Nguy hiểm khi trẻ hóc đậu phộng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hạt đậu phộng (hạt lạc - PV) ở lâu trong đường thở bị ngấm nước nên mủn đi, gắp ra bị bể vụn thành nhiều mảnh. Các bác sĩ phải rất cố gắng gắp trọn những mạnh vụn còn sót lại, nhẹ nhàng bơm rửa giả mạc nơi hạt đậu bám, cầm máu cho trẻ...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) mới tiếp nhận bé L.T.B. (18 tháng tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) nhập viện trong tình trạng ho khan nặng tiếng hai ngày, rồi dần kéo tràng dài, sặc sụa tím tái.

Trước ngày nhập viện người lớn trong nhà có ăn đậu phộng, không rõ B. có ăn không, sau đó bé luôn bị ho dai dẳng kèm ói ra đàm nhớt, có lúc kèm sốt.

Người nhà đã cho bé đi khám nhiều lần nhưng đều được chẩn đoán là viêm phế quản. B. đã được cho uống nhiều loại thuốc nhưng tình trạng ho vẫn không dứt. Các bác sĩ nghi ngờ bé có dị vật trong đường thở nên đã tiến hành chụp phim phổi cho B. Kết quả cho thấy B. bị tắc nghẽn hoàn toàn phế quản gốc phổi trái, gây ứ khí phổi trái.

Trước tình hình đó, bệnh nhân được nội soi phế quản ngay sau đó. Kết quả nội soi phế quản cho thấy có dị vật nghi là hạt đậu phộng ở nhánh phế quản gốc trái.

BS Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ, quá trình gắp dị vật cho bé gặp rất nhiều khó khăn khi sử dụng ống soi mềm kết hợp với ống soi cứng. Cùng với đó, hạt đậu phộng ở lâu trong đường thở bị ngấm nước nên mủn đi, gắp ra bị bể vụn thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, các bác sĩ đã rất cố gắng gắp trọn những mạnh vụn còn sót lại, nhẹ nhàng bơm rửa giả mạc nơi hạt đậu bám, cầm máu và kết thúc thủ thuật".

Hiện sức khỏe của B. đang ổn định dần. Tuy nhiên, B. vẫn cần phải sử dụng kháng sinh trị viêm phổi và thực hiện vật lý trị liệu sau đó.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mắc dị vật đường thở do hít sặc rất phổ biến ở trẻ nhỏ đặc biệt là độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ thường có xu hướng cho các vật cầm nắm được bỏ vào miệng, sau đó hít sặc vào đường thở.

Quá nửa các trường hợp dị vật bị sặc là các loại đậu hạt nhỏ, đặc biệt là đậu phộng, trái cây nhỏ cắt hạt lựu và các loại đồ chơi nhiều tiểu tiết nhỏ, vụn vỡ... Những dị vật có hình dạng tròn cũng rất nguy hiểm đối với trẻ do nó có thể gây bít hoàn toàn đường thở, gây ngạt thở cấp tính, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Những trường hợp sặc dị vật bị bỏ quên có thể dẫn tới tình trạng viêm phổi tái đi tái lại, sốt, ho kéo dài, ho ra máu, xẹp phổi

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khi phát hiện trẻ hít sặc dị vật phụ huynh nên tiếp tục để cho trẻ ho nhằm tống dị vật ra ngoài.

Tuyệt đối không móc họng cho trẻ ói vì hành động này có nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong đường thở hơn hoặc làm cho dị vật đang từ bít đường thở không hoàn toàn trở thành bít đường thở hoàn toàn, khiến trẻ bị ngạt.

Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay đầu hơi chúc xuống, tay còn lại hơi khum vỗ mạnh vào lưng trẻ vùng giữa 2 xương bả vai.

Trẻ lớn hơn có thể đặt nằm ngửa xuống đất, hai bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau để ở vùng bụng dưới mũi ức (vùng thượng vị) đè ép xuống nhiều lần.

Đối với trẻ lớn và người lớn thì ta có thể đứng phía sau lưng họ, hai bàn tay nắm lại vào nhau ấn thốc mạnh vào vùng thượng vị theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau.

Cùng với đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh không cho trẻ cầm nắm, chơi đùa với các vật có kích thước nhỏ. Không nên cho trẻ cười giỡn trong lúc ăn để tránh để xảy ra các trường hợp hít sặc đáng tiếc.