Người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn với hạn mức trả tiền bảo hiểm mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Quyết định 32/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/10/2021 về hạn mức trả tiền bảo hiểm, kể từ ngày 12/12/2021, trong trường hợp tổ chức tín dụng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả tối đa là 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
Từ ngày 12/12/2021, người gửi tiền sẽ được BHTGVN chi trả tối đa là 125 triệu đồng.
Từ ngày 12/12/2021, người gửi tiền sẽ được BHTGVN chi trả tối đa là 125 triệu đồng.

Cơ sở xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để góp phần duy trì kỷ luật thị trường và hạn chế rủi ro đạo đức.

Nếu tiền gửi được bảo hiểm 100% dễ dẫn đến việc các tổ chức tín dụng (TCTD) chạy đua tăng lãi suất huy động tiền gửi, đầu tư vào những dự án rủi ro cao; người dân bất chấp rủi ro để gửi tiền vào các TCTD huy động lãi suất cao, dẫn đến rủi ro ngày càng lớn. Hạn mức có giới hạn buộc người gửi tiền phải xem xét kỹ việc gửi tiền vào ngân hàng nào hiệu quả.

Cụ thể, hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam được xác định dựa trên những yếu tố như: Phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG, đảm bảo có đủ nguồn lực để ứng phó khi rủi ro dự kiến xảy ra; Hướng tới bảo vệ toàn bộ được khoảng 90 - 95% người gửi tiền theo thông lệ quốc tế; Phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người, tình hình của thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm ảnh hưởng tới những đối tượng nào?

Hạn mức trả tiền BHTG là công cụ quan trọng của chính sách BHTG, trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Đối với người gửi tiền: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hạn mức BHTG không chỉ quyết định số tiền bảo hiểm mà người gửi tiền nhận được khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà còn tác động đến hành vi của người gửi tiền khi chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng, không lo lắng, rút tiền ra khỏi ngân hàng, dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt khi có biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp hạn chế tác động lây lan khi có ngân hàng đổ vỡ, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tổ chức tham gia BHTG: Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ quan trọng của chính sách BHTG, trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Hạn mức trả tiền BHTG đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, từ đó khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN): Điều chỉnh tăng hạn mức BHTG giúp người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến chính sách BHTG, từ đó sẽ góp phần nâng cao vị thế của BHTGVN trong hệ thống ngân hàng và đối với người gửi tiền.

Các cá nhân, tổ chức có liên quan khác: Điều chỉnh tăng hạn mức BHTG giúp góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, từ đó sẽ có tác động tích cực tới các cá nhân, tổ chức có liên quan khác.

Người gửi tiền đang được bảo vệ bằng các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi

BHTGVN cho biết, tổ chức này đang đang bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô).

Việc tăng hạn mức BHTG nâng cao mức độ bảo vệ người gửi tiền, song cũng đặt lên vai tổ chức BHTG một áp lực nhất định khi phí BHTG không điều chỉnh tăng theo. Nâng hạn mức trả tiền BHTG song không tăng phí BHTG đòi hỏi BHTGVN phải quản lý, đầu tư nguồn vốn một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo thanh khoản tốt để luôn sẵn sàng bảo vệ người gửi tiền.

Cũng cần nói thêm, không phải tới khi chi trả tiền BHTG, BHTGVN mới bảo vệ người gửi tiền. Chi trả được coi là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tham gia BHTG đã được kiểm soát đặc biệt, được hỗ trợ phục hồi mà không thể quay trở lại hoạt động bình thường.

Trong khi đó, suốt quá trình thành lập, hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN luôn theo sát, cấp Chứng nhận tham gia BHTG ngay từ khi TCTD đó thành lập, kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia BHTG, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, BHTGVN báo cáo Ngân hàng Nhà nước để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

Khi tổ chức BHTG gặp vấn đề và được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, BHTGVN cử nhân sự tham gia Ban kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. BHTGVN cũng thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, bị kiểm soát đặc biệt mà đe dọa đến sự ổn định hệ thống, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

BHTGVN tham gia xây dựng và đánh giá phương án phục hồi đối với các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên cơ sở phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Hợp tác xã. Những nhiệm vụ này góp phần giúp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG gây thiệt hại cho người gửi tiền và bất ổn về kinh tế, xã hội.

Đọc thêm