Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội - Điểm tựa vững chắc trong giảm nghèo ở huyện Phú Lộc (TP Huế)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Phú Lộc (TP Huế) đóng vai trò quan trọng trong việc cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ tới hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, là điểm tựa vững chắc trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Phú Lộc phát triển kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Phú Lộc phát triển kinh tế.

Chị Phan Thị Phượng (thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền) là một điển hình về việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách để thay đổi cuộc sống. Thông qua Hội Nông dân xã, chị Phượng được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của NHCSXH. Với số vốn này, chị đầu tư vào việc mua máy may và máy vắt sổ để gia công áo gió. Mỗi ngày, chị Phượng sản xuất được 12 chiếc áo và thu về 150.000 đồng. Dù thu nhập ban đầu không lớn, nhưng đối với chị, đó là nguồn động viên to lớn, là hy vọng mới cho gia đình.

Nhận thấy tiềm năng từ nghề may gia công, vào tháng 5 năm 2024, chị Phượng tiếp tục vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ số vốn này, chị đã nhập thêm nguyên liệu, nhận thêm nhiều đơn hàng. Đặc biệt, chị vận động các gia đình khó khăn trong xã cùng tham gia sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con.

Hiện tại, mỗi ngày, gia đình chị may được 20 chiếc áo gió, thu nhập đạt 250.000 đồng. Bên cạnh đó, việc phân phối hàng hóa cho các hộ dân khác giúp chị thu về thêm 200.000 đồng mỗi ngày, góp phần không nhỏ vào việc chi trả học phí cho con cái và chi phí chữa bệnh cho chồng. Cũng từ đó, đời sống gia đình chị đã có những bước cải thiện rõ rệt, ổn định và vững vàng hơn.

Tình hình sử dụng nguồn vốn của người dân luôn được cán bộ tín dụng và các chi hội được ủy thác quan tâm, kiểm tra chặt chẽ.

Tình hình sử dụng nguồn vốn của người dân luôn được cán bộ tín dụng và các chi hội được ủy thác quan tâm, kiểm tra chặt chẽ.

Anh Trần Văn Đợi (dân tộc Cơ Tu, thôn A Dài, xã Thượng Long) chia sẻ, trước đây, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng chính sách, cuộc sống của anh đã thay đổi. Nhờ 40 triệu đồng hỗ trợ từ Hội Nông dân huyện và khoản vay 100 triệu đồng từ NHCSXH qua chương trình vay vốn giải quyết việc làm, gia đình anh đã đầu tư trồng cây bưởi da xanh; đồng thời mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng keo.

Sau 6 năm chăm sóc và phát triển theo đúng kỹ thuật, vườn bưởi da xanh đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu ổn định. Đặc biệt, nhờ sự đa dạng hóa các mô hình kinh tế, gia đình anh không chỉ có nguồn thu nhập từ cây bưởi mà còn từ chăn nuôi và trồng rừng. Cuộc sống gia đình anh đã chuyển mình mạnh mẽ, từ khó khăn lên đủ đầy, sung túc.

Ông Võ Hữu Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân vươn lên từ khó khăn, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nhiều hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp họ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn này không chỉ giúp dân thoát nghèo, mà còn tạo dựng cơ hội để họ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một phiên giao dịch tại xã của PGD NHCSXH huyện Phú Lộc.

Một phiên giao dịch tại xã của PGD NHCSXH huyện Phú Lộc.

Hiện, PGD NHCSXH huyện Phú Lộc đang triển khai 19 chương trình tín dụng, với gần 18 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ.

Trong đó, hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho 3.788 lao động; có 206 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 935 HSSV vay vốn để học; hơn 8.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hợp vệ sinh được xây dựng, cải tạo; 215 lượt hộ được vay vốn hỗ trợ làm nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; 216 khách hàng vay theo NĐ28/2022 cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Lê Quang Thắng - Giám đốc PGD NHCSXH huyện Phú Lộc, tổng nguồn vốn thực hiện tại đơn vị đến 31/3/2025 đạt 996,55 tỷ đồng, tăng 44,759 tỷ đồng so với cuối năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng 4,70%. Tổng dư nợ đạt 964,752 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, PGD NHCSXH huyện Phú Lộc đã thực hiện giải ngân cho gần 1.246 lượt khách hàng vay vốn với số tiền hơn 77 tỷ đồng.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới, PGD NHCSXH huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW và chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các xã thị trấn, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách.

PGD NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu huyện ủy, HĐND, UBND huyện bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua NHCSXH.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; trong triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch.

Đọc thêm