Người khuyết tật và ước mơ giản dị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam thì người khuyết tật hiện vẫn gặp khó trong việc tiếp cận dụng cụ hỗ trợ dù rằng đó là điều kiện giúp người khuyết tật có cơ hội tham gia lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và góp phần vào sự phát triển của xã hội, cải thiện được sức khỏe và giảm được bệnh tật.
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật và diễn đàn với chủ đề “Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật” tháng 12/2022.
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật và diễn đàn với chủ đề “Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật” tháng 12/2022.

Dụng cụ trợ giúp vẫn còn xa với số đông người khuyết tật

Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Theo kết quả Điều tra Quốc gia về NKT, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% NKT gặp khó khăn khi đi bộ. Khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Có thể thấy, việc duy trì tốt việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho họ về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tháng 8/2019 tại hội thảo “Chính sách BHYT đối với NKT – Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung”, các quan điểm được nêu ra cho thấy, hiện tồn tại các khó khăn bất cập trong cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT do các dụng cụ này chưa được BHYT chi trả dù rằng dụng cụ trợ giúp sẽ tạo điều kiện cho NKT có cơ hội tham gia lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và góp phần vào sự phát triển của xã hội, cải thiện được sức khỏe và giảm được bệnh tật. Dụng cụ trợ giúp vẫn còn xa với số đông NKT do chi phí quá lớn so với khả năng chi trả của họ. Hơn nữa, dịch vụ cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT cũng chưa được phát triển rộng rãi với nhiều mô hình tiện ích để NKT có thể tiếp cận, chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của NKT.

Hiện nay chưa có một điều tra đủ lớn để khẳng định chính xác nhu cầu về các dụng cụ trợ giúp của NKT. Tuy nhiên, qua phản ánh từ nhiều kênh thông tin đã công bố từ nhiều cơ quan, tổ chức về tâm tư nguyện vọng họ và gia đình cho thấy nhu cầu sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đối với đối tượng là rất lớn đặc biệt đối với dạng khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị…

Mới đây, Liên Hiệp hội về NKT Việt Nam đã tiến hành khảo sát qui mô nhỏ về thực trạng sử dụng và nhu cầu đối với dụng cụ trợ giúp của NKT. Khảo sát dựa trên tài liệu hướng dẫn đánh giá nhanh về nhu cầu Công nghệ trợ giúp (rATA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tập trung làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến dụng cụ trợ giúp đối với NKT.

Theo đó, về khả năng tiếp cận và chi trả, khảo sát được thực hiện trên những NKT sử dụng các loại dụng cụ trợ giúp như: 11 người sử dụng cặp nặng Inox, 8 người sử dụng xe lắc, 12 người sử dụng chân giả và xe lắc, 1 người sử dụng xe ba bánh, 2 người sử dụng giày nẹp và 1 người sử dụng gậy dò đường. Các dụng cụ trợ giúp này được NKT sử dụng hằng ngày, điều đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng dụng cụ trợ giúp của NKT rất lớn. Bên cạnh đó NKT phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe cá nhân và nhu cầu để lựa chọn dụng cụ phù hợp nhất, giúp đảm bảo sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, tham gia các hoạt động xã hội và lao động kiếm sống.

Khảo sát cũng cho thấy, trong khi nhu cầu của NKT đối với việc sử dụng dụng cụ trợ giúp là rất lớn mà NKT lại không có khả năng chi trả lên tới 97,8% và 2,2% còn lại chỉ có thể chi trả một phần để mua dụng cụ trợ giúp. Hầu hết các dụng cụ trợ giúp mà NKT đang sử dụng đều có được từ việc cho, tặng, nhưng có tới trên 81% là từ các tổ chức phi chính phủ, từ thiện; trên 6% do bạn bè, người thân tặng; tự chi trả chưa đến 5% và từ ngân sách nhà nước chưa đến 7%.

NKT cũng rất khó khăn trong việc có thể tiếp cận dụng cụ trợ giúp do các sản phẩm cũng không sẵn có tại địa phương. Với suy nghĩ rằng không đủ tiền để mua dụng cụ trợ giúp, NKT vốn đã ít biết đến các sản phẩm và các thông tin liên quan đến dụng cụ trợ giúp thì lại càng không tìm hiểu. Ngay cả đối với hai trường hợp mua và tự làm đều khẳng định không thể chi trả và nếu có cũng chỉ là chi trả một phần.

Về tác động tính hiệu quả, 100% NKT khảo sát đều cho rằng sức khỏe của bản thân tốt lên từ khi có dụng cụ trợ giúp, tình trạng tật được cải thiện do có thể hoạt động, vận động và tham gia nhiều hơn. NKT không những chỉ phục vụ bản thân mà còn tham gia được vào các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè, mở rộng giao lưu mà còn có thể lao động kiếm sống, góp phần đảm bảo kinh tế cho bản thân, hỗ trợ cho gia đình. Trong đó, 38 ý kiến cho rằng nếu không có dụng cụ trợ giúp thì rất khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày cũng như cải thiện đời sống và 7 NKT không có ý kiến nào khác về vấn đề này.

Về mong muốn, đề xuất, 100% NKT khảo sát đều cho rằng BHYT nên chi trả và chi trả toàn bộ đối với dụng cụ trợ giúp đối với NKT. Hầu hết các lý do đưa ra đều cho rằng bản thân khó khăn, không thể chi trả đối với dụng cụ trợ giúp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần khảo sát toàn diện nhu cầu sử dụng dụng cụ trợ giúp đối với NKT

Ngày 3/12 vừa qua nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật, trao đổi với truyền thông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam ông Đặng Văn Thanh đã cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật và đưa các nội dung liên quan vào các luật chuyên ngành, như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm...

Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn…

Theo ông Đặng Văn Thanh hiện tại, vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm... Việc tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn; các công trình xây dựng trước đây không được quan tâm cải tạo bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật. Người khuyết tật cũng khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao ở cơ sở. Hơn nữa, mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người khuyết tật còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng, dịch vụ trị liệu tâm lý…

Có thể thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trên chính là việc hiện tồn tại các khó khăn bất cập trong cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT, khiến dụng cụ trợ giúp vẫn còn xa với số đông NKT.

Được biết, qua cuộc khảo sát trên, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam đã đề xuất một số khuyến nghị như: cần có cuộc khảo sát toàn diện với qui mô rộng hơn cũng như có những nghiên cứu, đánh giá về thực trạng và nhu cầu sử dụng dụng cụ trợ giúp đối với NKT. Nghiên cứu, đánh giá vai trò và tác động của dụng cụ trợ giúp đối với NKT trên cơ sở đó từng bước mở rộng danh mục dụng cụ trợ giúp được BHYT chi trả. Nghiên cứu các mô hình cung cấp dịch vụ dụng cụ trợ giúp đối với NKT như xã hội hóa bên cạnh nguồn lực nhà nước; dịch vụ cho thuê dụng cụ trợ giúp; tái sử dụng dụng cụ trợ giúp… trên cơ sở đó qui định chính sách rõ ràng.

Cùng với đó, có qui định về tiêu chuẩn, qui chuẩn dụng cụ trợ giúp đối với NKT; nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế... Tăng cường tuyên truyền, truyền thông liên quan đến dụng cụ trợ giúp đối với NKT. Ngoài ra, cần có cơ chế để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, đơn vị tham gia hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, thúc đẩy, phát triển dịch vụ cung cấp dụng cụ trợ giúp, sản xuất, sửa chữa, xuất nhập khẩu, kích cầu, hạ giá thành… Các tổ chức vì NKT, phi chính phủ, các cá nhân cần đẩy mạnh tham gia thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đối với NKT, góp ý sửa đổi, bổ sung và thực thi, giám sát thực hiện hiệu quả các chính sách đối với NKT, trong đó tăng cường các hoạt động liên quan đến dụng cụ trợ giúp đối với NKT.

Đọc thêm