Vượt qua những “rào cản” nghiệt ngã
Tại một số Tọa đàm do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, các thanh niên khuyết tật đều bày tỏ mong muốn được đối xử như những người bình thường, để họ có cơ hội vươn lên.
Chị Phạm Thị Hồng Mai (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam) cho hay, chị sinh ra không may mắn bị khiếm khuyết bàn tay trái, nhưng đã quyết tâm, quên đi nỗi mặc cảm bản thân, sống và làm việc như những người bình thường khác. Tuy nhiên, chị Mai cho biết người khuyết tật vẫn bị kỳ thị trong cuộc sống. Chị bày tỏ: “Các doanh nghiệp, tổ chức cần tạo điều kiện hơn nữa cho sinh viên khiếm khuyết ra trường có thể đi làm như những người bình thường khác, mà không có sự kỳ thị về ngoại hình của họ”.
Anh Trần Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital chia sẻ, anh sinh ra bị bại não bẩm sinh nhưng không đầu hàng số phận, đã vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực học tập và tốt nghiệp một trường cao đẳng với tấm bằng loại khá. Tuy nhiên, hành trình xin việc của anh gặp rất nhiều thử thách. “Sau khi tốt nghiệp, tôi nộp 23 bộ hồ sơ nhưng đều bị từ chối với lý do người khuyết tật không thể đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội”, anh Trung kể.
Không dừng bước trước những khó khăn, anh đã phải làm các công việc tự thân để mưu sinh như bán bảo hiểm, làm gia sư tiếng Anh, sửa máy tính… Sau đó anh xuống Hà Nội học tập, được tiếp cận với nghề SEO Web, rồi gắn bó từ đó đến nay. Hiện nay anh đã thành lập và làm chủ một công ty chuyên dịch vụ marketing online.
Chia sẻ với sự khó khăn của các thanh niên khuyết tật trong quá trình tìm kiếm việc làm, anh Nguyễn Hữu Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khát vọng cuộc sống (Hải Phòng) mong muốn có nhiều cơ chế hỗ trợ hơn để thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, mở rộng mặt bằng và được tư vấn về pháp lý trong kinh doanh.
Anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Bản thân bị khuyết tật vận động. Dù vậy, Bảo đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia. Chàng trai trẻ đã hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk khó khăn có việc làm ổn định. “Công ty của Bảo hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và tặng nhiều suất quà tới trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”, Bảo nói.
Dương Đình Bảo chia sẻ: “Trước đây, tôi luôn mặc cảm với hai từ khuyết tật. Năm 2015, bị tai nạn, tôi hụt hẫng, sau đó đi xin việc nhưng rất khó khăn. Tôi thấy nếu người ta thương mình thì mới nhận, còn lại bị khuyết tật rất khó hoà nhập. Năm 2016, tôi thành lập công ty về thiết kế đồ hoạ, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh. Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục nghìn người theo dõi. Nay, công ty có 15 máy đào tạo online và offline. Tôi rất muốn kết nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa”.
Là một trong những nhà sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật qua đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp người khuyết tật tìm được việc làm phù hợp, chị Nguyễn Thị Vân cho hay: 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống do cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng thành lập đã đào tạo miễn phí gần 2 nghìn học viên, hằng năm hỗ trợ việc làm cho 60 - 70 người khuyết tật.
Theo chị Vân, thực tế tại Việt Nam hiện nay, có đến 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng trong đó rất ít người sở hữu việc làm với thu nhập ổn định. Bản thân Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trung tâm Nghị lực sống cách đây 17 năm từng đến rất nhiều nhà hàng, cơ quan, doanh nghiệp để khảo sát và nhận thấy hầu như không có nhân viên nào là người khuyết tật.
“Hiện nay, vấn đề lớn trong lĩnh vực đào tạo là cần nắm bắt được xu hướng của thị trường. Chúng ta cần phải xem thị trường cần gì để dạy, nhất là trong tương lai để tập trung nguồn lực thay vì dàn trải theo lối mòn. Ngoài ra, cái khó cũng không nằm ở khâu đào tạo, mà là vấn đề “đầu ra”. Vì vậy, chúng ta cần có những bước đi dài hạn, bền vững”, chị Nguyễn Thị Vân nói.
Đưa AI hỗ trợ thanh niên khuyết tật
Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, hiện không ít thanh niên khuyết tật đang chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung, nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới để họ vượt rào cản, nắm bắt cơ hội, phát huy năng lực, hòa nhập và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn cho cộng đồng.
Thanh niên khuyết tật Việt không chỉ tự lập lo cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người khuyết tật. (Ảnh minh họa: Đ.Hải) |
Theo bà Đinh Thị Thụy, những ngành nghề như lập trình, thiết kế đồ họa đang là lĩnh vực nổi trội, được các nhà tuyển dụng săn đón. Người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên hoàn toàn có cơ hội lớn để tìm được việc làm. Bởi ưu điểm của các lĩnh vực trên là đề cao sản phẩm, thành phẩm chứ không quan trọng khiếm khuyết cơ thể hay vấn đề sức khỏe kém. Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp, thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật để 2 bên có sự trao đổi nhằm đạt kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức những chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm...
Và để đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam, tháng 10 vừa qua, Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam được thành lập và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I là sự kiện ý nghĩa quan trọng và bước chuyển biến đột phá trong vị trí, tổ chức và phong trào hoạt động của thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Những ngày tháng 12 này, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ thanh niên khuyết tật về hỗ trợ học tập, giao tiếp, di chuyển và sáng tạo nội dung số.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, trong chương trình kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật năm nay, Hội đưa nội dung thanh niên khuyết tật Việt Nam “kết nối và sáng tạo”, nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên khuyết tật trong kỷ nguyên số.
Theo ông Thành, với những tiến bộ vượt bậc của AI, thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận và tận dụng những công cụ này để vượt qua những “rào cản”, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật.
Trong đó, có thể sử dụng AI để hỗ trợ học tập, giúp người khuyết tật tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn; giao tiếp hiệu quả hơn, vượt qua “rào cản” ngôn ngữ và khoảng cách địa lý. Các thiết bị hỗ trợ di chuyển thông minh tích hợp AI có thể giúp người khuyết tật di chuyển độc lập và an toàn hơn; sáng tạo nội dung số trên môi trường Internet.
Ông Thành nhấn mạnh, sự phát triển không ngừng của công nghệ, AI sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp thanh niên khuyết tật chúng ta sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho xã hội nói chung cũng như cộng đồng người khuyết tật.
Cùng với đó, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam tổ chức giới thiệu bộ môn thể thao điện tử đến với cộng đồng người khuyết tật và tổ chức giải đấu thể thao điện tử Liên Quân Mobile. Theo Ban Tổ chức, giải đấu là tiền đề để xây dựng phong trào thể thao điện tử cho người khuyết tật, cung cấp nguồn vận động viên tham gia thi đấu Para eSports tại Paragames 2025 ở Thái Lan. Thể thao điện tử cũng sẽ mở ra triển vọng về cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật như: sáng tạo nội dung, streamer, bình luận viên, biên tập video, lập trình viên.
Tại đây, ông Lê Công Thành, Chuyên gia công nghệ AI đã chia sẻ về tiềm năng sáng tạo nội dung số của thanh niên khuyết tật thông qua trí tuệ nhân tạo; ông Bùi Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty OEG thông tin về khởi động chương trình Para eSports 2025…
Có thể nói, cùng với các cơ chế, chính sách phù hợp thời kinh tế số, người khuyết tật Việt ngày nay đang mỗi ngày tự khẳng định mình, góp phần không nhỏ trong dòng chảy vươn mình của đất nước…