Ngày 14/4, tại sa mạc Tây Texas (Mỹ), Amanda Nguyễn bước ra khỏi khoang tàu vũ trụ New Shepard trong niềm hân hoan tột độ. Cô đặt tay lên ngực, đưa tay lên trời với nụ cười rạng rỡ sau khi hoàn tất chuyến bay kéo dài 11 phút, trong đó có 4 phút ở trạng thái không trọng lực tại độ cao hơn 100 km - rìa không gian theo định nghĩa của Liên đoàn Hàng không Quốc tế.
Một trong những khoảnh khắc gây xúc động là khi Amanda Nguyễn nói "Xin chào Việt Nam". Gương mặt cô ngập tràn cảm xúc.
Đoạn video này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận từ người Việt khắp nơi.
"Vào thời điểm này, tôi chỉ muốn tất cả những người sống sót biết rằng: Bạn có thể chữa lành. Không có giấc mơ nào là quá hoang đường, và nếu nó quá hoang đường, như việc bay vào không gian, bạn hoàn toàn có thể thực hiện và điều đó hoàn toàn có thể xảy ra", cô nói trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay sau chuyến bay, theo Space.com.
"Rưng rưng nước mắt khi nghe Amanda nói lời chào bằng tiếng Việt," một tài khoản để lại bình luận. Nhiều người gọi đây là "khoảnh khắc tự hào".
![]() |
Amanda Nguyễn bước ra khỏi khoang tàu vũ trụ. (Ảnh: Blue Origin) |
Nữ phi hành gia gốc Việt mang theo một biểu tượng của văn hóa Việt Nam - hạt sen giống (Nelumbo nucifera), do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tuyển chọn và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gửi tặng.
Những hạt sen này sau khi trở về Trái đất sẽ được nghiên cứu để tìm hiểu ảnh hưởng của môi trường không gian đến sinh trưởng thực vật, một bước tiến mới cho khoa học nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vũ trụ.
![]() |
Hạt sen được Amanda Nguyễn mang theo trong chuyến bay. Ảnh: VNSC |
Amanda Nguyễn sinh năm 1991 tại California, là người sáng lập và Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Rise, nổi tiếng với các hoạt động vận động chính sách toàn cầu về quyền con người và giáo dục STEM. Chuyến bay lần này được tài trợ bởi tổ chức Space for Humanity nhằm ghi nhận những đóng góp của cô cho cộng đồng quốc tế, đồng thời tôn vinh di sản văn hóa Việt.
Cùng Amanda trên chuyến bay NS-31 là 5 người phụ nữ đến từ nhiều lĩnh vực: Aisha Bowe - kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ gốc Bahamas; Gayle King - nhà báo kỳ cựu; Katy Perry - ca sĩ kiêm nhà từ thiện; Kerianne Flynn - nhà sản xuất phim; và Lauren Sánchez - MC, phi công trực thăng.
Đây là phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ chuyến bay của Valentina Tereshkova năm 1963, thể hiện bước tiến trong bình đẳng giới trong lĩnh vực không gian.
![]() |
Sáu phụ nữ bay ra ngoài trái đất vào ngày 14/4, Amanda Nguyen đứng ngoài cùng bên phải. Ảnh: New Shepard |
Với thành công của chuyến bay lần này, Amanda Nguyễn đã trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian, chính thức là một nhà du hành vũ trụ.
Chuyến bay được thực hiện bằng tàu New Shepard của công ty Blue Origin, thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos. Với thiết kế có khả năng tái sử dụng và đưa con người vượt qua ranh giới Kármán - độ cao 100 km được xem là cửa ngõ vào không gian, New Shepard mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch vũ trụ.
Dù chuyến bay không kéo dài lâu và không thuộc một nhiệm vụ khoa học chính thức, hành trình của họ vẫn có giá trị biểu tượng sâu sắc. Không chỉ đánh dấu bước tiến trong công nghệ bay dân sự, sứ mệnh còn là thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới và sự đa dạng trong lĩnh vực vũ trụ.
Tới nay, mới chỉ có 58 người đã từng bay cao ngoài trái đất với Blue Origin kể từ khi hãng bắt đầu cung cấp các chuyến bay có người lái vào năm 2021. Những người có cơ hội lên tàu vũ trụ New Shepard thường là người nổi tiếng, doanh nhân, nhà khoa học nổi tiếng và có tiền.
Năm 2021, nam diễn viên "Star Trek" William Shatner và huyền thoại NFL Michael Strahan đều lên tàu New Shepard trên các chuyến bay riêng biệt.
Shatner, lúc đó 90 tuổi, đã bắt đầu chuyến hành trình vào ngày 13/10 năm đó, trở thành người lớn tuổi nhất từng thực hiện chuyến bay vào không gian.
Chuyến bay vào không gian của Strahan diễn ra vào cuối năm 2021, khi anh bay cùng phi hành đoàn bao gồm Laura Shepard Churchley, con gái của Alan Shepard.
Chi phí để đi tàu vũ trụ Blue Origin là bao nhiêu?
Nếu muốn bay vào quỹ đạo trên tàu vũ trụ Blue Origin, khách hàng cần phải có rất nhiều tiền hoặc một cái tên đủ nổi tiếng để được mời làm khách danh dự.
Mặc dù Blue Origin không công khai niêm yết giá trên trang web, nhưng biểu mẫu đặt chỗ yêu cầu khách hàng phải đồng ý đặt cọc riêng 150.000 USD.
Tấm vé đầu tiên được bán cho chuyến bay vũ trụ Blue Origin có thể lên tới hàng triệu USD. 28 triệu USD là giá vé trong một cuộc đấu giá có sự tham gia của 7.600 người đăng ký đấu giá từ 159 quốc gia.