Người lính thầm lặng gần 20 năm canh “giấc ngủ” cho đồng đội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bản thân từng là người lính và may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, trong suy nghĩ của ông cần làm một việc nào đó cho đồng đội như là sự tri ân.

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo khó, thanh niên 17 tuổi Nguyễn Văn Quyền (SN 1946), thôn Trung Thuỷ, xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phải khai tăng thêm 1 tuổi để được vào Bộ đội, rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt. Tại đây, ông nhiều lần đứng giữa lằn ranh sinh tử, có trận đánh năm 1968, cả tiểu đội của ông đều anh dũng hi sinh, chỉ còn một mình ông bị thương nặng nhưng vẫn sống sót.

Ông Quyền tự tay chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và từng phần mộ trong nghĩa trang rất chu đáo.

Ông Quyền tự tay chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và từng phần mộ trong nghĩa trang rất chu đáo.

Hòa bình lập lại, ông tiếp tục ra Bắc tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới ở Quảng Ninh. Đến năm 1990 khi đang là Trung tá, Tiểu đoàn đặc công 126, Quân chủng Hải quân tại Đà Nẵng, vì mắt mờ, sức khỏe không tốt, ông xin trở về địa phương với thương tật hạng 3/4, rồi tham gia vào các hoạt động của Hội cựu chiến binh địa phương.

Gần 50 năm kể từ ngày hòa bình thống nhất đất nước, ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Ông luôn tâm niệm rằng, mình may mắn hơn những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, thế nên sau khi xuất ngũ, ông đã tình nguyện chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ xã như một sự tri ân đồng đội đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.

Trong suy nghĩ của ông Quyền cần làm một việc nào đó cho đồng đội như là sự tri ân.

Trong suy nghĩ của ông Quyền cần làm một việc nào đó cho đồng đội như là sự tri ân.

Từ năm 2003 đến nay, cứ đều đặn mỗi ngày ông vẫn cần mẫn tự nguyện đến lau dọn, chăm sóc cẩn thận cho các phần mộ và đảm bảo khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ xã sạch đẹp, ấm cúng, như là sự tri ân người đồng chí, đồng đội của mình.

Với ông, việc “canh giấc” ngủ cho đồng chí, đồng đội đã ngã xuống là trách nhiệm thiêng liêng, là niềm hạnh phúc của những ngày tháng tuổi già. Mọi việc từ trồng, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh hay từng phần mộ đều do ông tự nguyện, làm vì tình cảm với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, ông Quyền tâm sự.

Vườn hoa, cây cảnh trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tiến Hoá khoe sắc tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ.

Vườn hoa, cây cảnh trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tiến Hoá khoe sắc tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ.

Không chỉ chăm sóc, hương khói cho các phần mộ liệt sĩ và chỉ dẫn cho thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Vào ngày rằm, đầu tháng hay các dịp lễ, tết, ông Quyền đều chuẩn bị chu toàn để các tổ chức, đoàn thể và nhân dân đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm. Tất cả mọi việc này đều do ông tự nguyện làm để bảo vệ nghĩa trang được yên tĩnh, ấm cúng cho đồng đội yên nghỉ.

Được biết, Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tiến Hóa hiện có 96 phần mộ, đa số đều là con em của địa phương hi sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có những người liệt sĩ là anh em họ hàng, bạn bè cùng rời quê hương, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc một lần với ông. Vì thế, ông luôn coi mình phải có trách nhiệm với những người đã ngã xuống.

...Và tự tay ông cắt tỉa, chăm sóc.
...Và tự tay ông cắt tỉa, chăm sóc.

Gần 20 năm ngoài việc tự nguyện chăm sóc, bảo vệ nghĩa trang của xã Tiến Hoá, ông Quyền còn nhiều lần hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân gia đình các liệt sĩ tìm kiếm, quy tập phần mộ ở các chiến trường về với quê hương. Những việc làm thầm lặng của ông được cấp ủy, chính quyền địa phương, thế hệ trẻ xã nhà và bà con nhân dân ghi nhận và kính trọng.

Ông Hà Sỹ Hồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Đồng chí Nguyễn Văn Quyền tuy đã cao tuổi nhưng rất có trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục thế hệ con cháu, nhất là đoàn viên thanh niên về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ đã có công bảo vệ tổ quốc để đất nước hòa bình hôm nay”.

Người thân đến viếng mộ phần Liệt sĩ sáng ngày 26/7.

Người thân đến viếng mộ phần Liệt sĩ sáng ngày 26/7.

“Thế hệ trẻ chúng em rất cảm kích và vô cùng biết ơn tình cảm và những việc làm hằng ngày của bác Quyền. Riêng bản thân em cũng sẽ luôn cố gắng tham gia các hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, cũng như sẽ cố gắng học tập, đem hết khả năng của mình để phụng sự cho Tổ quốc”, Đoàn viên Hồ Thị Huyền, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa tâm sự.

Chị Lê Thị Kim Dung, thôn Bàu, xã Tiến Hoá cho biết, năm nào tôi cũng vào đây thắp hương cho người thân và cho đồng đội. Nhìn thấy những ngôi mộ sạch đẹp như thế này là tôi rất yên lòng. Qua đây tôi gửi lời cảm ơn đến bác Quyền, các cấp lãnh đạo trong tỉnh đã quan tâm đầu tư xây mới nghĩa trang của xã.

Chị Lê Thị Kim Dung, thôn Bàu, xã Tiến Hóa dâng hương tưởng nhớ phần mộ người thân sáng 26/7.

Chị Lê Thị Kim Dung, thôn Bàu, xã Tiến Hóa dâng hương tưởng nhớ phần mộ người thân sáng 26/7.

"Tôi thấy bác Quyền thường xuyên chăm lo vườn hoa, cây cảnh và từng phần mộ trong nghĩa trang rất chu đáo, ai đến dâng hương cho người thân, đồng đội cũng thấy phấn khởi." - ông Nguyễn Ngọc Toản, thôn Bàu, xã Tiến Hoá bày tỏ sự cảm phục.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, thôn Bàu, xã Tiến Hoá dâng hương tưởng nhớ tại phần mộ người thân sáng 26/7.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, thôn Bàu, xã Tiến Hoá dâng hương tưởng nhớ tại phần mộ người thân sáng 26/7.

Những ngày tháng 7 này, nhiều hoạt động hướng về các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng có công khác diễn ra khắp cả nước. Tổ quốc ghi công, nhân dân mãi biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tuổi xuân, xương máu cho độc lập dân tộc hôm nay.

Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá.

Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá.

Cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội thì tấm lòng cao quý, nghĩa tình của những người lính, cựu chiến binh như ông Quyền đã góp phần khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam luôn lan tỏa và mãi trường tồn.

Đọc thêm