Biết không thể cảm hoá được Trang, nhiều lần anh chồng nhất quyết đòi ly dị vợ.
Nói về việc này, chị chồng Trang tâm sự: “Từ lúc về làm dâu Trang chưa một lần nấu cơm cho cha mẹ ăn nhưng lại liên tục trộm tiền và xe đi cầm cố, đã rất nhiều lần cha mẹ tôi và cha mẹ Trang phải kiếm tiền đi chuộc xe chuộc đồ về nhưng nói nó không nghe. Năm nào nó cũng làm được mấy lần dù cả nhà đã rất cảnh giác”.
Cha chồng Trang nói tiếp: “Cứ tưởng siết chặt như vậy mọi chuyện sẽ ổn, ai ngờ một hôm có mấy người đến đưa sổ hộ khẩu gia đình tôi đến bảo Trang cầm nó để thuê xe nhưng mãi không trả xe cho họ, tới lúc này chúng tôi mới biết thì ra sổ hộ khẩu gia đình không phải mất mà bị nó lấy đi cầm”.
Sau nhiều năm chịu đựng cô vợ cờ bạc, anh chồng nhất quyết đòi ly dị nhưng Trang nhất quyết không chịu ký vào đơn. Người chồng sau khi đơn phương gửi đơn ra tòa thì bỏ nhà đi biệt xứ. Tưởng như vậy Trang sẽ tỉnh ngộ nhưng không phải vậy, từ ngày chồng bỏ đi cô cũng ít khi ở nhà và hơn hai năm sau thì ra ngoài ở hẳn.
Thỉnh thoảng cô mới về nhà thăm hai con nhỏ, nhưng lần nào Trang viếng thăm là y như rằng lần đó gia đình chồng thêm khốn khổ vì mất tài sản: Khi thì dụ đứa cháu lấy đi sợi dây chuyền hơn chỉ vàng đem bán, lúc lại lợi dụng bố đang tập thể dục buổi sáng trộm xe đi cầm… do vậy sau này hễ thấy cô về ai nấy đều đi theo canh chừng.
Không thể trộm đồ thì Trang bắt nhà chồng phải kê khai tài sản để chia phần, nhưng yêu cầu cô không được chấp nhận vì từ trước tới nay vợ chồng Trang vẫn "ở ké", ăn bám cha mẹ chồng. Vừa bực con dâu, lại tránh bị mất cắp nên nhà chồng cấm cửa không cho Trang bước chân vào nhà.
Không lừa được người nhà, cô lừa người ngoài, lợi dụng danh nghĩa phụ huynh để mượn tiền cô giáo, phụ huynh lớp con mình... Đến cả tiền học của các con, Trang cũng “canh me” khi ông bà vừa đóng xong thì đến rút về, nói dối giáo viên là: “Tháng này các cháu sẽ nghỉ học”.
Trộm tiền người tình, đục két cha mẹ
Dù Trang không ở nhà chồng đã hai năm nay nhưng người đòi nợ vẫn liên lục đến gõ cửa làm phiền, “nhiều phụ huynh còn yêu cầu giáo viên phải thông báo trước lớp để cảnh báo mọi người tránh bị nó lừa tiền” như lời cha chồng thuật lại. Trang càng lao sâu và con đường tội lỗi.
Ngày 3/3/2012, Trang cùng Phan Đình Dự (SN 1985, ngụ huyện Krong Năng, Đăk Lăk) vào khách sạn trên địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) thuê phòng ngủ. Lợi dụng lúc người tình mới quen gần nửa năm ngủ say, Trang lấy cắp hơn 106 triệu đồng bỏ trốn. Sự việc được nạn nhân báo lên công an Dĩ An và Trang bị bắt ngay sau đó. Tuy nhiên, do Trang khi đó có bầu nên được gia đình bảo lãnh, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm ra khỏi nơi cư trú.
Trong thời gian không được ra khỏi khu vực mình lưu trú, máu mê cờ bạc khiến Trang càng bứt rứt khó chịu, lại tìm cách kiếm tiền đi đánh bạc và trả nợ cho người tình. Lần này mục tiêu của ả chính là két sắt của gia đình. Trưa 28/3, lợi dụng lúc cha mình cùng gia đình đi ăn tiệc, chỉ có một mình ở nhà nên Trang gọi điện cho người tình đến cùng trộm két sắt nhưng anh chàng sợ không dám đến.
Không bỏ cuộc, một mình Trang kéo két sắt ra, lấy bịch ni - lon đen trùm kín, thuê người khiêng ra xe chở thẳng tới công ty của người tình. Dù biết két sắt trên do Trang ăn trộm mà có nhưng Dự và 5 người khác trong công ty đã không ngăn cản, còn giúp sức phá két sắt lấy tiền.
Do trong két chỉ có hơn 85 triệu đồng nên Trang gán thêm hai chiếc nhẫn bốn phân vàng để trừ nợ. Trả xong nợ, Trang bắt xe ra khu vực Hàng Xanh bán số vàng còn lại được hơn 80 triệu rồi thuê xe lên cửa khẩu Mộc Bài (Long An) qua Campuchia đánh bài.
Sau khi đi ăn về phát hiện két sắt bị mất nhưng không thấy con đâu nên người cha lên công an trình báo. Trong lúc cảnh sát đang thụ lý hồ sơ thì chiều 29/3, sau khi thua cháy túi Trang bắt xe trở về Thủ Đức và bị mời về làm việc. Tang vật thu hồi được chỉ còn lại hai giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, một hộ khẩu và hai biên nhận cầm đồ. Trang khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình, liên quan đến vụ việc này cảnh sát đã mời thêm 6 người liên quan lên trụ sở lấy lời khai, làm rõ.
Điều làm phóng viên Pháp luật & Thời đại bất ngờ là Trang không tỏ ra hối hận về những việc mình đã làm mà thản nhiên “đó là cái giá em phải trả”. Hy vọng những ngày tháng sau này Trang sẽ ý thức được tất cả việc làm của mình mà sửa đổi để không làm phiền lòng cha mẹ, không là nỗi tủi hổ cho con cái, không là một “mầm bệnh cờ bạc” của xã hội.
Bảo Hằng