Nguyên Giám đốc trung tâm chống độc “mách” cách xử trí ngộ độc rượu

(PLO) - Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), gần Tết, ngộ độc rượu là mối lo lớn bởi số nạn nhân ngộ độc gia tăng. Đây vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”, nhưng dù có nói thêm nữa cũng sẽ không thừa. Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta phải tự ý thức để bảo vệ chính mình và người thân.
Hình minh họa

Xung quanh vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BSCKII. Nguyễn Kim Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ hơn tác hại của rượu và đưa ra những cách xử trí khi quá chén, ngộ độc rượu ngày Tết.

Thích uống rượu tự nấu hơn

Từ thực tế làm nghề, xin bác sĩ cho biết “đệ tử lưu linh” thường bao gồm những đối tượng nào?

- Các đối tượng nghiện rượu thường là người lớn tuổi. Nhưng gần đây, cũng có cả thanh niên, thậm chí có cả nữ giới, và độ tuổi nghiện rượu ngày càng trẻ hơn. Trước đây, tuổi nghiện rượu thường là ngoài 20, còn giờ đã có cả những trường hợp nghiện rượu mới chỉ 14, 15 tuổi.

Ngay cả lứa tuổi học sinh cấp 2, như các em học sinh lớp 8, lớp 9, khi liên hoan cuối khóa hoặc tổ chức sinh nhật cũng đã có uống rượu. Các trường hợp uống rượu này một phần là do đua đòi lẫn nhau. 

Không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở nông thôn, thanh niên uống rượu tự nấu, hay còn gọi là rượu “cuốc lủi” cũng rất nhiều. Bây giờ, phong trào hát karaoke khá phát triển và chính các quán karaoke là nơi bán bia rượu rất nhiều. 

Karaoke thì đâu phải chỉ có người lớn mới hát mà trẻ con cũng hát. Trẻ em tuổi thiếu niên rủ nhau đi hát rất nhiều. Nhiều cậu thiếu niên con trai lại hay thích tỏ ra mình là người lớn nên vào hát là gọi bia, gọi rượu ra để uống.

Theo điều tra thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nam giới uống rượu, đặc biệt là trong giới quản lý, lãnh đạo, và nhân viên văn phòng chiếm 67-69%. Tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên, uống rượu, bia ít nhất 1 lần/tuần là 46%, còn nữ giới chiếm 2%. 

Trong một báo cáo về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, theo điều tra được tiến hành tại 6 tỉnh-thành phố thì tỷ lệ người uống rượu, bia chiếm 87,2%, trong đó 25% bắt đầu uống từ tuổi 18; khoảng 20% uống hàng ngày, với mức độ là 1/4 lít/ lần (250ml) rượu nếp; một thống kê khác nữa cho thấy 53% uống rượu tự nấu, 2% rượu quốc doanh. Khi được hỏi thì 80% trả lời là thích uống rượu tự nấu vì người ta cho rằng an toàn. Nhưng những người trả lời như vậy đã hiểu sai.

Xin bác sĩ cho biết những hệ lụy của rượu, đặc biệt là rượu giả?

- Rượu thật, tức là rượu ethylic hay ethanol, còn gọi là alcohol, là những hợp chất hữu cơ có một hay nhiều nhóm Hydroxyl (OH) kết hợp với những nguyên tử các-bon no. 

Còn rượu giả, thứ nhất là rượu không đúng theo quy chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước, thứ hai là không được khử anđêhit (aldehyde), thứ ba là rượu do cố tình pha thêm cồn công nghiệp, thứ tư là do nguyên liệu cũng như cách thức nấu rượu không được chuẩn.

Rượu giả nhiều khi là do cố tình pha để bán chui, bán lủi tại các quán cóc vỉa hè. Kiểu cố tình thứ hai là tại các quán rượu, lúc đầu người ta đưa rượu thật ra để bán, đến khi nạn nhân say rồi, không phân biệt được thật, giả nữa thì họ bắt đầu đưa rượu giả, hoặc rượu có pha một phần rượu giả ra để bán. 

Kiểu cố tình thứ ba là khi người ta đưa ngay vào những siêu thị, cửa hàng rượu để bán, nhất là những dịp có nhu cầu mua rượu cao như dịp gần tết, lễ hội, hay tại những nơi có đông người mua như đình, chùa, miếu mạo. Còn vô tình thì có thể là do ở khâu nấu rượu người nấu không biết được, hoặc do người mua vô tình mua phải rượu giả.

Tác hại của rượu như thế nào đối với người dùng phụ thuộc vào lượng uống. Cần phải biết rằng, dù là rượu thật nếu uống nhiều thì ảnh hưởng cũng nặng chứ không phải cứ là rượu thật thì uống vào sẽ không say, không chết. 

Với rượu thật, ảnh hưởng nhẹ thì bệnh nhân có dấu hiệu bị kích thích, gọi là “sảng rượu”. Nếu uống ít thì rượu có thể kích thích tiêu hóa, giúp khai vị, nhưng nếu uống kéo dài, cũng có thể gây ra suy tim, tắc hẹp mạch não, tắc động mạch ngoại biên ở chân và tay.

Khi uống ít kéo dài thì dễ chuyển sang uống nhiều, mà uống nhiều thì rất nguy hiểm, nhẹ thì có thể dẫn đến ức chế thần kinh trung ương, mất kiểm soát lời nói và hành vi. 

Nặng thì có dấu hiệu về tim mạch như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đau tim (ở trẻ em thì có thể bị ngừng tim), về hô hấp thì có thể bị thở yếu, ngừng thở, về tiêu hóa thì có thể gây nôn, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày, rối loạn điện giải, gây xơ gan rượu, tiêu cơ, suy thận, hạ nhiệt độ, hạ đường huyết và những dấu hiệu của uống nhiều cấp tính khác như làm giảm thị lực, teo não, rối loạn tâm thần, chấn thương sọ não, tê chân, tê tay, mất ngủ kéo dài…

Với rượu giả, nếu nhẹ (lượng uống 10ml) thì có thể gây nhìn mờ, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, thở gấp, thở đứt quãng; còn nặng (lượng uống từ 30ml trở lên) thì có thể gây toan chuyển hóa, tăng nhịp tim và thậm chí gây tử vong. 

Người bình thường, nếu uống 1 lít rượu thật trong vòng 1 giờ và không ăn gì thì chắc chắn tử vong. Lượng này tương đương với uống 8 lít bia trong vòng 1 giờ, và uống 4 chai rượu vang trong vòng 1 giờ. Đó đều là những lượng rượu bia có thể gây tử vong. 

Nói như vậy để thấy là kể cả rượu giả hay rượu thật cũng đều có thể gây tử vong. Ngoài ra, uống rượu còn có nguy cơ gây ung thư như ung thư gan, thực quản, đại tràng, trực tràng, ung thư vú…

Thế giới đã thống kê rằng có khoảng 3,3 triệu người tử vong do dùng bia, rượu, chiếm 5,96% tất cả các trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, những trường hợp tử vong do rượu và tai nạn do rượu cũng rất nhiều mặc dù chưa có các thống kê cụ thể.

Khi bị ngộ độc rượu, ngoài những tác hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng, bệnh nhân và gia đình còn phải chịu thiệt hại về kinh tế. Ví dụ như khi bị ngộ độc methanol thì sẽ phải lọc máu liên tục trong nhiều ngày, không phải một lần mà phải lọc nhiều lần, chi phí mỗi lần 17-20 triệu đồng, tổng chi phí điều trị có thể lên đến cả trăm triệu, nhưng sau khi điều trị vẫn để lại di chứng là hỏng mắt.

TS.BSCKII.Nguyễn Kim Sơn điều trị cho một bệnh nhân ngộ độc rượu tại BV Bạch Mai

Ham thêm chén rượu, đổi cả cuộc đời

Nhằm cảnh báo tác hại của rượu, bác sĩ có thể chia sẻ những câu chuyện cụ thể về những trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu mà ông đã từng điều trị?

- Có bệnh nhân quê Mộc Châu, Sơn La, vốn là cán bộ một xã miền núi. Do hay uống rượu sắn hàng ngày nên ông bị viêm tụy cấp, biến chứng nang giả tụy. Trước khi xuống Hà Nội nhập viện, người đàn ông này chỉ có da bọc xương sau nhiều ngày hứng chịu những cơn đau dữ dội.

Trường hợp khác là một bệnh nhân quê Hải Phòng, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn nhiều, huyết áp tụt, sốt cao, tiêu chảy... Trước đó, trong lúc đang “chén chú chén anh” tại một đám ăn hỏi, ông này bỗng thấy khó thở, vã mồ hôi, da xanh tái, bụng đau dữ dội như dao đâm… rồi gục ngay tại bàn tiệc. 

Khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp do rượu bởi xét nghiệm cho thấy chỉ số amylase – (một men tiêu hóa quan trọng của tụy) - tăng cao bất thường trong máu và nước tiểu. Qua tìm hiểu được biết, ông này thường “làm bạn” với rượu, đặc biệt, mỗi khi có tiệc tùng, liên hoan, cứ rời khỏi bàn tiệc là ông về nhà trong tình trạng say mèm.

Trước tết năm 2016, có hai nữ công nhân máy xúc người Ucraina ở Quảng Ninh, do nghiện rượu nên đã mua cồn về tự pha để uống và bị mờ mắt đến mức độ giơ tay ở khoảng cách 1m không nhìn thấy gì.

Hoặc trường hợp 3 người cũng ở Quảng Ninh, uống “Rượu Hà Nội 29”, là loại rượu pha cồn công nghiệp methanol và bị tử vong. Và rất nhiều trường hợp khác, khi bị mờ mắt đi khám ở khoa mắt hoặc Viện Mắt, sau đó phải chuyển xuống Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vì bị ngộ độc methanol.

Còn các trường hợp tai nạn do sang chấn, tai nạn gẫy chân, gẫy tay, chấn thương sọ não… do ngộ độc rượu thì ngày Tết hầu như lúc nào cũng có. Khoa ngoại và khoa cấp cứu của các bệnh viện đều gặp.

Có trường hợp vợ giận chồng nên sẵn có bình rượu ở đó lấy ra uống, chúng tôi phải điều trị kéo dài vì phụ nữ uống thì rất dễ bị ngộ độc và tác hại của rượu đối với phụ nữ thì mạnh hơn so với nam giới. 

Còn có trường hợp thì vì nể bạn nên uống, chưa kể là bị ép uống, hoặc là bị “dụ” cho 500 ngàn đồng, thế là uống đến mấy chục cốc xong rồi gục tại chỗ. Còn đối với học sinh thì thường là uống ít hơn nhưng vì chưa uống bao giờ nên cũng dễ bị say.

Một đặc điểm nữa là các cồn cấm uống ví dụ như cồn công nghiệp, cồn xoa bóp, cồn sát trùng… thường không được dán nhãn mác gì cả, và không có chỗ để riêng, thậm chí để ở những chỗ gần tầm tay trẻ con và đã có trường hợp trẻ con lấy ra để uống và nguy kịch đến tính mạng. 

Lời khuyên của anh về cách lựa chọn, sử dụng rượu và cách xử trí khi ngộ độc rượu ngày Tết là gì?

- Trong ngày Tết, nếu ăn nhậu nhiều ở các quán xá, thì nguy cơ uống phải rượu rởm, rượu giả rất cao. Điều đáng ngại là không thể nhận biết rượu giả bằng mắt thường hay uống thử. Do vậy, theo tôi, chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng.

Đối với các đối tượng như trẻ em vị thành niên, phụ nữ đang hoặc sắp có thai, phụ nữ đang cho con bú, người nghiện rượu (không kiểm soát được số lượng uống vào), hoặc những người lái xe, vận hành máy móc, đòi hỏi phải tập trung kỹ năng, kỹ thuật, phối hợp các động tác; những người đang dùng thuốc để điều trị bệnh, những người bị các bệnh có chỉ định nghiêm cấm uống rượu như tim mạch, gan, mật, tụy… và cả những người mới bỏ rượu đều không nên uống.

Nếu uống, phải uống đúng lúc với 1 lượng vừa phải trước bữa ăn để có tính chất khai vị, khi uống phải đảm bảo tỉnh táo, nói rõ ràng từng câu từng chữ, đi lại phải vững vàng. 

Một điều cần lưu ý đó là cần phải ăn trước, trong và ngay sau khi uống. Vào dịp Tết, thời tiết thường lạnh nên khi uống phải giữ ấm, tránh ra lạnh. Khi đã uống thì không được lái xe, vận hành máy móc hoặc lao động đặc biệt, có thể gây nguy hại đến sức khỏe như ngã, tai nạn…

Tốt nhất nên thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như của Bộ Y tế, đó là không nên lạm dụng rượu bia và các đồ uống có cồn. Lạm dụng rượu bia là sử dụng trên 14 đơn vị rượu mỗi tuần, hoặc trên 2 đơn vị rượu mỗi ngày, hoặc trên 1/2 đơn vị rượu mỗi giờ đối với nữ; trên 21 đơn vị rượu mỗi tuần, hoặc trên 3 đơn vị rượu một ngày, hoặc trên 1 đơn vị rượu mỗi giờ đối với nam. 

Một đơn vị rượu tương đương với 2/3 chai bia 500ml, hoặc tương đương với một lon bia 330ml, hoặc bằng 1 ly rượu vang 80ml, hoặc bằng 1 chén rượu mạnh 25ml (loại rượu 40oC như whisky, chivas…).

Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Một số nhà hàng “đặc sản rượu dân tộc” đua nhau quảng cáo với khách về hàng chục loại rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật... Người dân có thể “tiền mất tật mang” với những loại rượu này. Vì hiện nay dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không đảm bảo vì cây cỏ hiện nay cũng nhiễm độc nhiều, nhiễm vi nấm độc.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là làm như thế nào khi xảy ra quá chén? Khi quá chén, không được tự đi lại một mình, không được lái xe, vận hành máy móc, phải ăn đủ chất tinh bột và chất đường, nên nằm ngủ ở tư thế nghiêng đầu, vai cao hơn, phải giữ ấm, và có người nhà theo dõi để xem người uống có thở đều không, thở êm không, có hồng hào không và thỉnh thoảng phải gọi hoặc lay, nếu người uống không có phản ứng gì thì phải đưa đi bệnh viện ngay.

Khi quá chén thì có thể hát, hoặc nói to nhưng không được ảnh hưởng đến người xung quanh, vì khi hát hoặc nói to có thể đào thải bớt rượu qua hơi thở. 

Nếu bị quá chén nặng, khi hỏi không biết gì, co giật, thở yếu, thở chậm, thở khò khè, tím tái, nôn nhiều, có chấn thương như chấn thương sọ não, gẫy chân, gẫy tay, hoặc sốt cao thì phải gọi cấp cứu hoặc đưa đi bệnh viện ngay, không nên để ở nhà theo dõi nữa. 

Không nên bôi vôi, móc họng cho nôn hoặc cố gắng đổ nước đường, nước chanh vào họng bởi vì sẽ gây sặc vào phổi. Trong trường hợp đó, cần đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ đặt ống thở và cho thở bằng máy, truyền dịch, nuôi dưỡng bằng đường truyền. 

Những sai lầm hay mắc phải khi xử trí người bị quá chén đó là cứ để cho bệnh nhân ngủ ở nhà, không theo dõi hoặc để họ nằm phong phanh dẫn tới bệnh nhân bị tử vong do hạ đường huyết và hạ nhiệt độ do lạnh. Còn sai lầm của người uống rượu đó là chỉ uống mà không ăn, sẽ dẫn đến hạ đường huyết, hoặc sai lầm uống nhiều loại rượu cùng một lúc, dù là số lượng ít, hoặc là uống một loại rượu nhưng số lượng nhiều. 

Theo tôi, nhà nước cần quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị sản xuất, cấm nấu rượu tự túc, nấu lậu, phải có chuẩn hóa, có kiểm định về chất lượng, và phải phạt nặng đối với những người buôn bán hàng rởm.

Xin chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Kinh hãi công thức rượu tự nấu: 

“Ở nông thôn, người ta thường hay tự nấu rượu để uống. Nhưng họ toàn mua men của Trung Quốc, thường gọi là “men Tàu”, loại men mà không biết là được làm như thế nào, đem về nấu.

Thứ hai nữa là công đoạn nấu không đảm bảo, dụng cụ nấu rất bẩn, mất vệ sinh, pha trộn nhiều cồn công nghiệp, không khử anđêhit (aldehyde), đôi khi trong công thức nấu rượu, người ta còn cho thêm cả phân urê vào để cho rượu được trong nổi tăm, dẫn đến ngộ độc urê”, TS.BSCKII.Nguyễn Kim Sơn cảnh báo. 

Đọc thêm