Người dân được cảnh báo về ô nhiễm không khí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ở nhiều thời điểm, ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, TP Thái Nguyên,… đều ở mức báo động. Vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng có các biện pháp căn cơ để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, “nâng hạng” chất lượng không khí.
Chất lượng không khí tại các đô thị những năm gần đây thường ở mức báo động. (Ảnh minh họa)
Chất lượng không khí tại các đô thị những năm gần đây thường ở mức báo động. (Ảnh minh họa)

Báo động ô nhiễm không khí tại đô thị

Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành một hướng dẫn mới, trong đó khuyến cáo nồng độ bụi mịn trong không khí PM2.5 trung bình hàng năm không được vượt quá 5 microgam/mét khối, nhằm hạn chế những rủi ro lớn về sức khỏe cho người dân.

Tại Việt Nam, năm 2021, chất lượng không khí chỉ đạt mức trung bình, xếp thứ 36 trên 118 quốc gia về ô nhiễm không khí. Ước tính, nồng độ PM2.5 trong không khí tại Việt Nam hiện cao gấp 4.9 lần giá trị theo hướng dẫn của WHO. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP Hà Nội thường xuyên được công bố ở mức không lành mạnh.

Sở dĩ các đô thị Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, cần có sự kiểm soát đặc biệt về chất lượng không khí bởi tình hình ô nhiễm có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian trong những năm gần đây.

Theo một phân tích của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; xây dựng; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong; ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu... Bên cạnh đó, không gian xanh, mặt nước trong đô thị thường hạn chế hơn so với các vùng nông thôn, rừng núi.

Để cung cấp giải pháp căn cơ cho vấn đề nhức nhối này, Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định 891/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Trong đó nêu rõ sáu nội dung chính sẽ triển khai ngay từ bây giờ và hoàn thiện cho đến năm 2025.

Kịp thời cảnh báo người dân

Đáng chú ý, trong những nhiệm vụ quan trọng cải thiện chất lượng không khí, việc thông tin kịp thời đến người dân sẽ góp phần chủ động giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là một nội dung trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, áp dụng từ 2022.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới, trách nhiệm chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Trong Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ thông tin đến cho cộng đồng mở rộng thành ba nội dung chính: công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp hàng năm với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động cung cấp, công bố, cảnh báo thông tin chất lượng môi trường không khí. Các trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trong cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, để cải thiện chất lượng không khí của các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là những đô thị lớn, điều kiện cần chính là xác định những giải pháp căn cơ, tăng cường khắc phục các tồn tại, hạn chế, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải...

Nhưng điều kiện đủ chính là sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, công cuộc “nâng hạng” chất lượng không khí nơi sống của chính chúng ta cũng chính là cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, việc thông suốt thông tin giữa các bên chính là cầu nối quan trọng để triển khai thành công các giải pháp.

Trong khi các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn; các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu phát thải thì người dân cũng cần tự cập nhật thông tin và chủ động các giải pháp bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Đọc thêm