Vào phòng ôm chầm bà chủ
Nguyên đơn là người phụ nữ SN 1981, ở TP Cần Thơ. Bị đơn là người đàn ông SN 1990, ở cùng TP Cần Thơ. Theo trình bày của nguyên đơn, chiều 4/7/2016, bà vừa về đến nhà, mở cửa vào phòng ngủ thì bị đơn (là người làm thuê) vào theo. Thấy lạ, bà nói: “Em đi đâu mà vào tận phòng chị? Em ra ngoài đi”. Chàng trai 27 tuổi bị cho là không trả lời mà chốt cửa phòng rồi lao vào định cưỡng bức bà chủ 36 tuổi.
Cố tìm cách chống cự, bà chủ cắn trúng cằm người làm thuê. Trong lúc giằng co, bà nhặt được cây bút, đưa về phía “người sàm sỡ”, nói: “Nếu em không ra khỏi đây, chị lấy cây viết đâm em”. Lúc này, nam thanh niên mới chịu buông bà ra. Tuy nhiên mãi đến 4 ngày sau, tức là ngày 8/7/2016, bà trình báo, tố giác hành vi.
Nguyên đơn cho rằng hành vi của người làm thuê là có tính toán trước, sở dĩ bà thoát được là do chống cự quyết liệt. Dù hành vi của “thủ phạm” chưa thành nhưng đã làm ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của bà.
Nguyên đơn làm đơn kiện, yêu cầu người làm công phải bồi thường thiệt hại, danh dự nhân phẩm 50 triệu đồng; bồi thường tiền tổn thất tinh thần là 11,5 triệu đồng và buộc ông phải công khai xin lỗi trước nhân dân nơi bà cư trú để mọi người cùng biết hành vi hiếp dâm của ông này là chưa thành.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu đòi bồi thường. Bà giảm số tiền đòi bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm và tinh thần còn 20 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn trình bày: Khi trong người có chút hơi men, ông đến nhà bà chủ để kiểm tra lại việc trang trí la phông trong nhà và hỏi xem bà chủ muốn mua giấy dán tường loại gì.
Gặp bà chủ ở nhà một mình, ông và bà chủ có nói chuyện qua lại. Khi bước vào phòng ngủ của bà chủ, ông có nảy sinh tình cảm với bà chủ hơn 9 tuổi. Vì nghĩ bà chủ cũng có tình cảm với mình nên ông đã ôm choàng ngang hông, quật bà chủ ngã xuống giường.
Bị bà chủ cắn, dùng tay đẩy và dành cho cái bạt tai, ông đã dừng hành vi của mình lại. Sau đó ông có xin lỗi bà chủ.
Theo trình bày của người đàn ông, trước đó giữa ông và bà chủ có nhắn tin nói chuyện qua lại nên ông mới phát sinh tình cảm với bà chủ.
Bị đơn cho rằng, hành vi của mình không gây thiệt hại hay ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà chủ. Dù vậy, ông tự nguyện bồi thường cho bà chủ số tiền 5 triệu đồng.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thới Lai đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho bà chủ số tiền 5 triệu đồng.
Bác kháng cáo
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đưa ra quan điểm: Sau khi sự việc xảy ra, nguyên đơn không đến trình báo chính quyền địa phương ngay mà đến ngày 8/7/2016 mới đi trình báo.
Sau đó công an có lấy lời khai của nguyên đơn, bị đơn và hàng xóm xung quanh. Nguyên đơn cho rằng, sau sự việc xảy ra, mọi người xa lánh, ảnh hưởng đến công việc nên kháng cáo yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm là 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua xác minh, những người hàng xóm xung quanh không hay biết gì về việc này, nguyên đơn cũng không có thương tích gì, cũng không chứng minh được thiệt hại do hành vi của bị đơn gây ra có ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp.
Vì vậy, cấp sơ thẩm công nhận sự tự nguyện của bị đơn bồi thường 5 triệu đồng là có cơ sở.
Đối với việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải xin lỗi công khai về việc hiếp dâm không thành, tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn đã xin lỗi nguyên đơn và cơ quan công an không có quyết định khởi tố đối với hành vi của bị đơn nên không có căn cứ chấp nhận.
Sau khi nghe ý kiến và đề xuất hướng giải quyết vụ án của các bên, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: Theo nguyên tắc về bồi thường thiệt hại, nguyên đơn phải chứng minh được thiệt hại cụ thể mà bà gánh chịu do hành vi của bị đơn gây ra; chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế của bà bị mất hoặc bị giảm sút…
Phải chứng minh được bà có bị hàng xóm, láng giềng, những người ở nơi cư trú xa lánh hay không? Trên thực tế, bà này không chứng minh được những thiệt hại này.
Hơn nữa, nguyên đơn cũng thừa nhận, lúc sự việc xảy ra bà không tri hô, hàng xóm xung quanh không ai hay biết nên cũng không có cơ sở để xem xét là bà bị tổn hại về tâm lý, tinh thần, danh dự như bà yêu cầu.
Bị đơn ngay sau khi xảy ra sự việc và tại phiên tòa sơ thẩm đã xin lỗi nên việc nguyên đơn kháng cáo yêu cầu phải xin lỗi bà công khai tại nơi cư trú là không cần thiết. HĐXX cấp phúc đã bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.