Người đàn ông miền Tây tự bỏ tiền túi nuôi chục tấn cá sông

(PLVN) - Một người đàn ông ở xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, tự nguyện bỏ tiền túi để nuôi đàn cá sông tự nhiên tìm đến sinh sống trước nhà mình. Dù không ít lời dèm pha, nhưng ông vẫn cương quyết bảo vệ và chăm sóc chúng.

Đó là câu chuyện về ông Trần Minh Vẹn (SN 1983), người đã tâm huyết chăm sóc đàn cá sông tự nhiên suốt hơn 7 tháng qua trên sông Trà Ôn mà không biết khi nào chúng sẽ bỏ đi.

Theo lời kể của ông Vẹn, khoảng cuối tháng 6/2024, ông thấy một đàn cá tự nhiên (chủ yếu là cá tra, cá mè vinh và một số loài cá nước ngọt khác) xuất hiện tại bến sông trước nhà.

Ban đầu, ông cũng không để ý nhiều, nhưng sau một thời gian quan sát, ông nhận ra rằng đàn cá này không chỉ tạm thời dừng chân mà còn chọn khu vực này làm nơi sinh sống. Ông suy đoán có thể do nơi đây có nguồn nước trong lành, ít bị tác động bởi việc khai thác như các khu vực khác.

Đàn cá đông nghẹt trước bến sông nhà ông Vẹn.

Nhận thấy điều đặc biệt này, thay vì đánh bắt như nhiều người khác có thể làm, ông Vẹn quyết nuôi dưỡng đàn cá như “thú cưng”, tạo niềm vui tiêu khiển sau bao công việc bộn bề. Từ quyết định đó, ông bắt đầu dùng tiền túi để mua thức ăn nuôi đàn cá. Mỗi ngày, ông dành thời gian cho cá ăn hai lần vào buổi sáng và chiều. Dần dần, đàn cá trở nên quen thuộc với sự hiện diện của ông, mỗi khi thấy ông xuất hiện gần bến sông, chúng lại kéo đến chờ đợi.

“Ban đầu tôi vừa cảm thấy lạ vừa thấy vui, vì không biết đàn cá từ đâu đến rồi “ăn nhờ, ở đậu” trước bến sông nhà mình. Sau thời gian gắn bó, vô hình đàn cá và tôi như rất thân. Tôi có thể bắt chúng lên khỏi mặt nước mà vẫn không bỏ đi”, ông Vẹn nói.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thức ăn, ông Vẹn còn cắm cọc xung quanh khu vực mặt nước ngay trước nhà để bảo vệ đàn cá khỏi nguy cơ bị đánh bắt trái phép (dùng xung điện). Ông cũng thả lục bình để tạo môi trường trú ngụ tự nhiên, giúp đàn cá có nơi ẩn nấp và sinh sản. Ngoài ra, ông còn lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm, nhằm hạn chế tình trạng săn bắt trộm.

Ông Vẹn còn cắm cọc xung quanh, lắp đèn điện trước bến sông nhà nhằm để bảo vệ đàn cá.

Ban đầu, khi thấy ông Vẹn bỏ tiền túi ra nuôi cá mà không hề có ý định đánh bắt hay bán đi, nhiều người không khỏi thắc mắc. Có người cho rằng ông làm việc vô ích, số khác nghĩ rằng đàn cá sông không thể sống lâu nếu không có sự kiểm soát như trong ao nuôi. Tuy nhiên thời gian đã chứng minh điều ngược lại, nhờ sự chăm sóc kiên trì của ông, đàn cá ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Những người dân sống quanh khu vực bắt đầu nhận thấy sự thay đổi khi số lượng đàn cá tự nhiên tăng lên đáng kể, đồng thời còn bày tỏ sự ủng hộ. Một số người còn tự nguyện đóng góp thức ăn hoặc phụ giúp ông chăm sóc đàn cá. Lâu dần, nhiều người hiếu kỳ tìm đến ông và ngỏ ý hỗ trợ chi phí chăm sóc đàn cá. Tuy nhiên ông Vẹn đều từ chối.

Nói về hành động của mình, ông Trần Minh Vẹn khiêm tốn chia sẻ: "Tôi coi việc chăm sóc đàn cá không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân mà còn giúp bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản cho thế hệ sau. Tôi chỉ hy vọng mọi người biết và quan tâm đến thiên nhiên và môi trường, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực”.

Nhờ việc làm của ông Vẹn, đàn cá sông không chỉ được bảo vệ mà còn sinh sản, tạo ra nguồn cá tự nhiên dồi dào hơn. Điều này góp phần duy trì hệ sinh thái nước ngọt tại địa phương, hạn chế sự suy giảm của các loài cá bản địa. Bên cạnh đó, việc ông bảo vệ đàn cá còn giúp nâng cao ý thức của cộng đồng về việc khai thác bền vững. Được biết, trước đây không ít người trong vùng vẫn sử dụng các phương pháp đánh bắt tận diệt. Nhưng khi thấy đàn cá của ông Vẹn được bảo vệ và sinh trưởng mạnh mẽ, nhiều người đồng tình và cho rằng việc khai thác bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây hại lâu dài cho chính họ.

Theo ông Vẹn, hiện nay số lượng đàn cá khoảng hơn 10 tấn, chủ yếu là cá tra, cá he, cá mè vinh,…

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, bà Lê Thị Trúc Linh – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn đánh giá cao việc làm của ông Vẹn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là một điển hình cho sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giúp bảo vệ hệ sinh thái, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên thủy sản đang ngày càng cạn kiệt.

“Bên cạnh việc làm của ông Vẹn, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân không đánh bắt bằng các phương pháp tận diệt như dùng xung điện, cào lưới nhằm duy trì nguồn lợi thủy sản”, bà Linh cho biết.

Câu chuyện của ông Trần Minh Vẹn tự bỏ tiền túi nuôi cá sông không chỉ vì giải trí đơn thuần, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn loài cá đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL. Qua đó cho thấy ngày càng có nhiều sự chung tay thể hiện trách nhiệm với môi trường từ đó có tác động lớn đến cộng đồng.

Đọc thêm