Người 'giữ lửa' với chầu văn

(PLO) - Nhắc đến cái tên Tuyết Tuyết hẳn những người yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian chầu văn đều biết đó là một người phụ nữ trẻ, tài giỏi, hát hay, đoạt nhiều giải thưởng trong các hội diễn, liên hoan, các cuộc thi văn nghệ. Ngoài ra, chị còn là một người say mê công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
Người 'giữ lửa' với chầu văn

Rong ruổi với nghề hát văn

Nghệ nhân Tuyết Tuyết, tên thật là Trần Thị Tuyết, sinh năm 1982 trong gia đình có cha mẹ đều là những cung văn có tiếng tại Thái Bình. Suốt một thời thơ ấu, nhiều ký ức đẹp đẽ mà Tuyết Tuyết còn nhớ là những buổi chiều ngồi trước cửa đền ê a câu hát văn nghe lỏm được từ mẹ.

Nhắc chuyện này, nghệ nhân Tuyết Tuyết bộc bạch: “Ngày bé, mình không được ai dạy cho hát Chầu văn nhưng được nghe mẹ và các cô chú hát nhiều nên cũng thấm.Cũng không từng nghĩ là sau này mình sẽ trở thành nghệ nhân hát văn.

Đến khi thi vào Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, thi không đủ điểm nên lúc này bố mẹ khuyên chuyển sang nghệ thuật để nối nghiệp truyền thống gia đình. Lúc này chầu văn cũng được nhiều người biết đến hơn trước nên mình chuyển sang học trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình (từ năm 2002 – 2005) rồi tiếp tục học cao hơn ở trường Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam (từ năm 2006 – 2010).

Trong những năm học này, mình vừa đi học văn hóa ở trường, vừa đi học hát Văn từ những nghệ nhân và dạy hát cho mọi người”.

Trong 3 năm học tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình cũng là thời gian Tuyết Tuyết vừa học hát chầu văn từ các nghệ nhân vừa tham gia các cuộc thi văn hóa văn nghệ.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình, Tuyết Tuyết bước chân lên Hà Nội tiếp tục con đường học tập tại trường Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam.

Từ đây chị cũng chính thức bắt đầu trên con đường rong ruổi với nghề dạy hát Chầu văn mà theo chị nói là còn vất vả và gian nan hơn trước.

 “Nhiều khi nghĩ về quãng thời gian sinh viên 8 năm thì có đến 7 năm rưỡi là mình phải tự nuôi bản thân, phải làm thêm rất nhiều để có thể đủ tiền đi học và trang trải chi phí cho cuộc sống ở nơi thị thành. Bây giờ, nhiều lúc nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao ngày xưa mình lại có thể làm được như vậy, vừa đi học vừa đi dạy hát” – nữ nghệ nhân bộc bạch.

Cho đến tận ngày nay, nghệ nhân Tuyết Tuyết vẫn không ngừng miệt mài truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho những em nhỏ và người cao tuổi ở các câu lạc bộ hát chầu văn thuộc Trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội.

Gặt hái thành nhiều thành công

Trong tất cả những nghệ nhân hiện có của loại hình hát chầu văn, có thể nói Tuyết Tuyết là một trong những người trẻ nhất hát xướng. Chị được người yêu âm nhạc, yêu chầu văn biết đến bởi giọng hát hay, trau chuốt và sự am hiểu sâu sắc về loại hình nghệ thuật này.

Hơn nữa, nghệ nhân Tuyết Tuyết còn là người đã đoạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về văn hóa nghệ thuật, nhất là ở loại hình nghệ thuật dân gian hát Chầu văn.

Năm 2004, khi đó mới chỉ là sinh viên năm 2 của trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình nhưng nghệ nhân Tuyết Tuyết đã đoạt được huy chương vàng về nghệ thuật hát Chầu văn do Bộ Văn hóa – thông tin trao tặng tại Chung khảo Hội thi “Tiếng hát sinh viên và học sinh THCN toàn quốc lần thứ VIII”. Cũng trong năm này, chị cũng giành giải A với tiết mục hát văn Thái Bình miền đất quê em do chính mình soạn lời tại một cuộc thi quy mô toàn quốc năm 2004. 

Năm 2013, tại Liên hoan hát văn và hát Chầu văn vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng, nghệ nhân Tuyết Tuyết đoạt huy chương vàng với tiết mục hát văn “Hà thành 36 phố phường”.

Tháng 11 năm 2014, chị vinh dự được tham gia chương trình diễn xướng dân gian, được ban tổ chức chọn vào biểu diễn truyền hình trực tiếp tối mùng 9/11/2014 tại Lâm Đồng.

Chị chia sẻ: “Do đặc thù hát Chầu văn không dễ cảm nhận, không phải là môn nghệ thuật theo trào lưu nên hiện nay những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này đa phần là những người đã lớn tuổi… Mình cũng rất mong là sẽ ngày càng có nhiều câu lạc bộ, hội nhóm yêu thích hát Chầu văn hơn nữa để Chầu văn sẽ không ngừng phát triển và đến gần được với đông đảo mọi người trong xã hội hơn.