Tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi dài 140km, đi qua ba tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Được đầu tư với tổng mức hơn 34.000 tỉ đồng, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia và dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác. Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với bốn làn lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 120 km/giờ.
Sau bốn năm triển khai xây dựng, 65km cao tốc đầu tiên của dự án (đoạn Đà Nẵng-Tam Kỳ) đã chính thức được thông xe và đưa vào khai thác từ đầu tháng 8/2017. Đối với đoạn Tam Kỳ- Quảng Ngãi (giai đoạn 2) dài 74,204km, Bộ GTVT giao Ban QLDA hoàn thành vào 30/6 để kết nối đồng bộ với đoạn tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa được bàn giao mặt bằng khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Quảng Nam cho biết, tuyến dọc cao tốc đoạn qua huyện Phú Ninh đã bàn giao xong. Nhưng tuyến ngang cầu vượt còn hai hộ gồm ông Nguyễn Đại Vinh và ông Trần Triều chưa di dời, dù đã có quyết định cưỡng chế. Hiện, huyện vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ dân này tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc để đơn vị thi công hoàn thiện cầu vượt cao tốc. “Về cơ bản, tuyến đường cầu vượt nếu chưa cưỡng chế kịp vẫn có phương án đảm bảo cho thông tuyến. Tuy nhiên, vẫn phải giải tỏa để làm đường theo đúng quy định”, ông Thạnh nói.
Theo ông Thạnh, huyện dự kiến ngày 26/6 tổ chức cưỡng chế hai hộ này. Bênh cạnh đó, tại TP Tam Kỳ, hộ ông Đoàn Văn Lâm (thôn 5, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) đã rào phần đất cũ nhà ông này, chỉ chừa 1/4 bề rộng mặt đường cao tốc cho xe chở vật liệu lưu thông. Ông Lâm cho biết, gia đình chưa bàn giao đất vì chưa nhận đủ tiền đền bù, giải tỏa.
|
Hộ ông Đoàn Văn Lâm rào 3/4 mặt đường cao tốc vì khiếu nại trong đền bù, GPMB |
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi thông tin, đến nay toàn bộ đoạn 2 gồm 5 gói thầu xây lắp từ A1 đến A5 đã hoàn thành đạt trên 82% sản lượng, chậm trên 2% so với kế hoạch. Thời gian vừa qua, các đơn vị đã tập trung nhân lực, huy động mọi nguồn lực, cùng sự hỗ trợ từ chủ đầu tư (VEC) nên mặt đường vào các công trình cầu, cống trên tuyến chính đã hoàn thành trước ngày 7/6.
Nhưng trong giai đoạn thi công đại trà để đẩy nhanh tiến độ thì các địa phương cũng chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng theo cam kết, mặc dù cơ quan chức năng của Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đã rất tích cực phối hợp và hỗ trợ tối đa cho dự án.
“Các vướng mắc mặt bằng dai dẳng, chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm cộng thêm hàng loạt các vị trí cản trở thi công, phát sinh khác cũng gây khó khăn không nhỏ đến tiến độ thi công của dự án”- ông Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Thành, một nguyên nhân khác cũng có thể làm trễ tiến độ thông xe là việc huy động nguyên vật liệu đang khó khăn. Thời gian thi công cao tốc giai đoạn nước rút trùng với thời điểm một số công trình giao thông khác trên địa bàn ở trong giai đoạn hoàn thành. Mặc dù gặp một số khó khăn trong vấn đề mặt bằng, nguyên vật liệu… nhưng ngày 30/6 tới nhất định phải thông xe kỹ thuật như quyết tâm của Bộ GTVT nhằm đưa dự án vào hoạt động và phát huy hiệu quả. “Chúng tôi cam kết cùng với đơn vị tư vấn giám sát quốc tế không bỏ qua chất lượng để đánh đổi tiến độ vì đây là công trình trọng điểm quốc gia”- ông Thành khẳng định.