Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Ngày 06 tháng 6 năm 2017, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh vệ. Ngay sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.
Đối tượng áp dụng của Luật là đối tượng cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.
Đối với nội dung liên quan đến danh sách đối tượng cảnh vệ, Luật quy định đối tượng cảnh vệ là: Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Trước đó, đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, một số ĐB đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao…, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị.
UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể( ), đồng thời cần phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh. Thực tế cho thấy, các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ với 455/462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,67% trong tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Cảnh vệ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018. Theo đó, Pháp lệnh Cảnh vệ số 25/2005/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.