Pháp luật có quy định về thưởng Tết hay không?
Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Theo đó, việc thưởng cho người lao động sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Mặc dù quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, theo, theo điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc, nếu không công khai sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
Như vậy, các quy định pháp luật hiện hành không quy định về trách nhiệm thưởng Tết riêng biệt, mà chỉ là quy định về việc thưởng nói chung. Việc thưởng Tết hay không tùy thuộc vào quy chế thưởng của đơn vị. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thưởng hoặc không thưởng Tết cho người lao động. Dù vậy, Bộ luật Lao động khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, người lao động có thể được thưởng Tết bằng hiện vật hoặc các hình thức khác thay vì bằng tiền.
Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày Tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019). Về mức lương làm thêm giờ, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm dịp Tết Nguyên đán vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng cộng là 400%). Phần tiền làm thêm của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, người lao động đi làm vào ngày nghỉ của dịp Tết Nguyên đán 2024 được trả số tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Đồng thời, nếu người lao động làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương + 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Thưởng Tết năm 2025 của cán bộ, công chức, viên chức sẽ khác so với trước đây
Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã lên kế hoạch tài chính cho thưởng Tết từ quý III/2024 và sẽ thưởng Tết cho người lao động theo năng suất lao động thực tế, dự kiến thưởng một lần trước Tết Âm lịch hoặc hai lần trước Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Đơn cử như Tổng Công ty May 10 với khoảng 12 nghìn người lao động dự kiến vẫn duy trì mức thưởng như năm ngoái, bình quân mỗi người lao động sẽ nhận được 12 - 15 triệu tiền thưởng Tết.
Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, dựa trên số liệu báo cáo của các doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết, nhìn chung mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8% do mức lương tối thiểu vùng tăng trong năm nay. Theo dự báo của Cục Quan hệ lao động và tiền lương, mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 sẽ phổ biến tương đương 1 tháng lương. Nhận định này dựa trên căn cứ vào việc tăng lương, một số ngành sản xuất tốt, công nhân phải tăng ca và ghi nhận sự đồng hành của người lao động với doanh nghiệp qua những khó khăn trong năm.
Sở LĐ-TB&XH TP HCM vừa công bố báo cáo tiền lương năm 2024 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo đó, đã xuất hiện mức thưởng Tết “khủng” lên đến gần 2 tỷ đồng/người. Cụ thể, tổng hợp báo cáo thưởng tết từ 1.570 doanh nghiệp với 310.444 lao động tại thành phố, cho thấy, mức thưởng cao nhất năm nay là 1,908 tỷ đồng tại một doanh nghiệp FDI, giảm so với Tết năm ngoái (2,078 tỷ đồng). Còn mức thưởng thấp nhất là 5,9 triệu đồng, cao hơn năm ngoái.
Mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với năm ngoái. Tuy nhiên, thưởng Tết Dương lịch giảm đáng kể, chỉ còn 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn mức 4,7 triệu đồng của năm 2024. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm và thương mại duy trì mức thưởng cao nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ hoặc sử dụng lao động giản đơn thường có mức thưởng thấp hơn.
Còn theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 17 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng. Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 220 triệu đồng, thấp nhất 1 triệu đồng. Doanh nghiệp dân doanh thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 1,5 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng. Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 700 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 223 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 475,5 triệu đồng, thấp nhất 100.000 đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 375 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp FDI nằm trong khu công nghiệp. Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 bình quân là 8,77 triệu đồng, thấp nhất là 4,96 triệu đồng (đối với người lao động làm từ đủ 12 tháng). Đáng chú ý, 25% doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn trong chi trả thưởng Tết do giảm đơn hàng, thu hẹp hoạt động kinh doanh, khó thu hồi công nợ và gánh nặng lãi vay.
Tại Long An, mức thưởng cao nhất dịp Tết Ất Tỵ đang là 519 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng và mức bình quân là 8,5 triệu đồng. Năm ngoái, địa phương này cũng dẫn đầu cả nước về tiền thưởng Tết với 5,68 tỷ đồng cho quản lý cấp cao doanh nghiệp FDI Nhật Bản.
Tại Thanh Hóa, FDI là khối dẫn đầu mức thưởng Tết Ất Tỵ với mức cao nhất 410 triệu đồng, thấp nhất 70.000 đồng, bình quân 4,9 triệu đồng. Còn tại Thái Nguyên, mức thưởng Tết cao nhất là 175 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng/lao động; mức bình quân là 7,5 triệu đồng.
Tại Cần Thơ, mức thưởng Tết cao nhất là 300 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng và mức bình quân là 5,65 triệu đồng. Ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có mức thưởng Tết cao nhất là 94 triệu đồng; thấp nhất là 200.000 đồng, mức bình quân là 6,13 triệu đồng…
Đối với mức thưởng Tết 2025 của công chức, viên chức, theo Kết luận 83-KL/TW, ngay từ ngày 01/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang ở khu vực công đã được hưởng tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản. Quỹ tiền thưởng gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của người hưởng lương. Qua đó, nhằm kịp thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có thể không phải đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nào cũng được thưởng Tết 2025 vì chế độ tiền thưởng được dùng để thưởng định kỳ hằng năm theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người. Mức tiền thưởng cụ thể được xác định trong quy chế tiền thưởng của cơ quan, đơn vị mà không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người.
Như vậy, có thể thấy, việc thưởng Tết 2025 của cán bộ, công chức, viên chức sẽ khác so với trước đây bởi Tết 2025 tiền thưởng căn cứ vào quỹ thưởng của cơ quan, đơn vị chiếm khoảng 10% tổng quỹ lương và theo quy chế của từng cơ quan, đơn vị theo mức đánh giá hoàn thành công việc cuối năm.
Năm qua, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất, số cuộc đình công giảm (năm 2024, cả nước xảy ra 49 cuộc đình công), tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của người lao động có sự cải thiện. (Trích báo cáo kết quả công tác năm 2024 của Bộ LĐ-TB&XH).