Ý kiến này đã được ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đưa ra trong hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4.4.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, cũng đề nghị phải quy định thêm về trách nhiệm bồi thường. Hiện nay, cơ quan giải quyết bồi thường trong luật chủ yếu quy định cơ quan nhà nước, không quy định cá nhân phải bồi thường.
“Như vậy lúc nào Nhà nước cũng bao hết, cho nên cán bộ cố ý làm sai còn Nhà nước đứng ra bồi thường. Do đó phải có trách nhiệm cá nhân, tức là nếu Nhà nước bố trí ngân sách bồi thường thì trách nhiệm của cá nhân liên quan bị bỏ lọt. Cho nên quy định cả cần Nhà nước và trách nhiệm cá nhân làm sai trong tham gia bồi thường” - ông Phương đưa ý kiến.
Đồng quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong đưa quan điểm: Trong những trường hợp cá nhân ra bản án trái pháp luật khi đã biết là sai thì Nhà nước không thể bồi thường cho cá nhân, vì nó phi lý. “Tại sao Nhà nước lại đứng ra để bồi thường thay cho kẻ phạm tội”.
Cũng theo ông Phong, Luật phải cụ thể về việc xin lỗi người bị oan. Theo ông, cơ quan làm sai thường có tâm lý không dũng cảm nhận cái sai. "Bắt thì hoành tráng nhưng xin lỗi làm oan công khai chưa đầy 2 phút, ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi." - ông Phong nói.
Cũng trong Hội nghị, một ý kiến nhận được khá nhiều sự đồng tình của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ông Tùng đề nghị, bồi thường cho người thân của người bị oan.
Theo ông Tùng, hiện Luật chỉ quy định bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết. Thực tế người thân thích có bị tổn thất về tinh thần, tổn hại sức khỏe do người thân của mình bị oan. Nếu quy định người bị oan chết mới được bồi thường thì không thỏa đáng.
"Gần đây đều có bồi thường cho người thân thích của người bị tù oan. Cho nên luật cần xem xét bổ sung về mặt tinh thần cho người thân của người bị oan, còn mức bồi thường là một khoản chung bằng 1/2 hay 1/3 khoản giải quyết cho người bị oan."- ông Tùng phát biểu.
Trước đó, mở đầu Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Về vấn đề thiệt hại được bồi thường, có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan mà không cần có yêu cầu của người bị thiệt hại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với tính chất của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị thiệt hại. Việc xin lỗi và cải chính công khai quy định trong luật này là hệ quả của quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Trong quá trình giải quyết, căn cứ vào yêu cầu của người bị oan mà cơ quan nhà nước tiến hành xin lỗi, cải chính công khai.