Người ghi nhật ký chiến trường bằng tranh

“Vừa rồi có mấy người khách nước ngoài tìm đến, gạ tôi bán bộ ảnh ký họa vẽ ở Trường Sơn, nhưng tôi không bán. Bán đi là hết, là mất đồng đội. Người ta sống không phải chỉ cần có tiền, mà cần cả tinh thần nữa” - họa sĩ Đức Dụ, người nhiều năm gắn bó với chiến trường, tâm sự như vậy khi tôi đến thăm ông ở làng Ngọc Hà…
 

“Vừa rồi có mấy người khách nước ngoài tìm đến, gạ tôi bán bộ ảnh ký họa vẽ ở Trường Sơn, nhưng tôi không bán. Bán đi là hết, là mất đồng đội. Người ta sống không phải chỉ cần có tiền, mà cần cả tinh thần nữa”, họa sĩ Đức Dụ, người nhiều năm gắn bó với chiến trường, tâm sự như vậy khi tôi đến thăm ông ở làng Ngọc Hà…
 
Nhớ về đồng đội

Họa sĩ Đức Dụ sinh năm 1946, tại Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương, vốn hồi nhỏ rất đam mê vẽ. Cậu vẽ tất cả những gì mình nhìn thấy ở ngoài đời với con mắt của trẻ thơ, từ cánh đồng, ruộng lúa, con trâu, mặt trời, cánh cò… tức là tất cả những gì gần gũi nhất. Ngày đó, tuy mơ ước không rõ dệt, nhưng Đức Dụ mong muốn sau này mình gắn bó với hội họa, để lưu giữ lại những khoảnh khắc, những cái đẹp cho đời.

gétg
Đức Dụ ở chiến trường

Năm 1973, Đức Dụ về học trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, sau 8 năm âm thầm làm nhiệm vụ ký họa Đường Trường Sơn, vẽ tranh, gia tài của Đức Dụ đã lên đến 400 bức -một tài sản quý giá, đáng trân trọng mà sau này ông đã có nhiều cuộc triển lãm.

Năm 1978, ông tốt nghiệp và về công tác ở Bảo tàng Hậu cần, tiếp tục vẽ tranh và vào Hội Mỹ thuật năm 1980. Dù chiến tranh đã qua đi, đường Hồ Chí Minh huyền thoại còn đó, rừng Trường Sơn máu lửa còn đó, những chiến công và sự hy sinh anh dũng vẫn còn đó thì những bức tranh của một thời, ghi lại những khoảnh khắc, những sự kiện là những minh chứng tuyệt vời.

Những bức tranh đó sẽ theo Đức Dụ đến hết cuộc đời như lời ông nói. Hòa bình lập lại, đất nước im tiếng súng. Người họa sĩ chiến trường nhiều lần trở lại chiến trường xưa, nhưng phong cảnh đã khác, một số cung đường đã khác. Đi đường của hôm nay mà Đức Dụ ngơ ngác tìm đường của ngày xưa, và những phút trầm lắng, ông như nghe thấy tiếng đồng đội xung trận, tiếng hò reo của các chiến sĩ mở đường.

Đức Dụ có 10 cuộc triển lãm, trong đó, có tới 8 triển lãm tranh về Trường Sơn với những bức vẽ về chiến trường ám mùi thuốc súng, mùi khét lẹt của những khu rừng nhiệt đới cháy trụi đen đúa bởi chất độc hoá học của kẻ thù trải xuống.

Tranh của Đức Dụ thu hút sự chú ý của nhiều người yêu tranh trong và ngoài nước, nhất là các cựu chiến binh. Họ đứng lặng trước những bức họa sinh động của ông như gặp lại hình ảnh của quá khứ hào hùng: Cua chữ A, Bắn máy bay, Đội điều trị binh trạm 33 (1969), Bốc hàng trong chiến dịch, Tổ trực chiến trên cao điểm Suối Trăng (1971), Trọng điểm Tha Mé…

Trong một triển lãm, có bà mẹ đứng trước bức Cua chữ A, khóc mà nói rằng: “Con trai tôi đã hy sinh ở đây..”, bà vừa nói vừa sờ vào tranh, làm rất nhiều người có mặt tại phòng tranh hôm đó xúc động.

Triển lãm tranh về Trường Sơn, Đức Dụ muốn thể hiện nỗi nhớ về đồng đội và giúp những cựu chiến binh tìm lại thời của mình. Ông thấy mình là người đã viết nhật ký chiến trường bằng tranh, thì phải công bố nhật ký cho đồng đội biết…

Người ghi nhật ký bằng tranh

Chuyện mấy khách nước ngoài đến gạ mua tranh nhưng Đức Dụ không bán những tưởng chỉ vài anh em họa sĩ biết, nào ngờ lại đến tai Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông gọi cho Đức Dụ hỏi: “Chú định bán đồng đội hả?”. Đức Dụ thót tim, thưa lại vị thủ trưởng cũ: “Không, em đâu dám bán. Họ trả giá cao lắm nhưng em dại gì”.

ftugyiu

Họa sĩ Đức Dụ

Lúc đó, vị Trung tướng mới thở phào. Kỷ niệm vui đó, người họa sĩ của chiến trường xưa luôn nhắc đến như để khẳng định thêm hành động từ chối bán tranh của mình là vô cùng hợp lý. Cũng vì điều này mà đồng đội ông càng quý mến, càng cảm thông với ông hơn.

Nhắc đến hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ là người ta nhắc đến 400 bức ký họa về Trường Sơn mà không phải ai cũng có. Đức Dục tự tin nói rằng, với số lượng nhiều như vậy, đảm bảo không họa sĩ nào có được vì gần mười năm ông trực tiếp vẽ trong chiến trường, nơi bom đạn ác liệt, còn nhiều họa sĩ khác chỉ ghé qua: “Nhắc đến chiến trường Trường Sơn là người ta hình dung ra máu lửa, chết chóc, bom đạn. Tôi và những người đồng đội chỉ cần nhìn lại những bức tranh này là hình dung ra nó được vẽ ở đâu, về vùng đất nào và quang cảnh khi đó của nó. Thực sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi may mắn có được”.

Năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, những người tuổi trẻ như Đức Dục hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông trở thành người lính mở đường Trường Sơn ở miền Tây Thừa Thiên. Thấy Đức Dụ say mê vẽ về những sự kiện quan sát được ở tuyến đường, Cục Chính trị tuyến đường Trường Sơn tạo điều kiện để ông đi vẽ phục vụ công tác tuyên truyền và cũng từ đó, mọi nẻo đường Trường Sơn đều trở nên thân thuộc với ông.

Tuy chưa được học cơ bản về hội họa, vốn chỉ có năng khiếu nhưng Đức Dụ đã khắc họa được không khí sôi động của dân và quân ta bằng màu sắc, càng tăng khí thế đánh giặc. Ông kể, ngày ấy trên Trường Sơn, không khí mở đường cứ rầm rập. Ở đâu cũng rộn lên tiếng búa, tiếng chặt cây, tiếng hát, tiếng cười của bộ đội, của thanh niên xung phong. Ông say sưa vẽ cảnh các trọng điểm, đất đá, cây đổ ngổn ngang, cháy trụi mà đoàn xe của ta vẫn xuất kích, hướng về phía Nam của Tổ quốc.

Năm 1968, Đức Dụ về Cục Chính trị - Bộ tư lệnh Trường Sơn, được cử chuyên đi vẽ ở các binh trạm và khu vận tải, các tuyến đường. Nơi đâu ông cũng thấy cảnh chiến tranh, mất mát, đau khổ nhưng đầy tin tưởng ở ngày thống nhất đất nước. Tranh được ông vẽ đầy chất lính, gắn với tranh là cái tâm. Một lần, Đức Dụ vào vẽ ở vùng đồng bào A So.

Nơi đây, bà con căm thù giặc rất sâu sắc nên ai cũng dốc sức phục vụ quân giải phóng. Ở làng Tre có một ông già, ngoài 60 tuổi đã mù cả hai mắt vì bị địch tra khảo, ông vẫn cố mang một gùi đạn nặng 60 cân, nhưng phải nhờ đứa cháu dẫn đường. Cậu bé cầm một đầu cây gậy còn đầu kia ông già cầm, hai ông cháu cứ như thế theo đoàn dân công đem đến giao tận tay bộ đội. Biết chuyện, Đức Dụ tìm đến làng Tre, vẽ chân dung hai ông cháu cõng hàng đi phục vụ chiến dịch. Một lần khác, Đức Dụ vào Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, đi cùng một đơn vị xe và xuất kích cùng với xe của chiến sĩ Triệu Duy Kéo.

Xe đến nơi thì gặp quân ta đang đánh điểm cao 416, các pháo thủ lấy đạn trên xe của Duy Kéo để bắn. Họa sĩ Đức Dụ bỏ “đồ nghề” sang một bên, định tham gia chiến đấu cùng đồng đội thì một chiến sĩ hét lên: “Thôi, không cần đồng chí đánh nhau. Anh hãy vẽ đi. Lúc này mà anh không vẽ bọn tôi thì còn lúc nào?” .Đức Dụ liền ngồi ngay trên đống gỗ cạnh trận địa để vẽ, trong tiếng súng và tiếng gầm của pháo trận địa. Hai chiến sĩ đã giúp Đức Dụ để bức tranh nhanh chóng hoàn thành; thiếu màu, Đức Dụ phải lấy đất trắng để làm bột màu. Bức tranh đó sau này được đánh giá cao, được gọi là người “bốc cả thiên nhiên Trường Sơn vào tranh”.

Nghỉ hưu năm 1990, Đức Dụ về sống ở làng Ngọc Hà   nhưng vẫn say sưa đi và vẽ, cả về Trường Sơn và phong cảnh quê hương. Có một điều là tranh của ông ngày nay vẽ về chiến trường hầu như không bán được, không ra tiền. Đề tài mà ông chọn chẳng phải dòng tranh thị trường nhưng ông vẫn vẽ vì đam mê. Bởi ông là người lính, là một nghệ sĩ sống nặng lòng với ký ức, với quá khứ, với Trường Sơn rực lửa một thời…

Nguyễn Văn Học