Người đứng đầu sẽ được toàn quyền trong sắp xếp biên chế

(PLVN) - Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, sau khi Bộ Chính trị ban hành quyết định biên chế cho từng nơi thì người đứng đầu sẽ toàn quyền trong việc sắp xếp biên chế.
Bà Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.
Bà Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Ngày 13/1, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, trực tuyến với 65 điểm cầu trong cả nước.

Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết một số chủ trương quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng như luân chuyển cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 và một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18; lấy phiếu tín nhiệm trong đảng...

“Đặc biệt, Bộ Chính trị lần đầu tiên sẽ xem xét, quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị trong giai đoạn 2022-2026 và quy định về quản lý biên chế. Vừa rồi, chúng tôi đã báo cáo việc tổng kết Kết luận 39; việc tổng biên chế của từng cơ quan, chúng ta sẽ thảo luận rất kỹ, có giảm nữa hay không thì tiếp tục thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay.

Bộ Chính trị sẽ ban hành quy chế, quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Quy chế sẽ tập trung vào việc phân cấp, phân quyền gắn với nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

“Vấn đề biên chế cũng là vấn đề rất hệ trọng và dự kiến thời điểm trong quý 1 năm 2022. Sau khi Bộ Chính trị ban hành quyết định biên chế cho từng nơi thì người đứng đầu sẽ toàn quyền trong việc sắp xếp biên chế”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ.

Tính đến thời điểm 30/6/2021, cả hệ thống chính trị có hơn 2,8 triệu biên chế, giảm hơn 762.800 biên chế (tương đương 20,9%) so với thời điểm 30/4/2015.

Thực hiện việc rà soát, sàng lọc đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 02 của Ban Tổ chức Trung ương, đến nay có hơn 13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng thông qua hình thức khai trừ hoặc xóa tên.

Đọc thêm