Nam dược trị nam nhân
Theo Thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Long, Giám đốc Bệnh viện (BV) Y dược cổ truyền Đồng Nai, ngoài dùng thuốc đông y, trong quá trình điều trị, BV còn kết hợp với phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… với các phương pháp vật lý trị liệu là xung điện, siêu âm trị liệu điện từ trường, laser điều trị, tắm thuốc, ngâm thuốc, xông thuốc, nhờ vậy BV đã điều trị thành công nhiều loại bệnh khó: viêm khớp, thoái hóa cột sống, bệnh trĩ, di chứng sau tai biến mạch máu não, mất ngủ kéo dài…
Cũng theo bác sĩ (BS) Long, việc kết hợp giữa y học cổ truyền (YHCT) với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị không chỉ giúp thời gian điều trị cho bệnh nhân (BN) được rút ngắn, nhất là với những bệnh yếu liệt do tai biến mạch máu não hay do chấn thương, một số bệnh mạn tính, bệnh ở người cao tuổi mà còn hạn chế các tác dụng phụ cho BN khi phải điều trị bằng thuốc dài ngày.
Cũng chính vì những hiệu quả kỳ diệu của thuốc nam, bên cạnh hoạt động chuyên môn, BS Long và các đồng nghiệp của mình vẫn đi sưu tầm một số cây thuốc nam ở trong các khu rừng xa xôi đưa về trồng trong vườn thuốc nam của BV. Cùng với đó, ông còn chủ trì điều tra khảo sát nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương phân bổ theo vùng để có kế hoạch nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, xây dựng xã điểm tiên tiến về YHCT…
Siết chặt quản lý thuốc y học cổ truyền
Theo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Bộ Y tế, trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam thì có gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý cả về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn việc nuôi trồng, thu hái dược liệu của chúng ta vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay.
Vì vậy, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xúc tiến các chương trình hỗ trợ của Chính phủ để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng, thu hái dược liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu và đảm bảo chất lượng của dược liệu theo nguyên tắc: “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của WHO.
Mặt khác, để hưởng ứng đề án: “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”, Cục cũng khuyến khích các đơn vị chủ động tìm và sử dụng nguồn dược liệu nuôi trồng và sản xuất trong nước. Bộ Y tế sẽ xây dựng lộ trình cho việc xét duyệt hạn ngạch nhập khẩu các dược liệu trong nước sẵn có và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh YHCT.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã và đang phối hợp với các Bộ, ban, ngành ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để hướng dẫn và siết chặt quản lý lĩnh vực nhạy cảm này, góp phần nâng cao hơn chất lượng thuốc YHCT như: Thông tư 05 quy định về việc sử dụng dược liệu, vị thuốc YHCT trong các cơ sở khám chữa bệnh; sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định hoạt động buôn bán dược liệu…
Hiện nay, dược liệu lưu thông trên thị trường được sử dụng cho rất nhiều lĩnh vực như: thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia vị, công nghiệp chất thơm, sản xuất tinh dầu…, trong khi đó phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác.Vì vậy, việc quản lý chất lượng dược liệu rất phức tạp, cần có sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành liên quan.
Chưa quản lý được “phần gốc” của dược liệu
Theo nhận xét của cơ quan quản lý, hiện nay việc quản lý dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng thuốc YHCT, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng dược liệu trong cả nước mới chỉ quản lý ở “phần ngọn” của dược liệu (khi đã đưa vào sản xuất hoặc sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh YHCT và cơ sở sản xuất thuốc), mà chưa quản lý đầy đủ chất lượng “phần gốc” (chọn giống, nhân giống, canh tác, nuôi trồng, bảo vệ thực vật, thu hái, chế biến, bảo quản và vận chuyển lưu thông trên thị trường, đặc biệt là nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của dược liệu nhập khẩu).