Người dân được giám sát cảnh sát giao thông như thế nào?

(PLVN) - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó có những việc nhân dân giám sát lực lượng công an nhân dân (CAND) trong công tác bảo đảm TTATGT.  
Ảnh minh họa

Theo dự thảo Thông tư, thực hiện dân chủ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm TTATGT theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát theo quy định của pháp luật.

Những việc phải công khai trong công tác bảo đảm TTATGT 

Một trong những nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT là xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở, chống người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo quy định những nội dung phải công khai trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, công tác đăng ký, cấp biển số xe, công tác chỉ huy, điều khiển giao thông và công tác giải quyết tai nạn giao thông.

Theo đó, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong đảm bảo TTATGT, những nội dung phải công khai bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ CAND); Các trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính; Tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính; Tuyến đường, địa bàn, đối tượng và hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Trang phục và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ theo quy định;  Nhiệm vụ, quyền hạn của CAND khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; Quyền và nghĩa vụ của công dân khi CAND thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; Đăng Công báo; Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; Panô, áp phích; Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng CAND theo quy định của pháp luật; Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan Công an có trách nhiệm công khai theo quy định.

Người dân tham gia, giám sát những gì?

Theo Dự thảo Thông tư này, nhân dân có trách nhiệm tham gia vào hoạt động bảo đảm TTATGT của CAND. Cụ thể, nhân dân có trách nhiệm tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, tham gia cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông và bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Nhân dân có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp xâm phạm TTATGT, đồng thời thông báo các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất độc, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh CAND, chống lại CAND khi làm nhiệm vụ và các hành vi khác vi phạm TTATGT. Đồng thời, người dân có trách nhiệm giúp đỡ, ủng hộ CAND khi làm nhiệm vụ.

Những việc nhân dân giám sát CAND trong công tác bảo đảm TTATGT bao gồm: tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm TTATGT, chấp hành Điều lệnh, thái độ, tác phong của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ và giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật. 

Căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung giám sát, các cơ quan, đơn vị, cá nhân áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức: Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng;  Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với CAND; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đọc thêm