Xã Đắk Ui (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) là xã đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 90% dân số. Toàn xã có 291 hộ nghèo với 13.363 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,43% so với tổng số hộ toàn xã là 1.317 hộ. Hiện toàn xã có 1.076 hộ đang vay vốn ưu đãi tại NHCSXH với tổng số tiền trên 35 tỷ đồng. Tuy vậy, điều đặc biệt đây là xã không có nợ quá hạn phát sinh.
Trong chuyến công tác của Đoàn công tác Ban chỉ đạo T.Ư các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016 - 2020 tại xã Đắk Ui, với tư cách là Trưởng đoàn, ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc NHCSXH - đã đến thăm một số hộ gia đình trước đây là hộ nghèo nay đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nguồn vay vốn chính sách.
Đối với các hộ dân ở xã đặc biệt khó khăn này, có thể là lần đầu họ gặp lãnh đạo NHCSXH, nhưng họ đều quen thân, gần gũi với hầu hết cán bộ, nhân viên NHCSXH huyện Đắk Hà và NHCSXH tỉnh Kon Tum, bởi chính bàn tay những người đó đưa đồng vốn chính sách tiếp sức cho cuộc sống của họ, giúp họ vượt qua khó khăn để vươn lên.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác với Đảng ủy, UBND xã Đắk Ui, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã Đắk Ui đã đánh giá cao sự tiếp sức nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đối với việc phát triển SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn trong thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2018.
Thời gian tới, các tổ chức hội, đoàn thể sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh, huyện triển khai tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đề nghị NHCSXH phân bổ nguồn vốn vay nhiều hơn nữa để bà con có thêm vốn sản xuất kinh doanh (SXKD), đồng thời điều chỉnh kịp thời mức cho vay một số chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vay của bà con giải quyết việc làm, xây dựng mới, sửa chữa các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,...
Ông Dương Quyết Thắng đã đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của bà con nhân dân xã Đắk Ui trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn và có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao. Nguồn vốn ưu đãi đã làm thay đổi hẳn nhận thức cho bà con đồng bào DTTS. Trước đề nghị của xã Đắk Ui, ngay tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đồng ý bổ sung 3 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, đề nghị xã Đắk Ui tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu của người dân đề nghị NHCSXH trong thời gian tới bố trí nguồn vốn kịp thời để giúp bà con phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tín dụng chính sách không chỉ tạo dấu ấn tại xã Đắk Ui, mà trên toàn huyện Đắk Hà, NHCSXH đã ưu tiên tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách, đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng tại địa phương. Tổng dư nợ toàn huyện đến 30/11/2018 đạt 322.473 triệu đồng, tăng 43,83% so với đầu năm 2016.
Trong giai đoạn này, toàn huyện đã có gần 10.891 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi; góp phần thu hút, tạo việc làm tại chỗ và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho hơn 519 lao động (riêng các xã nông thôn mới là trên 154 lao động); xây dựng gần 7.378 nghìn công trình cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh (riêng các xã nông thôn mới là hơn 1.720 công trình); hơn 88 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn huyện (riêng các xã nông thôn mới là hơn 12 căn nhà)…
Ngay trong chuyến công tác này, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đồng ý bổ sung 20 tỷ đồng cho huyện Đắk Hà để NHCSXH tỉnh, huyện triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, ông Dương Quyết Thắng yêu cầu huyện Đắk Hà cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo và xây nông thôn mới. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các các chương trình, dự án để nhân dân được tiếp cận với các chính sách như vay vốn ưu đãi của NHCSXH, xuất khẩu lao động và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động, y tế, giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đạt hiệu quả.