Tỉnh Cà Mau đang chịu tác động nặng nề của sạt lở với tổng chiều dài các đoạn bờ sông, bờ biển khoảng 188/254 km. Trong giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha.
|
Qua khảo sát, huyện Đầm Dơi là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất về sạt lở bờ sông. |
Ông Nguyễn Phương Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi (địa phương chịu thiệt hại nặng nhất về sạt lở bờ sông) cho biết, huyện đã chỉ đạo rà soát lại hết các điểm có nguy cơ, tuyên truyền cho người dân biết để chủ động di dời tài sản, nhà cửa; cắm các biển cảnh báo sạt lở. Huyện cũng chủ động di dời cơ sở hạ tầng có thể di dời như trụ điện, lộ giao thông trước khi xảy ra sạt lở.
Hơn 10 năm qua, sạt lở bờ sông trong đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân Cà Mau, tổng thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Về giải pháp phòng, chống sạt lở thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết, những khu thị trấn, khu đông dân cư, trụ sở cơ quan nhà nước... phải làm kè kiên cố. Đồng thời, người dân ở những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm cương quyết phải di dời, đồng thời có những khu tái định cư để đưa người dân tới ở ổn định và tạo sinh kế cho họ. "Còn những vị trí chưa tới mức đặc biệt nguy hiểm, chúng tôi cũng phối hợp doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu và có giải pháp kè cột nước thấp với mức đầu tư thấp, hiệu quả cao”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau nói thêm.
Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra gần 200 vụ sạt lở với tổng chiều dài sạt lở trên 4.900m (trong đó một nửa là lộ bê tông nông thôn), làm thiệt hại 78 căn nhà, hầu hết các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân. Ước thiệt hại về tài sản là gần 14 tỷ đồng.
Thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được hơn 56 km kè bảo vệ bờ biển. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, công tác khắc phục sạt lở bờ sông gần như chưa được đầu tư để đảm bảo hiệu quả dài hạn mà chỉ dừng lại ở biện pháp khắc phục tạm thời.